EU cảnh báo Thế chiến III nếu NATO can thiệp vào xung đột Ukraine

Thứ ba, 15/03/2022 20:43

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel ngày 14-3 cảnh báo, sự can thiệp của NATO vào cuộc xung đột Nga-Ukraine có thể châm ngòi cho chiến tranh thế giới thứ III.

Phát biểu trong cuộc phỏng vấn với tờ El Pais của Tây Ban Nha, ông Charles Michel cho biết: “Chúng tôi đang cố gắng hết sức để không làm leo thang cuộc xung đột. Nga là một cường quốc hạt nhân. Chúng tôi nhận thức rõ rằng nếu cuộc xung đột này biến thành cuộc xung đột của NATO chống lại Nga thì chúng ta sẽ rơi vào thế chiến III”.

Về yêu cầu của Ukraine muốn gia nhập EU ngay lập tức, Chủ tịch Hội đồng châu Âu khẳng định, ông thường xuyên liên lạc với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. “Sự thật là ông ấy muốn nhiều hơn. Nhưng việc mở rộng Liên minh châu Âu là một vấn đề nhạy cảm và không phải tất cả các quốc gia châu Âu đều có chung quan điểm với nhau”, ông Charles Michel nói. Hiện, đơn xin gia nhập EU của Ukraine đã vấp phải nhiều phản ứng trái chiều. Tại hội nghị thượng đỉnh tổ chức ở Versailles (Pháp) trong 2 ngày 10 và 11-3, 4 nước có tiếng nói hàng đầu EU, bao gồm Pháp, Đức, Tây Ban Nha và Hà Lan đồng loạt bày tỏ quan điểm phản đối việc kết nạp nhanh Ukraine theo “thủ tục đặc biệt”. Trong đó, Pháp được cho là nước phản đối gay gắt nhất.

NATO chia rẽ về việc cung cấp vũ khí cho Ukraine

Đức ngày 14-3 tuyên bố sẽ ngừng công bố thông tin chi tiết về việc cung cấp vũ khí cho Ukraine vì các lý do an ninh trong bối cảnh Nga đang tiến hành hoạt động quân sự tại Ukraine. “Để tránh rủi ro an ninh, sẽ không có thêm bất cứ cuộc thảo luận công khai nào về việc cung cấp vũ khí cũng như loại vũ khí được chuyển giao cho Ukraine”, người phát ngôn của chính phủ Đức Wolfgang Buechner cho biết khi trả lời câu hỏi của báo chí về việc liệu Berlin có tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine hay không nếu chúng trở thành mục tiêu tấn công của các lực lượng Nga. Trước đó vào tháng 2-2022, Đức đã quyết định cung cấp cho Ukraine 1.000 hệ thống vũ khí chống tăng và 500 tên lửa đất đối không Stinger từ kho dự trữ của quân đội Đức, theo yêu cầu khẩn cấp từ Kiev và các đối tác NATO. Vũ khí này sẽ được chuyển đến Ukraine trong thời gian sớm nhất.

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov hôm 12-3 cho rằng, việc phương Tây cung cấp vũ khí cho Ukraine chỉ làm trầm trọng thêm cuộc xung đột đang diễn đồng thời cảnh báo rằng lực lượng quân đội Nga có thể nhắm mục tiêu vào các lô hàng như thế.

Trong khi đó, ngày 14-3, Tổng thống Latvia Egils Levits tuyên bố, nước này "hoan nghênh" sự hiện diện của quân đội Mỹ ở Ba Lan và vùng Baltic. Trả lời phỏng vấn với chương trình State of the Union của CNN, ông Levits cho biết, sự hiện diện quân sự thường xuyên của Mỹ trong khu vực là “hoàn toàn cần thiết”. “NATO nên củng cố lực lượng ở sườn phía Đông, khu vực Baltic, Ba Lan, Romania, bởi đây sẽ là một tín hiệu mạnh mẽ cho Nga rằng NATO sẵn sàng bảo vệ các quốc gia thành viên. Tôi cũng hoan nghênh quân đội Mỹ hiện diện ở Ba Lan và các nước Baltic”, Tổng thống Latvia nói. “Chúng tôi cần sự hiện diện thường xuyên của quân đội Mỹ trong khu vực này”, ông Levits nhấn mạnh.

