EU với “cuộc chiến” vaccine
Một số quốc gia EU giận dữ vì nhận được ít liều vaccine Pfizer chống virus SARS-CoV2 gây bệnh Covid-19 hơn dự kiến sau khi Cty Mỹ chậm giao hàng.
Nhiều nước EU kêu gọi giới lãnh đạo liên minh gây sức ép lên Pfizer-BioNTech yêu cầu họ cung cấp vaccine đúng thời hạn như dự kiến. Ảnh: EPA |
Theo BBC, 6 quốc gia gọi tình huống này là “không thể chấp nhận được” và cảnh báo nó “làm giảm độ tin cậy của quy trình tiêm chủng”. Thụy Điển, Đan Mạch, Phần Lan, Lithuania, Latvia và Estonia kêu gọi EU gây sức ép lên Pfizer-BioNTech. Đáp lại, Pfizer cho biết việc giao ít hàng đi chỉ là một vấn đề tạm thời. Trong một tuyên bố hồi cuối tuần, nhà sản xuất thuốc này cho biết các lô hàng bị ảnh hưởng bởi những thay đổi đối với quy trình sản xuất được thiết kế để thúc đẩy sản xuất. “Mặc dù điều này sẽ tạm thời ảnh hưởng đến các lô hàng vào cuối tháng 1 đến đầu tháng 2, nhưng rồi sẽ có một sự gia tăng đáng kể liều lượng vaccine cho bệnh nhân vào cuối tháng 2 và tháng 3”, Pfizer tuyên bố.
EU cũng đã phê duyệt vaccine do Cty Moderna của Mỹ sản xuất để sử dụng, vì vậy khối này không hoàn toàn phụ thuộc vào loại vaccine do Pfizer và đối tác BioNTech của Đức phát triển. Tuy nhiên, việc giảm số liều vaccine cung cấp cho EU dự kiến sẽ làm chậm tốc độ của các chương trình tiêm chủng. Bộ Y tế Đức gọi thông báo của Pfizer là đáng ngạc nhiên và đáng tiếc, lưu ý rằng họ đã cam kết ngày giao hàng cho đến giữa tháng 2. Chủ tịch Ủy ban EU Ursula von der Leyen cho biết bà đã được giám đốc điều hành của Pfizer đảm bảo, tất cả các đơn hàng được giao trong quý đầu tiên của năm.
Tuần trước, bà von der Leyen cho biết, Pfizer đã đồng ý cung cấp cho EU 600 triệu liều trong năm nay, gấp đôi đơn đặt hàng ban đầu. Cam kết này có thể giúp xoa dịu các nước Châu Âu đang chiến đấu để khuất phục một biến thể Covid-19 đang lan nhanh lần đầu tiên được phát hiện ở Anh. Khoảng 1/3 trong số 27 chính phủ EU cho biết không đủ vaccine tại cuộc họp tuần này. Lithuania cho biết sẽ chỉ nhận được một nửa số liều vaccine Pfizer như đã hứa cho đến giữa tháng 2. Bỉ cho biết họ dự kiến sẽ nhận được khoảng một nửa số liều dự kiến vào cuối tháng 1. Na Uy, không phải là thành viên EU, cho biết, Pfizer đang tạm thời giảm số lượng liều vaccine giao cho nước này kể từ tuần tới.
Cũng như Pfizer-BioNTech, Ủy ban Châu Âu đạt được thỏa thuận với 5 Cty dược phẩm khác để mua hàng trăm triệu vaccine, sau khi chúng vượt qua các thử nghiệm lâm sàng. Ủy ban đã kết thúc các cuộc đàm phán ban đầu với một Cty khác, Novavax, với số lượng lên đến 200 triệu liều. Ở những nơi khác trên thế giới, Thổ Nhĩ Kỳ cho biết họ đã tiêm cho 500.000 người trong 2 ngày bằng vaccine do Cty Sinovac Biotech của Trung Quốc phát triển. Các số liệu cho thấy, Thổ Nhĩ Kỳ đã tiêm chủng cho nhiều người hơn vào ngày đầu tiên triển khai chương trình so với Pháp trong gần 3 tuần.
“Cuộc chiến” vaccine với Pfize diễn ra trong bối cảnh EU đang hiện lo ngại biến thể virus xuất hiện tại Brazil và một số nước đã quyết định “đóng cửa” với quốc gia Nam Mỹ này. Italia là nước đầu tiên của EU cấm mọi chuyến bay đến từ Brazil kể từ ngày 16-1 và cấm nhập cảnh đối với bất kỳ người nào từng ở quốc gia Nam Mỹ này trong vòng 14 ngày trước đó. Anh trước đó cũng đã cấm ngay các chuyến bay đến từ Brazil và phần còn lại của Nam Mỹ, cũng như từ Bồ Đào Nha, vì mối liên hệ của những nước này với Brazil.
Việc đóng cửa biên giới với một số nước Châu Âu là biện pháp phòng ngừa trong khi chờ các nhà nghiên cứu tiếp tục tìm hiểu về biến thế này. Biến thể virus tại Brazil hiện được cho là có khả năng lây lan nhanh hơn virus gốc, như trường hợp của hai biến thể phát hiện tại Anh và Nam Phi.
KHẢ ANH