EU không thể cô lập Nga

Thứ bảy, 29/03/2014 11:05

(Cadn.com.vn) - Bất chấp nỗ lực trừng phạt nhằm cô lập Nga của phương Tây, Nga vẫn hoàn toàn phớt lờ.

Tổng thống Mỹ Barack Obama đang có chuyến công du Châu Âu với mục đích “kiện toàn” hơn nữa gói trừng phạt mà Washington đe dọa nhắm vào Moscow vì vấn đề sáp nhập Crimea.

Ông chủ Nhà Trắng đang muốn thúc đẩy thông điệp “Chiến tranh Lạnh” của riêng mình, và trịch thượng giảng giải rằng, “ông Putin là mối đe dọa lớn nhất đối với trật tự toàn cầu kể từ sau Thế chiến II”. Nhưng Châu Âu dường như đang lảng tránh. Thực tế là giới lãnh đạo Châu Âu chỉ mải mê chụp ảnh tự sướng hoặc “lang thang” trên twitter cùng với ông chủ Nhà Trắng. Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gặp gỡ Chủ tịch tập đoàn điện tử khổng lồ Siemens của Đức Joe Kaeser tại tư dinh ở ngoại ô Moscow.

Những người dân Crimea rất vui mừng khi bán đảo này trở về với Nga. Ảnh: AP

Vì sao Nga phớt lờ lệnh trừng phạt?

Theo Asia Times, Siemens đầu tư hơn 1,1 tỷ USD tại Nga trong vòng 2 năm qua và tương lai càng phát triển khi ông Kaeser tuyên bố sẽ tiếp tục mở rộng đầu tư ở xứ sở Bạch dương.

Thủ tướng Angela Merkel chắc chắn đã lưu tâm đến vấn đề này nên đang dần dịu giọng với Nga. Berlin tuyên bố không muốn áp đặt các biện pháp trừng phạt cứng rắn về kinh tế đối với Moscow, thay vào đó phải đi đến một giải pháp chính trị cho vấn đề sáp nhập Crimea. Rõ ràng, bà Merkel có thể dạy cho ông Obama một hoặc hai điều về cách làm thế nào để thiết lập đối thoại với Tổng thống Putin. Obama có thể cư xử khác hay không, khi ông chủ Nhà Trắng không thể hiểu hết về Nga, những nội lực tiềm ẩn bên trong quốc gia thuộc Liên Xô cũ này. Rõ ràng, hành trang mang theo của ông Obama trong chuyến công du lần này không có gì làm “phần thưởng” cho Châu Âu ngoài cái lý thuyết suông về “mối đe dọa Nga có thể thâu tóm miền đông Ukraine”.

Nhưng cho đến nay, vị “thuyền trưởng” Obama này đã làm được gì khiến Nga vẫn phớt lờ trong khi Châu Âu vẫn chưa có biện pháp trừng phạt nặng hơn về kinh tế? Rất đơn giản, vì hai chữ “lợi ích”. Bạn nghĩ rằng, Mỹ và Châu Âu có thể áp đặt một số áp lực kinh tế khá nặng vào Nga. Nhưng không. Liên minh Châu Âu (EU) là đối tác thương mại lớn nhất của Nga và ngược lại, nhất là khi các nước Châu Âu phụ thuộc phần lớn nguồn năng lượng vào Nga. Trong khi đó, Điện Kremlin cũng đang dần tiến đến thị trường mới, béo bở hơn: Châu Á.

Cuộc chơi 1.000 tỷ USD

Nga chỉ trích  nghị quyết LHQ về Crimea

Điện Kremlin ngày 28-3 chỉ trích nghị quyết của LHQ, trong đó lên án cuộc trưng cầu dân ý Crimea theo đó sáp nhập về Nga, là phản tác dụng.

Theo Reuters, Moscow cũng đồng thời cáo buộc nước phương Tây sử dụng những đe dọa về kinh tế và tống tiền chính trị, lôi kéo các nước bỏ phiếu thuận cho nghị quyết này. Nghị quyết không mang tính ràng buộc này được thông qua với 100 phiếu thuận, 11 phiếu chống và 58 phiếu trắng hôm 27-3.

Tổng thống Putin sẽ đến thăm Bắc Kinh vào tháng 5 tới. Đó là thời cơ tốt nhất để hai nước thắt chặt quan hệ với những hợp đồng thương mại khổng lồ.

Chắc chắn, trong chuyến đi này, ông chủ Điện Kremlin sẽ nỗ lực để Gazprom - Tập đoàn năng lượng lớn nhất của Nga - ký hợp đồng trị giá 1.000 tỷ USD với Tập đoàn CNPC của Trung Quốc. Theo đó, Gazprom sẽ cung cấp cho CNPC khoảng 1,2 tỷ m3 khí đốt mỗi ngày trong 30 năm, bắt đầu vào năm 2018 (nhu cầu khí đốt hàng ngày hiện nay của Trung Quốc là hơn 5 tỷ m3). Gazprom vẫn có thể kiếm phần lớn lợi nhuận từ Châu Âu, nhưng Châu Á là đặc quyền trong tương lai. Trên mặt trận cạnh tranh, “cuộc cách mạng” năng lượng khí đá phiến của Mỹ như một huyền thoại, như một lời cảnh báo rằng, Washington sẽ tăng xuất khẩu khí đốt cho phần còn lại của thế giới trong thời gian tới.

Nhưng hiện nay, dù chưa nói đến năng lượng nhiệt hạch rất được mong đợi, Nga và Trung Quốc có thể sẽ đồng ý thanh toán các thỏa thuận Gazprom-CNPC bằng đồng NDT hoặc rubles. Điều đó sẽ đánh dấu buổi bình minh trong bầu trời tiền tệ với tư cách là đồng tiền dự trữ quốc tế mới - mục tiêu quan trọng của khối BRICS.

Khả Anh