Ông Levits cho rằng việc duy trì quân đội NATO lâu dài ở khu vực Baltic sẽ là một “phản ứng” đối với mối đe dọa được cho là của Nga đối với khu vực. Ông Levits nhấn mạnh, việc triển khai lực lượng NATO ở các nước Baltic, Romania và Ba Lan sẽ là “tín hiệu mạnh mẽ đối với Nga”, chứng tỏ rằng liên minh sẽ bảo vệ tất cả các nước thành viên của mình. Tổng thống Latvia cũng xem NATO là "liên minh quân sự mạnh nhất thế giới" và bày tỏ quan điểm rằng, tổ chức này có "tiềm lực quân sự lớn hơn nhiều" so với Nga. Tuần trước Ngoại trưởng Latvia Edgars Rinkevics cho biết, nước này sẽ phải tăng ngân sách quốc phòng để đối phó với chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine.

Ngày 14-3, Bộ Ngoại giao Nga khẳng định, hiện “không có lý do gì” để triển khai lực lượng binh sỹ gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc tới Ukraine. Theo ông Pyotr Ilyichev - Phó đại diện thường trực thứ nhất của Nga tại Liên Hợp Quốc, tình hình hiện tại ở Ukraine không cần thiết phải triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình như đề xuất của quốc gia này, do Nga đã áp dụng các “lệnh ngừng bắn tạm thời” và mở cửa hành lang nhân đạo sơ tán người dân khỏi những khu vực nguy hiểm trong những ngày gần đây. Hồi đầu tháng này, Quốc hội Ukraine đã thông qua nghị quyết kêu gọi Liên Hợp Quốc triển khai lực lượng gìn giữ hoà bình tới nước này để thiết lập vùng cấm bay trên lãnh thổ Ukraine, mở "hành lang xanh" cho hoạt động cứu trợ nhân đạo và bảo vệ dân thường khỏi các cuộc tấn công vũ trang.

Trong khi đó, NATO bắt đầu tập trận quy mô lớn ở Na Uy với sự tham gia của 30.000 quân của liên minh cùng các nước đối tác từ ngày 14-3, trong bối cảnh căng thẳng leo thang giữa phương Tây và Nga liên quan tới cuộc chiến tại Ukraine. Cuộc tập trận mang tên Cold Response 2022 (Phản ứng Lạnh 2022), được lên kế hoạch từ rất lâu trước khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình TV2 của Na Uy, Tướng Yngve Odlo phụ trách cuộc tập trận cho hay: "Đây là cuộc tập trận mang tính phòng thủ, chứ không phải một chiến dịch quân sự mang mục đích tấn công".

Lực lượng Ukraine ở khu vực phía bắc Kiev, Ukraine ngày 13-3. Ảnh: Reuters

Tạm dừng kỹ thuật vòng đàm phán thứ tư

Ngày 14-3, Cố vấn Chánh văn phòng Tổng thống Ukraine, ông Mykhailo Podolyak cho biết các phái đoàn Ukraine và Nga đã tạm ngững kỹ thuật vòng đàm phán thứ 4 giữa hai bên sang ngày 15-3.

Thông báo trên Twiiter, ông Podolyak cho biết vòng đàm phán thứ 4 đã tạm dừng kỹ thuật để “các phân nhóm công tác làm việc thêm và để làm rõ các định nghĩa nhất định”. Trước đó, ông Podolyak cho hay Nga và Ukraine sẽ tổng hợp kết quả sơ bộ. Ông Podolyak viết trên Twitter: “Các cuộc đàm phán được tiếp tục không ngừng dưới hình thức trực tuyến. Các phân nhóm công tác liên tục hoạt động. Một số lượng lớn các vấn đề đòi hỏi sự quan tâm thường xuyên”. Theo ông Podolyak, hai bên tích cực bày tỏ quan điểm của mình, trong khi cuộc đàm phán đề cập đến “hòa bình, ngừng bắn, rút toàn bộ lực lượng ngay lập tức và đảm bảo an ninh”.

Các quan chức Nga và Ukraine tham gia cuộc đàm phán lần hai tại khu vực Brest, Belarus. Ảnh: Reuters

Chiến sự vẫn tiếp diễn

Chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine đã bước sang ngày thứ 19. Lực lượng Nga cùng dân quân ly khai hiện kiểm soát thành phố Kherson và một số thành phố nhỏ ở miền nam, đông nam Ukraine, bao vây Mariupol, Kharkov và đang nỗ lực tăng áp lực với các mục tiêu lớn hơn.

