EU gặp khó khi tịch thu tài sản bị đóng băng của Nga

Thứ bảy, 03/12/2022 10:27
Các quan chức Liên minh châu Âu (EU) cho biết không thể tịch thu tài sản của Nga bị phong tỏa theo lệnh trừng phạt của phương Tây do gặp nhiều trở ngại.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen. Ảnh: Reuters
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen. Ảnh: Reuters

Kế hoạch tịch thu tài sản bị đóng băng

Áp lực đè nặng lên các nước EU từ nhiều tháng qua về việc phải tìm cách tịch thu tài sản của Nga ở nước ngoài đang bị đóng băng do lệnh trừng phạt, đồng thời buộc các nhà lãnh đạo Nga phải chịu trách nhiệm về cuộc xung đột Ukraine.

Ủy ban Châu Âu (EC) đề xuất tịch thu tài sản bị đóng băng của Nga và tìm kiếm phương án pháp lý để dùng số tiền đó hỗ trợ Ukraine tái thiết đất nước. "Chúng tôi đã phong tỏa 300 tỷ eur (310 tỷ USD) dự trữ của Ngân hàng Trung ương Nga và 19 tỷ EUR (15,5 tỷ USD) của các nhà tài phiệt Nga", Chủ tịch EC Ursula von der Leyen hôm 30-11 cho biết trong một tuyên bố.

EC là cơ quan hành pháp cao nhất của EU, chịu trách nhiệm về đề nghị lập pháp, thi hành quyết định, duy trì hiệp ước và điều hành công việc chung. Theo bà von der Leyen, trong ngắn hạn, EU và các đối tác có thể quản lý số tài sản bị đóng băng và mang đi đầu tư. Số tiền thu được sẽ được chuyển đến Ukraine để bồi thường những thiệt hại do chiến sự ở nước này.

"Chúng tôi sẽ làm việc dựa trên thỏa thuận quốc tế với các đối tác để biến điều này thành hiện thực. Chúng ta có thể cùng nhau tìm ra những cách hợp pháp để đạt được điều đó", bà von der Leyen nói.

Không hề dễ

Trong tuyên bố mới nhất hôm 2-12, EC cho biết không thể tịch thu tài sản đóng băng của Nga, kể cả hàng chục tỷ EUR của ngân hàng trung ương Nga đã bị phong tỏa ngay từ khi Moscow bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt.

EC cho biết, theo quy định, ở hầu hết quốc gia thành viên EU, việc thu giữ tài sản bị đóng băng chỉ có thể thực hiện hợp pháp khi có bản án hình sự. Nguyên tắc quốc tế về quyền miễn trừ của nhà nước cũng không cho phép cơ quan hành pháp tịch thu tài sản của Ngân hàng Trung ương Nga. Ngoài ra, nhiều tài sản của công dân Nga bị liệt vào danh sách đen rất khó thu giữ hoặc đóng băng vì chúng được đăng ký dưới tên của các thành viên trong gia đình hoặc người đại diện.

EU hiện cũng không có số liệu về lượng tài sản của Ngân hàng Trung ương Nga mà các nước trong khối nắm giữ. Điện Kremlin cho biết, khoảng 300 tỷ USD dự trữ ở nước ngoài đã bị đóng băng kể từ tháng 3, cùng với hàng tỷ USD thuộc về các doanh nghiệp và cá nhân Nga. Và về mặt pháp lý, các quỹ đóng băng vẫn thuộc về Nga hoặc các công dân nước này, vì vậy để sử dụng những tài sản này, EU cần tìm cách tịch thu chúng.

Vì vậy, EC đề xuất thành lập một quỹ để quản lý và đầu tư tài sản thanh khoản (chủ yếu là tiền mặt) của Ngân hàng trung ương Nga, sau đó dùng lợi nhuận từ các khoản đầu tư này để hỗ trợ Ukraine. "Trong ngắn hạn, EU và các đối tác có thể quản lý số tài sản bị đóng băng và mang tiền đi đầu tư. Số tiền thu được sẽ được chuyển đến Ukraine để chi trả cho việc tái thiết đất nước này", Chủ tịch EC Ursula von der Leyen nói.

Hiện, cơ quan điều hành của EU cũng đã gửi đề xuất tới các quốc gia thành viên về việc thành lập một tòa án quốc tế để truy tố các quan chức Nga về cuộc xung đột này. Để hủy bỏ quyền miễn trừ truy tố của các quan chức hàng đầu của Nga, các quan chức EU cho biết tòa án sẽ cần sự ủng hộ của Liên hợp quốc, nơi Nga, với tư cách là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an, có quyền phủ quyết. Nga mạnh mẽ chỉ trích động thái của các quốc gia phương Tây, trong đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho rằng, việc đóng băng tài sản về cơ bản cấu thành hành vi "đánh cắp và bất hợp pháp".

AN BÌNH