EU ở đâu trong khủng hoảng Catalan?

Thứ ba, 17/10/2017 09:26

Căng thẳng về cuộc trưng cầu ý dân đòi độc lập của vùng Catalan với chính quyền Tây Ban Nha càng khiến Liên minh Châu Âu (EU) “phiền muộn” vì khối liên minh này đang bước vào giai đoạn then chốt: đàm phán Brexit với Anh, giải quyết khủng hoảng người tị nạn và tìm kiếm một tương lai tươi sáng cho EU.

Những người ủng hộ Catalan độc lập biểu tình tại Barcelona, Tây Ban Nha.    Ảnh: AP

Giữa cơn khủng hoảng ở Tây Ban Nha trong tháng này - khi Catalan tổ chức bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý bất hợp pháp và đe dọa tuyên bố độc lập và Madrid đã phải vật lộn để kiểm soát tình hình - nhiều người tự hỏi: EU ở đâu?

Sự thật là, có rất nhiều lý do để “đổ lỗi” cho cuộc khủng hoảng Catalan, và EU chắc chắn cũng nằm trong số đó. Các quan chức EU đã tổ chức các cuộc họp kín để cố gắng giảm căng thẳng, nhưng họ có thể đã làm sớm hơn rất nhiều để khuyến khích đối thoại giữa Catalan và chính quyền Madrid trước khi quá muộn.

EU quá “chậm chân”

Sau những im lặng khó hiểu trong nhiều tuần, EC, cơ quan điều hành của EU cuối cùng đã tuyên bố rằng cuộc trưng cầu Catalan là “bất hợp pháp” theo luật pháp Tây Ban Nha và là “một vấn đề nội bộ” của Madrid. EU đã kêu gọi đối thoại nhưng bác bỏ việc đóng vai trò trung gian hòa giải chính quyền Catalan và Madrid.

Tuy nhiên, chính phản ứng của EU làm dấy lên những cáo buộc rằng khối liên minh này “đạo đức giả”. Cuộc khủng hoảng Catalan khiến EU kẹt giữa những quy định không can thiệp vào công việc nội bộ của các nước thành viên và nhiệm vụ khó khăn là giữ vai trò như một người bảo vệ và đấu tranh cho việc thể hiện sự dân chủ và tự do. Căng thẳng về cuộc trưng cầu ý dân đòi độc lập của vùng Catalan với chính quyền Tây Ban Nha đang khiến EU “phiền muộn” vì khối liên minh này đang bước vào giai đoạn then chốt: đàm phán Brexit với Anh, giải quyết khủng hoảng người tị nạn và tìm kiếm một tương lai tươi sáng hơn. Nhưng đây có lẽ sẽ không phải là lần cuối cùng tình huống như thế này phát sinh. Catalan chỉ là cuộc chiến mới nhất trong cuộc chiến của EU với chủ nghĩa dân túy - một cuộc chiến mà dường như liên minh này đang thất thế.

Trong những năm gần đây, các cuộc trưng cầu dân ý đã trở thành vũ khí chọn lựa của người dân. Tại Hungary, đó là cuộc trưng cầu dân ý về việc “chúng ta có nên tham gia vào chương trình tái định cư người tị nạn mà EU đề ra hay không?”. Tại Hà Lan là câu hỏi về việc “liệu có nên tiếp tục thỏa thuận thương mại tự do EU-Ukraine? Và ở Anh là cuộc trưng câu dân ý về Brexit trước khi lan đến Catalan.

 “Tối hậu thư ” của chính phủ Tây Ban Nha

Sự thờ ơ của EU và sự cố chấp của giới chức Catalan không biết sẽ đẩy cuộc khủng hoảng này đi về đâu.

Bất chấp thời hạn chót mà chính phủ đưa ra vào ngày 16-10, lãnh đạo Catalan, ông Carles Puigdemont vẫn không làm rõ lập trường của mình về tuyên bố độc lập của vùng tự trị này. Sau bài phát biểu mơ hồ ngày 10-10 trước Nghị viện khu vực, chính quyền Madrid cho ông Puigdemont thời hạn chót đến ngày 16-10 làm rõ lập trường về việc Catalan có tuyên bố độc lập hay không. Tuy nhiên ông Puigdemont đã không trả lời trực tiếp câu hỏi này. Thay vào đó, nhà lãnh đạo Catalan lại nói rằng ông và Thủ tướng Tây Ban Nha MarianoRajoy sẽ gặp nhau sớm nhất có thể để bắt đầu các cuộc đàm phán trong vòng 2 tháng tới. Ông Rajoy trước đó nhấn mạnh, ông Puigdemont chỉ cần trả lời đơn giản “có” hay “không”, và rằng bất kỳ lời phản hồi mơ hồ nào sẽ bị xem là lời xác nhận, một tuyên bố độc lập được đưa ra, mở đường cho chính quyền trung ương kiểm soát Catalan và nắm quyền quản lý trực tiếp vùng này.

Nhưng rồi, chính quyền Madrid tiếp tục trao cho Catalan cơ hội khi ra “tối hậu thư” mới cho lãnh đạo vùng này. Phó Thủ tướng Tây Ban Nha Soraya Saenz de Santamaria ngày 16-10 tuyên bố, chính phủ nước này sẽ kiểm soát và nắm quyền quản lý trực tiếp vùng Catalan nếu ông Puigdemont không từ bỏ nỗ lực tách khu vực tự trị này ra khỏi Tây Ban Nha vào lúc 10 giờ (15 giờ Hà Nội) ngày 19-10.          

KHẢ ANH