Bộ Quốc phòng Anh hôm 12-3 cho biết lực lượng bộ binh Nga đang cách trung tâm Kiev khoảng 25 km, có thể bao vây thủ đô của Ukraine trong vài ngày tới. Vài ngày qua, Nga đã mở rộng quy mô không kích sang phía tây Ukraine, sau hơn hai tuần chỉ tập trung công kích các mục tiêu ở miền bắc, miền nam và miền đông. Nhiều nước phương Tây cấp tập chuyển vũ khí hiện đại, với hàng nghìn tên lửa chống tăng và phòng không, cho Ukraine, chủ yếu qua cửa ngõ ở phía tây nước này.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 14-3 cho biết Nga không loại trừ khả năng tăng cường tấn công và kiểm soát hoàn toàn các thành phố lớn của Ukraine. AFP dẫn lời ông Dmitry Peskov cho biết, Tổng thống Vladimir Putin ra lệnh ngừng tấn công tức thời các thành phố lớn để tránh thương vong tăng cao. "Tổng thống Putin đã ra lệnh dừng các cuộc tấn công tức thời vào các thành phố quan trọng, vì thiệt hại dân thường sẽ rất lớn. Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Nga không loại trừ khả năng kiểm soát hoàn toàn các thành phố này", ông Peskov nói.

Phía Ukraine cho biết, nhiều cuộc tấn công hướng vào thủ đô Kiev vài giờ trước khi đàm phán diễn ra. Hai tòa chung cư bị trúng pháo kích, khiến ít nhất hai người thiệt mạng, theo Guardian. Xưởng sản xuất máy bay Antonov gần trung tâm Kiev cũng bị tấn công.

Trong khi đó, Nga cáo buộc Ukraine phóng tên lửa mang đầu đạn chùm Tochka-U vào thành phố miền đông Donetsk do phe ly khai kiểm soát, khiến 20 dân thường thiệt mạng và 28 người bị thương. Lãnh đạo Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) tự xưng Denis Pushilin cho biết tên lửa nhắm vào khu vực giữa phố Universitetskaya và Artem, gần tòa nhà chính quyền DPR và nhiều công trình dân sự. Phát ngôn viên lực lượng vũ trang DPR nói rằng tên lửa bị đánh chặn và phá hủy trên không, nhưng một phần đầu nổ đã rơi xuống thành phố. "Quả đạn Tochka-U mang theo đầu đạn nổ chùm bị cấm. Nếu nó không bị bắn hạ, có thể số nạn nhân sẽ còn cao gấp nhiều lần", Pushilin nói. Bộ Quốc phòng Nga cáo buộc Kiev đứng sau vụ tấn công nhưng chưa đưa ra bằng chứng. Lực lượng vũ trang Ukraine sau đó bác bỏ thông tin.

Bộ Quốc phòng Nga cùng ngày cho biết, trong khi thực hiện nhiệm vụ chiến đấu ở khu vực tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt, một máy bay tấn công Su-25, hoạt động cùng một máy bay khác, đã trúng tên lửa từ hệ thống phòng không di động của lực lượng Ukraine”. Phi công Su-25 của Nga đã tìm cách hạ cánh thành công sau khi trúng tên lửa của Ukraine.

Mảnh tên lửa đạn đạo trên đường phố Donetsk hôm 14-3. Ảnh: Reuters
Khói bốc lên từ một khu nhà ở Mariupol, miền nam Ukraine, trong ảnh vệ tinh hôm 12-3. Ảnh: Maxar

Tiếp tục sơ tán dân khỏi Ukraine

Giới chức thành phố Mariupol của Ukraine ngày 14-3 thông báo hơn 160 xe ô tô dân dụng đã có thể lái ra khỏi thành phố này dọc theo hành lang sơ tán nhân đạo. Theo Hội đồng thành phố, đây là đợt sơ tán đông đảo đáng kể kể từ sau khi các lực lượng Nga bao vây thành phố này từ đầu tháng.

Cùng ngày, quyền Bộ trưởng Các vấn đề khẩn cấp của Nga Alexander Chupriyan cho biết gần 250.000 người sơ tán từ Ukraine đã tới Nga. Hiện số người này đã được bố trí nơi ở tại 31 vùng lãnh thổ của Nga.

Người dân Ukraine sơ tán khỏi thủ đô Kiev. Ảnh: AFP
Người dân Ukraine trên đường sơ tán sang Ba Lan. Ảnh: Getty Images

T.NGỌC