EU bàn khủng hoảng di cư
(Cadn.com.vn) - Cuộc họp lần này của Liên minh Châu Âu (EU) chủ yếu tập trung vào việc phân bổ 160.000 người tị nạn trong 2 năm tới, theo đề xuất của Chủ tịch Ủy ban Châu Âu (EC).
Ngày 14-9, Bộ trưởng Nội vụ các nước EU nhóm họp tại Brussels (Bỉ), nhằm đàm phán khẩn cấp về cuộc khủng hoảng di cư đang nhấn chìm lục địa già.
Phiên họp quan trọng này diễn ra chỉ 1 ngày sau khi Đức - vốn được cho là vị cứu tinh của người di cư - quyết định đóng cửa biên giới với Áo để ngăn chặn dòng người liên tục đổ vào nền kinh tế lớn nhất Châu Âu.
Lực lượng của Pháp giải cứu tàu chở người di cư quá tải trên Địa Trung Hải. Ảnh: AFP |
Phân bổ người di cư như thế nào?
Tại cuộc họp, các bộ trưởng bàn về việc chia sẻ tiếp nhận người tị nạn giữa các nước thành viên theo hạn ngạch di cư nhằm giảm bớt gánh nặng cho các quốc gia tiền tuyến.
Hồi tháng 5, EU từng ra quyết định phân bố 40.000 người tị nạn. Nhưng cho đến nay, một số quốc gia vẫn không có kế hoạch thực hiện đầy đủ nhiệm vụ trước khi kết thúc năm. Sự xuất hiện bất ngờ của khoảng 500.000 người nhập cư trong năm nay đẩy liên minh gồm 28 quốc gia này vào tình thế nan giải và mâu thuẫn gay gắt. Thiếu một kế hoạch nhanh chóng và toàn diện, các nước bắt đầu hoang mang. Trong khi Hungary dựng hàng rào kẽm gai quanh đường biên giới với Serbia - vốn được cho là cửa ngõ xâm nhập của người di cư, Hy Lạp vỡ trận bởi số người di cư áp đảo. Trong khi nhiều nước nỗ lực hết mình để ngăn chặn dòng người di cư, chủ yếu đến từ Trung Đông và Châu Phi, nhiều nước khác lại mở rộng cửa đón họ.
Chính quyền Thủ tướng Angela Merkel thậm chí bỏ qua quy chế của EU - quy định người di cư phải xin tị nạn tại quốc gia đầu tiên họ đặt chân đến - để mở rộng cửa chào đón người di cư đến từ Syria. Trước chỉ trích từ các nước EU và áp lực từ dòng người di cư quá lớn (trong 2 tuần qua, thành phố Munich của Đức ghi nhận một lượng người tị nạn kỷ lục lên tới 63.000 người), Berlin hôm 13-9 quyết định tạm thời tiến hành các biện pháp kiểm soát dọc đường biên giới với Áo. Phía Berlin cho biết, điều này cũng cần thiết vì những lý do an ninh.
Tuy nhiên, động thái này đã nêu bật những câu hỏi mới về việc liệu an ninh có thể được bảo đảm mà không cần kiểm soát biên giới chặt chẽ hay không. Ngoài ra, quyết định của Đức khiến hàng ngàn người bị mắc kẹt tại Áo. Vienna ngày 14-9 buộc quyết định triển khai khoảng 2.200 thành viên quân đội hỗ trợ lực lượng cảnh sát đối phó với dòng người di cư đổ vào nước này, bao gồm cả việc kiểm tra biên giới.
Giải quyết nạn buôn người trên Địa Trung Hải
Theo công bố mới nhất của Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM), gần 450.000 người di cư liều mạng vượt qua Địa Trung Hải để đến Châu Âu trong năm nay, nhưng gần 3.000 người thiệt mạng trên đường đi. Trong đó hơn 310.000 người đến Hy Lạp, hơn 12.000 người đến Italia, và hơn 2.000 người đến Tây Ban Nha...
Những con số này cho thấy rõ EU trước tiên cần giải quyết vấn nạn buôn người trên Địa Trung Hải, để từ đó mới có thể hạn chế dòng người di cư bất hợp pháp đến Châu Âu. Trong ngày 14-9, EU thông qua kế hoạch triển khai biện pháp quân sự nhằm chống lại những kẻ buôn người trên Địa Trung Hải, theo đó sẽ thu giữ và phá hủy tàu thuyền của bọn buôn người. Theo AFP, EU đã tiến hành giai đoạn đầu tiên, thu thập thông tin tình báo trong khuôn khổ chiến dịch NavFor Med hồi tháng 7. Tuy nhiên, hiện nay, các lực lượng còn được phép chặn giữ và nếu cần thiết phá hủy những tàu thuyền chở hàng ngàn người di cư đến Châu Âu. EU cũng nỗ lực giúp thiết lập một chính phủ đoàn kết dân tộc ở Libya, nhằm hạn chế người dân nước này phải di tản.
Nga, Chủ tịch đương nhiệm HĐBA LHQ cho biết, kế hoạch này có thể được áp dụng trong tháng này nhưng sẽ chỉ dành cho các hành động trên biển.
Khả Anh