EU họp thượng đỉnh: Đè nặng nỗi lo Brexit

Thứ sáu, 23/06/2017 16:45

(Cadn.com.vn) - Thủ tướng Anh Theresa May phải nỗ lực thuyết phục các nhà lãnh đạo Liên minh Châu Âu (EU) rằng, bản thân vẫn có thể thúc đẩy vấn đề Brexit mặc dù vị thế của bà đang lung lay sau cuộc bầu cử vừa qua, vốn khiến đảng Bảo thủ bị mất thế đa số tại Quốc hội.

Ngày 22-6, các nhà lãnh đạo EU bắt đầu Hội nghị Thượng đỉnh kéo dài 2 ngày tại thủ đô Brussels của Bỉ, với trọng tâm bàn về vụ “ly hôn” phức tạp và kéo dài với Anh.

Hội nghị lần này đánh dấu lần ra mắt của tân Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, nhân vật vốn được xem là “niềm tin mới” cho 27 quốc gia thành viên còn lại của EU khi ông luôn lạc quan cho rằng, việc Anh ra đi có thể là một khởi đầu mới. Tại Brussels, an ninh được tăng cường sau vụ đánh bom hôm 20-6 tại một trong những nhà ga xe lửa chính của thành phố do một người ủng hộ Hồi giáo gây ra, sau các vụ tấn công ở Anh và Pháp.

Chờ tuyên bố từ Thủ tướng May 

EU muốn ưu tiên cho vấn đề quyền của 3 triệu công dân Châu Âu sống ở Anh, cộng với 1 triệu người Anh sống ở Châu Âu. Tại phiên đàm phán chính thức Brexit đầu tiên hôm 19-6, London chấp nhận thời gian biểu mà EU đưa ra, trong đó nêu rõ, 3 vấn đề quan trọng nhất gồm dự luật xuất cảnh, quyền của công dân và biên giới Bắc Ireland được giải quyết trước khi yêu cầu về một thỏa thuận thương mại tự do được xem xét.

Mọi sự chú ý đổ dồn vào bữa ăn tối giữa các nhà lãnh đạo 28 quốc gia. Tại đây, Thủ tướng May tập trung bàn về Brexit với các nhà lãnh đạo EU khác. Trong tuyên bố đưa ra ngay trước thềm hội nghị, Thủ tướng May cho biết, bà sẽ trình bày các kế hoạch nhằm “bảo vệ” quyền của các công dân EU đang sống tại Anh sau khi nước này rời khỏi EU tại bàn đàm phán với các nhà lãnh đạo khác. “Chúng tôi sẽ trình bày cách đảm bảo, các công dân EU đang sống ở Anh có quyền được bảo vệ tại đất nước này”, bà May nói. Đây là cuộc họp đầu tiên kể từ khi đảng Bảo thủ bất ngờ mất thế đa số trong cuộc bầu cử vào ngày 8-6, khiến Anh phải lâm vào cảnh Quốc hội treo và Thủ tướng May đứng trước khả năng phải từ chức.

Sau những thông báo của mình, bà May sẽ rời khỏi phòng để 27 nhà lãnh đạo còn lại của EU thảo luận về những gì bà đã nói và việc định hình tương lai các cơ quan chính của EU từ London.

Biểu tình phản đối Brexit ở Anh.  Ảnh: Reuters

Hy vọng nhiều

Chủ tịch EU Donald Tusk cho biết, khối này dường như đã thoát khỏi tình trạng tồi tệ nhất sau cú sốc Brexit.

Hôm nay (23-6) đánh dấu đúng 1 năm cuộc trưng cầu dân ý buộc Anh rời EU. Và đất nước vẫn còn trong tâm trạng tồi tệ sau một loạt các vụ tấn công khủng bố và vụ cháy tòa nhà Grenfell Tower, trong đó số người chết cho đến nay vẫn tiếp tục tăng. Vụ cháy này đang trở thành tâm điểm chú ý của toàn thế giới và gây ra làn sóng giận dữ bất thường trong lòng người dân Anh, ảnh hưởng đến sân khấu chính trị nước này cũng như uy tín của Thủ tướng May.

 “Những tiến triển hiện nay dường như chỉ ra rằng, chúng ta đang dần dần chuyển hướng”, ông Donald Tusk cho biết.  Những đánh giá lạc quan của ông được đánh giá là thực tế, nhất là sau một loạt thất bại trong các cuộc bầu cử của các đảng Dân chủ và đảng Chống EU. Chiến thắng của tân Tổng thống Pháp Macron giúp EU mạnh mẽ hơn. Nhà lãnh đạo mới của Pháp đã hợp sức với Thủ tướng Đức Angela Merkel, cam kết sẽ đưa EU hậu Brexit đạt được sự thịnh vượng và an ninh sau nhiều năm thắt lưng buộc bụng và khủng hoảng. Lãnh đạo hai nền kinh tế lớn nhất nhì Châu Âu này dự kiến sẽ đề xuất gia hạn 6 tháng lệnh trừng phạt kinh tế khắc nghiệt nhằm vào Nga do vấn đề xung đột ở miền đông Ukraine.

EU cũng bàn về những cuộc gặp gần đây với Tổng thống Mỹ Donald Trump. Cách tiếp cận “Người Mỹ là trên hết” của ông Trump và các nhận xét khiếm nhã về EU và NATO của ông chủ Nhà Trắng cũng như quyết định rút khỏi hiệp ước về khí hậu ở Paris đang khiến mối quan hệ hai bên trở nên lạnh nhạt hơn bao giờ hết.

KHẢ ANH