Đường về nẻo thiện
(Cadn.com.vn) - Mỗi con người khi sinh ra đều gắn liền với một số phận, có những người cam chịu những gì mà "định số an bài", nhưng cũng có người sau một thời lầm lỗi, họ nỗ lực vượt qua tự ti, mặc cảm vươn lên trong vòng tay yêu thương của cộng đồng và người thân, trở thành người hữu ích cho xã hội...
Trong những ngày gần Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015, mặc dù rất bận rộn với công việc, nhưng ông Đỗ Vinh, ở xã Hòa Phong (H. Krông Bông, Đắc Lắc) vẫn niềm nở tiếp chuyện cùng chúng tôi, Ông bồi hồi kể lại: "Vào năm 1984, lúc ấy tôi là một thanh niên siêng năng lao động, nhiều năm được Hợp tác xã nông nghiệp biểu dương khen thưởng. Nhưng vì cuộc sống quá khó khăn nên sau một lần không làm chủ được bản thân, tôi vướng vào vòng lao lý bị kết án 18 năm tù giam. Quãng thời gian ấy đã lấy đi của tôi cả tuổi thanh xuân và điều tồi tệ hơn là những ngày bên trong song sửa sắt, vợ đã "ôm cầm" sang thuyền khác".
Mọi hy vọng đều tiêu tan, có những lúc tưởng chừng không gượng dậy nổi, nhưng được sự quan tâm giúp đỡ, động viên tinh thần của cán bộ quản giáo, dần dần ông lấy lại được thăng bằng và từ đó quyết tâm học tập cải tạo để sớm có cơ hội đoàn tụ với gia đình.
Thời gian trong trại giam, ông được học nghề thợ mộc. Với bản tính cần cù, chịu khó nên ông tiếp thu rất nhanh, chẳng bao lâu ông đã làm thành thạo nhiều sản phẩm và luôn hoàn thành vượt mức kế hoạch của ban giám đốc trại giam giao, do học tập cải tạo tốt nên năm 1996 ông được ân xá trước thời hạn 6 năm.
Trở về với cuộc sống đời thường, ông quyết tâm làm lại từ đầu. Để có thể tự lực trang trải những nhu cầu sinh hoạt hằng ngày, ông nhận làm gia công những vật dụng bằng gỗ cho bà con trong thôn xóm, rồi "tích thiểu thành đại" có được chút vốn nho nhỏ, ông mua sắm phương tiện mở một trại gia công chế biến sản phẩm mộc.
Ông Vinh và xưởng mộc. |
Một cái kết có hậu, khi người con gái cùng thôn cảm mến tính chịu thương chịu khó của ông, đã tự nguyện cùng ông đi tiếp đoạn đời còn lại. Hằng ngày "vợ bảo chồng, chồng bảo vợ" chí thú làm ăn. Đến nay, trại mộc của ông nổi tiếng trong vùng, thường xuyên giải quyết việc làm cho 2 lao động, sau khi trừ chi phí nhân công, bình quân mỗi tháng cũng cho thu nhập trên 10 triệu đồng, điều đáng nói là khi bà con lối xóm có việc cần nhờ, ông sẵn sàng giúp đỡ chẳng từ nan, ông còn dạy nghề miễn phí cho 1 thanh niên dân tộc bị khuyết tật, bây giờ mỗi khi nhắc đến ông mọi người đều tỏ ý thán phục.
Ông Đỗ Vinh tâm sự: "Lúc còn ở trong trại tôi đã học được nhiều điều. Khi trở về với gia đình, được sự cảm thông của cộng đồng, sự thương yêu của người thân và bè bạn. Với nghề nghiệp được học từ trong trại, tôi đã làm lại cuộc đời và có được kết quả như ngày hôm nay".
Cùng cảnh thụ án tù giam về tội đánh người gây thương tích, anh Phùng Văn Quang, ở Hòa Phong trong một lần đi chơi với bạn hồi tháng 4 năm 2009, bất bình vì bạn bị đánh vô cớ, anh đã xông vào can thiệp và gây thương tích cho đối phương, hậu quả là anh bị tòa kết án 2 năm tù giam. Trong những ngày tháng chấp hành án phạt, vợ anh một nách 2 con dại, đã tảo tần đi mua nhôm nhựa, chèo chống gia đình qua cơn bĩ cực, để anh yên tâm cải tạo.
Năm 2011 mãn hạn tù, anh trở về mở một tiệm hớt tóc để mưu sinh, nhờ vậy gia đình anh đã thoát khỏi danh sách hộ nghèo của xã, anh tâm sự: "Tôi đã một lần lầm lỡ, bây giờ tôi cần phải cố gắng hơn để trở thành người có ích cho con cháu noi theo" .
Trường hợp của ông Vinh, anh Quang chỉ là hai trong số những người quay về nẻo thiện ở H. Krông Bông rất đáng biểu dương, song bên cạnh đó vẫn còn những người sau khi ra trại lại "ngựa quen đường cũ".
Trưởng công an xã Hòa Phong Trương Thế Mãi nhận xét: "Trên địa bàn xã có hơn chục người sau khi mãn hạn tù trở về, họ đều tu tâm dưỡng tánh trở thành công dân hữu ích, song nếu không có sự vào cuộc của mặt trận, đoàn thể thường xuyên gần gũi vận động, chia sẻ tâm tư tình cảm, thì ranh giới dẫn đến tái phạm chỉ trong gang tấc..."
Vì vậy, để giúp cho người lầm lỡ tái hòa nhập cộng đồng cần có nhiều yếu tố, từ sự hỗ trợ nhiều mặt của xã hội, cho đến tấm lòng yêu thương của người thân, sự bao dung, nhân ái của cộng đồng. Nhưng quan trọng hơn cả vẫn là sự quyết tâm làm lại cuộc đời, hướng đến nẻo thiện của những người mà đã một lần "tay trót nhúng chàm".
Mai Viết Tăng