Đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam: Quy mô các gói thầu nên ở khoảng 1-1,5 tỷ USD
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam cần ưu tiên sử dụng các nhà thầu Việt Nam nhằm đảm bảo tạo nguồn công việc trong nước, tăng tính chủ động, tính tự chủ.
Khẳng định Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam là cơ hội lớn nhưng cũng là những thách thức đầy khó khăn cho các nhà thầu xây dựng Việt Nam, do đó, Hiệp hội các Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) vừa có kiến nghị hàng loạt các cơ chế, chính sách đặc thù nhằm triển khai hiệu quả dự án.
Ưu tiên lựa chọn nhà thầu Việt
Trong văn bản vừa kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét các cơ chế đặc thù cho dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch VACC cho biết dự án này với tổng mức đầu tư hơn 67 tỷ USD, trong đó, phần xây dựng cơ bản chiếm khoảng 33 tỷ USD là cơ hội, cũng là thách thức lớn đối với các doanh nghiệp, nhà thầu Việt Nam.
Do đó, VACC đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phân tách riêng hợp phần xây dựng kết cấu hạ tầng với các hợp phần chuyên ngành khác (thông tin, tín hiệu; cấp điện; phương tiện đoàn tàu). Quy mô các gói thầu trong hợp phần xây dựng nên giữ trong khoảng từ 1-1,5 tỷ USD, đảm bảo năng lực tài chính của các nhà thầu tham gia đấu thầu; nghiên cứu cho phép áp dụng hình thức chỉ định thầu trong dự án và áp dụng giảm giá 5%.
Về lựa chọn nhà thầu, theo ông Hiệp, đây là dự án đặc biệt lớn, sử dụng nguồn vốn trong nước, cần ưu tiên sử dụng các nhà thầu Việt Nam nhằm đảm bảo tạo nguồn công việc trong nước, tăng tính chủ động, tính tự chủ, là cách tốt nhất để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong nước để có thể thực hiện các dự án tương tự hoặc có thể tham gia đấu thầu các dự án quốc tế sau này.
VACC kiến nghị tiêu chí lựa chọn năng lực kinh nghiệm nhà thầu trong nước là các nhà thầu có năng lực và kinh nghiệm; từng tham gia các dự án, công trình giao thông có cấp hạng (theo phân cấp công trình xây dựng quy định tại Thông tư 06/2021/TT-BXD) tương đương với cấp hạng tuyến đường sắt tốc độ cao hoặc có cấp hạng được quy đổi từ tối thiểu 3 công trình ở cấp thấp hơn liền kề.
Về năng lực tài chính nhà thầu, VACC cho rằng xem xét, cho phép cộng năng lực tài chính của tất cả các nhà thầu trong liên danh và có thể giảm bớt yêu cầu về năng lực tài chính.
Mô hình nhà thầu cần khuyến khích liên danh giữa các nhà thầu trong nước hoặc trong và ngoài nước nhưng nhà thầu trong nước đóng vai trò là đứng đầu liên danh; khuyến khích cộng điểm cho liên danh nhà thầu sử dụng nhà thầu trong nước với tỷ lệ công việc lớn hơn.
“Trường hợp các nhà thầu nước ngoài muốn tham gia thì phải liên danh với nhà thầu Việt Nam trong đó các nhà thầu Việt Nam phải đảm nhận ít nhất 50% khối lượng công việc. Quy định sử dụng lao động Việt Nam, ưu tiên lao động tại địa phương (tối thiểu 70%) cũng cần được xem xét,” phía VACC đề xuất.
Nhìn nhận dự án sử dụng quy trình thiết kế FEED (thiết kế kỹ thuật tổng thể) và đấu thầu nhà thầu EPC, ông Hiệp đánh giá các nhà thầu Việt Nam thường có sự tách bạch thành nhà thầu tư vấn thiết kế và nhà thầu xây dựng nên trong đấu thầu cần có sự liên danh liên kết giữa 2 nhóm nhà thầu này, bao gồm cả nhà thầu nước ngoài.
Do lực lượng nhà thầu tư vấn ở nước ta còn mỏng, VACC kiến nghị với Thủ tướng cho phép các nhà thầu tư vấn tham gia các bước nghiên cứu khả thi, thiết kế FEED vẫn được tham gia trong liên danh tổng thầu EPC để đấu thầu nếu chứng minh được sự độc lập về pháp lý và tài chính với các thành viên nhà thầu xây lắp trong tổ hợp tổng thầu EPC hoặc cho phép nhà thầu EPC được lựa chọn tư vấn thiết kế sau khi trúng thầu.
Về tư vấn giám sát và các tiêu chuẩn kỹ thuật sử dụng, theo ông Hiệp, dự án có yêu cầu kỹ thuật cao, đặc biệt đòi hỏi độ chính xác lớn, hạn chế dung sai. Do vậy, VACC kiến nghị cần tăng cường công tác tư vấn giám sát. Mô hình tư vấn giám sát theo hình thức tư vấn nước ngoài liên danh với tư vấn trong nước để thực hiện dự án. Trong quá trình thi công, giám sát thi công có yêu cầu phía nước ngoài chuyển giao công nghệ thi công cho nhà thầu Việt Nam.
Cần có đơn giá, định mức riêng và gói tín dụng đặt biệt
Đối với định mức, đơn giá, lãnh đạo VACC thừa nhận thực tế hiện nay còn thiếu nhiều định mức giao thông chuyên ngành. Dự án đường sắt tốc độ cao đòi hỏi các tiêu chuẩn kỹ thuật rất đặc thù, đặc biệt, thời gian từ nay tới khi khởi công xây dựng chỉ còn khoảng 2 năm không đủ cho xây dựng bộ định mức hoàn chỉnh.
VACC kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ không sử dụng hệ thống định mức đơn giá chi tiết hiện nay mà sử dụng hệ thống đơn giá công trình riêng theo phương thức đơn giá tổng hợp hoặc suất đầu tư để xây dựng đơn giá gói thầu; tính giảm giá 5% nếu chỉ định thầu.
Về phát triển nguồn nhân lực ngành xây dựng đường sắt, Hiệp hội kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho triển khai xây dựng đề án nguồn nhân lực để các cơ sở đào tạo tiến hành đào tạo nhân lực cho ngành xây dựng đường sắt từ thiết kế, thi công đến vận hành đảm bảo phát triển bền vững và lâu dài; khuyến khích các tổ chức, nhà thầu cấp học bổng và hỗ trợ sinh viên theo học chuyên ngành xây dựng đường sắt và cơ khí.
Nhìn nhận dự án có các gói thầu có giá trị rất lớn nên để có vốn cho các doanh nghiệp, VACC đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo ngân hàng bố trí một gói tín dụng đặc biệt cho vay các gói thầu thi công dự án với lãi suất ưu đãi (có thể là 5%/năm), đồng thời có cơ chế bảo lãnh thực hiện hợp đồng riêng cho phù hợp với khả năng của các nhà thầu trong nước (thường có vốn nhỏ).
VACC cũng kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét sử dụng mẫu hợp đồng FIDIC (Hiệp hội kỹ sư tư vấn quốc tế) do có yếu tố nước ngoài tham gia dự án; bổ sung thêm các quy định về đơn giá đền bù, giá cấp vật liệu cho dự án... để tránh khó khăn cho nhà thầu đồng thời kiến nghị làm rõ việc quản lý mỏ vật liệu sau khai thác./.
Theo Vietnam+