Duy trì lễ giỗ liệt sĩ ở Hòa Vang

Thứ ba, 21/07/2020 16:01

Ở vùng nông thôn Hòa Vang (TP Đà Nẵng) có một lễ giỗ liệt sĩ được chính quyền và nhân dân 11 xã trên địa bàn huyện duy trì, tổ chức suốt nhiều năm qua vào dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7). Lễ giỗ diễn ra thật ấm áp nghĩa tình, đậm chất nhân văn và thể hiện lòng tri ân của các thế hệ hôm nay với những anh hùng liệt sĩ hy sinh vì hòa bình, độc lập, tự do của Tổ quốc.

Dân làng Yến Nê (xã Hòa Tiến, H. Hòa Vang) tổ chức lễ giỗ liệt sĩ.

Thời chiến tranh, Hòa Vang là một trong những vùng bị giặc đánh phá ác liệt, là chiến trường chính của các đơn vị bộ đội chủ lực như Trung đoàn 31 (Đại đội 25 Đặc công), Trung đoàn 141 (Sư đoàn 2), Sư đoàn 324 (Mặt trận 4), Trung đoàn pháo binh 575, lực lượng vũ trang của huyện cùng nhiều đơn vị phối hợp. Trên địa bàn huyện hiện có 11 nghĩa trang với 5.081 mộ liệt sĩ, trong đó 2.302 mộ có đầy đủ thông tin, 389 mộ có một phần thông tin, 1.605 mộ chưa xác định thông tin, 785 mộ vong (mộ không có hài cốt)... Còn hôm nay, quê hương này đã khoác lên mình chiếc áo mới với sự phát triển năng động, ngày càng giàu, đẹp. Dù cảnh vật đổi thay nhưng lòng người Hòa Vang không thay đổi. May mắn được hưởng trái ngọt thanh bình, những người sống sau chiến tranh vẫn không quên quá khứ một thời đấu tranh gian khổ.

Theo Chủ tịch UBND xã Hòa Phong Nguyễn Thị Vân, nhiều năm nay, mỗi dịp 27-7, xã tổ chức lễ giỗ trong khuôn viên nghĩa trang liệt sĩ xã và mời tất cả thân nhân liệt sĩ ở địa phương đến dự. Kinh phí tổ chức đều xã hội hóa. Năm nay, xã sẽ tổ chức lễ giỗ liệt sĩ vào chiều 25-7. Hơn 920 ngôi mộ đều được sửa sang tươm tất, có đèn, nhang, hoa tươi và có cả áo giấy đặt ngay ngắn trên từng phần mộ... Nhiều thân nhân liệt sĩ chia sẻ, ở gia đình cũng có làm giỗ hàng năm vào ngày hy sinh của người thân, nhưng lúc về dự giỗ chung, được gặp nhiều gia đình khác, cùng trò chuyện, chia sẻ những mất mát, đau thương trong chiến tranh, họ cảm thấy ấm lòng hơn.

Mấy năm nay, bà Lê Thị Thiết (xã Hòa Nhơn) vẫn đều đặn về xã Hòa Phong dự ngày giỗ liệt sĩ. Tuổi cao, đôi chân khập khiễng, bà không thể đi từng phần mộ thắp hương trong ngày giỗ như những năm trước nhưng nhìn khói hương nghi ngút ở từng ngôi mộ, lòng bà như được sưởi ấm. Bà nghẹn ngào tâm sự: "Em trai tôi hy sinh khi mới hơn 20 tuổi và đến bây giờ vẫn chưa biết nằm lại nơi đâu. Thương em, tôi chỉ mong một ngày nó trở về an nghỉ dưới lòng đất mẹ". Nhưng, thời gian trôi qua, hài cốt người em vẫn chưa được tìm thấy. Mỗi lần đến dự giỗ liệt sĩ, bà Thiết lại thắp hương tất cả các phần mộ chưa xác định được danh tánh và tự an ủi, có lẽ em trai bà đang nằm đâu đó trong vô số phần mộ chưa biết tên này. Cảm nhận được sự quan tâm, lòng biết ơn của thế hệ hôm nay qua lễ giỗ liệt sĩ, nỗi đau của bà như phần nào được xoa dịu...

Ngoài lễ giỗ do xã tổ chức, lễ giỗ liệt sĩ còn lan tỏa đến tận thôn xóm, như ở các thôn Yến Nê, La Bông (xã Hòa Tiến), Cẩm Toại Tây (xã Hòa Phong), La Châu (xã Hòa Khương), Trường Định (xã Hòa Liên)... Người dân đến dự giỗ liệt sĩ với lòng biết ơn sâu sắc, kính cẩn nghiêng mình tri ân những người đã ngã xuống. Giỗ liệt sĩ ở vùng nông thôn vì thế trở thành nét đẹp nhân văn, thể hiện đạo lý "Uống nước nhớ nguồn".

Có thể nói, các hoạt động kỷ niệm ngày Thương binh - Liệt sĩ hàng năm đều diễn ra trân trọng, ấm áp, nghĩa tình từ Trung ương đến địa phương; nhưng với người dân H. Hòa Vang mỗi lễ giỗ liệt sĩ phải được tổ chức thiêng liêng và sâu lắng. Một việc làm nhân văn giàu ý nghĩa của cán bộ, đảng viên và nhân dân ở vùng nông thôn này là sự tri ân những người đã hy sinh thân mình để đất nước, quê hương có được cuộc sống ấm no hạnh phúc như ngày hôm nay. Qua đó, nhắc nhở các thế hệ hôm nay và mai sau luôn nhớ về công lao của những người đã ngã xuống, để trau dồi đạo đức, nhân cách và lẽ sống, xứng đáng với sự hy sinh cao cả đó.

VY HẬU