Ê-kíp trực làm đúng phác đồ điều trị?

Thứ năm, 11/12/2014 11:02

(Cadn.com.vn) - Vừa qua, P.V Báo Công an TP Đà Nẵng nhận được phản ánh của chị Nguyễn Thị Huệ (1983), vợ nạn nhân Hồ Văn Cường (1983, trú tổ 8, xã Trà Tân, H. Bắc Trà My, Quảng Nam) bị rắn hổ chúa cắn dẫn đến tử vong.

Theo chị Huệ, nguyên nhân khiến anh Cường tử vong là do lỗi của y bác sĩ Bệnh viện Bắc Trà My: "Sau khi anh Cường bị rắn cắn, tôi đã ga-rô không cho chất độc phát tán, thế nhưng khi đến bệnh viện, các y bác sĩ đã tháo ga-rô ra nên chồng tôi mới tử vong". Vậy thực hư thế nào.

Người dân bức xúc trước cái chết của anh Cường.

Rắn hổ chúa nằm dưới gầm giường

Chị Huệ kể lại: 4 giờ ngày 11-11, chị Mai Thị Túy (hàng xóm) dậy lấy gạo nấu cơm thì nghe tiếng thở phì phò dưới gầm giường. Chị Túy hoảng hốt gọi chồng là anh Trần Thanh dậy xem là gì. Anh Thanh ngồi dậy lấy đèn pin rọi xuống giường thì phát hiện một con rắn hổ chúa đen, to như cổ tay, dài tầm 3m đang ngóc đầu dưới gầm giường. Thấy con rắn to, anh Thanh gọi điện cho anh Hồ Văn Cường đến trợ giúp để bắt con rắn. Hay tin, anh Cường lập tức chạy đến.

Tại đây hai người đàn ông chặt hai đoạn cây rồi người đè phần đầu, người chận phần lưng con rắn. Anh Cường đè phần đầu khống chế được con rắn rồi nắm lấy đầu con rắn. Con rắn lập tức thu mình cuốn chặt lấy tay anh Cường. Lúc này anh Thanh lấy một cái bao tải để anh Cường bỏ rắn vào. Khi anh Cường bỏ con rắn vào gần hết trong bao thì bất ngờ bị nó ngóc đầu lên cắn vào bàn tay phải.

"Lúc này tôi cũng vừa chạy qua thì anh Cường nói bị rắn hổ chúa cắn rồi. Biết đây là loại rắn cực độc nên tôi vội tháo dây thun quần buộc chặt vào phần cổ tay anh Cường rồi lập tức đưa xuống huyện cấp cứu. Trên đường đi, tôi chở anh Cường vào một tiệm thuốc tư nhân để sơ cứu. Tại đây chủ tiệm chích cho anh Cường một mũi thuốc để khống chế nọc độc. Sau đó tôi tiếp tục đưa chồng xuống Trung tâm Y tế huyện. Trên đường đi tôi gặp em Thương (em ruột anh Cường) nên nói Thương tiếp tục chở anh Cường đi, còn tôi về chăm sóc 4 đứa con nhỏ. Lúc này anh Cường vẫn tỉnh táo bình thường" - chị  Huệ cho biết thêm.

Tại bệnh viện, sau khi tiếp nhận bệnh nhân, ê-kíp trực do bác sĩ Lê Quốc Hội phụ trách đã tiến hành sơ cứu. Nhưng chỉ vài phút sau khi tháo ga-rô ra khỏi tay nạn nhân, anh Cường bỗng hôn mê. Lúc này nạn nhân được đưa xuống Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam cấp cứu. Tuy nhiên qua hôm sau, nạn nhân đã tử vong.

Con rắn hổ chúa dài 3m cắn chết anh Cường được người dân chụp hình lại. 

Y bác sĩ đã điều trị đúng phác đồ?

Trước sự việc trên, chúng tôi đã có cuộc làm việc với ê-kíp trực của Bệnh viện Bắc Trà My hôm đó. Bác sĩ Lê Quốc Hội cho biết: Hôm đó khoảng 6 giờ 30, chúng tôi tiếp nhận bệnh nhân Cường nhập viện do bị rắn hổ chúa cắn. Lúc này chúng tôi cho bệnh nhân nằm tại chỗ để dùng thuốc, truyền dịch và phóng bế tại chỗ (phong tỏa không cho nọc độc di chuyển - P.V) rồi lấy máu xét nghiệm. Lúc này do ga-rô buộc chặt nên bàn tay đã tím. Về nguyên tắc, sau 1 giờ thì phải tháo ga-rô. Vì tiên lượng bệnh nặng nên chúng tôi làm thủ tục chuyển viện. Do vậy sau khi phóng bế, chúng tôi tháo ga-rô để tiến hành chuyển lên tuyến trên. Tuy nhiên lúc làm thủ tục chuyển viện thì bệnh nhân khó thở, khi đưa lên xe một lúc thì hôn mê... Chúng tôi khẳng định quá trình điều trị theo đúng phác đồ. Nạn nhân tử vong là do rắn hổ chúa quá độc chứ không phải lỗi do ê-kíp trực" - bác sĩ Hội khẳng định.

Tuy nhiên, chị Huệ không đồng ý với lý giải trên. "Tôi không hiểu vì sao khi chưa lấy hết nọc độc của rắn ra khỏi cơ thể mà họ lại tháo ga-rô. Nếu buộc chặt tay bị hoại tử thì cưa tay cũng được, nhưng mạng sống vẫn quan trọng hơn cánh tay chứ... Năm ngoái tôi cũng có đứa em là Hồ Văn Trường bị rắn mãi gầm cắn. Đây là loại rắn độc như hổ chúa, thế nhưng chúng tôi ga-rô rồi nặn hết máu độc ra thì Trường được cứu sống" - chị Huệ bức xúc cho biết.

Được biết, sau khi nạn nhân Cường tử vong, gia đình đã đập chết con rắn hổ chúa trên và chôn chung với nạn nhân theo phong tục của người đồng bào Ca Dong.

Bão Bình