Facebook khốn đốn sau bê bối lộ thông tin

Thứ năm, 22/03/2018 11:30

Facebook đang đối mặt với làn sóng chỉ trích gay gắt và cả những cáo buộc phạm luật liên quan vụ 50 triệu người dùng bị lấy thông tin để phục vụ mục đích chính trị. Vụ bê bối có tên Cambridge Analytica này là cuộc khủng hoảng lớn nhất mà Facebook phải đối mặt kể từ khi thành lập, và phản ứng ban đầu yếu ớt của Cty đã không thể làm dịu tình hình.

Facebook bị cáo buộc bán thông tin của 50 triệu người dùng cho Cty Cambridge Analytica.  Ảnh: AP

CNN ngày 21-3 cho biết, các nhà đầu tư đệ đơn kiện Facebook sau bê bối Cambridge Analytica, vốn đã làm Cty mất đi gần 50 tỷ USD trong vài ngày qua.

Cổ phiếu Facebook giảm 3% khi chốt giao dịch ngày 20-3 (giờ Mỹ), và sự sụt giảm này đã lan đến thị trường rộng lớn hơn - khiến Cty công nghệ nổi tiếng này thật sự khốn đốn. Cổ đông lớn của Facebook Fan Yuan đã đệ đơn kiện tại tòa án liên bang ở San Francisco hôm 20-3. Fan Yuan thay mặt cho lượng lớn nhà đầu tư không được tiết lộ đã mua cổ phiếu của Facebook từ ngày 3-2-2017 đến ngày 19-3-2018. Theo đơn kiện, Facebook đã “đưa ra những tuyên bố sai lệch và gây nhầm lẫn” về các chính sách của Cty và nhấn mạnh, Cty không tiết lộ về việc cho phép bên thứ ba truy cập dữ liệu của hàng triệu người dùng.

Trước phản ứng giận dữ này, ông Paul Grewal, phó bộ phận tư vấn luật của Facebook, tuyên bố, Cty “cam kết thực hiện mạnh mẽ các chính sách bảo vệ thông tin của người dùng và khẳng định, Facebook sẽ làm mọi cách để xóa toàn bộ dữ liệu thu thập trái phép.

Thông tin bị rao bán

Facebook đang đối mặt với làn sóng chỉ trích gay gắt liên quan vụ bê bối này, khi 50 triệu người dùng bị lấy thông tin để phục vụ mục đích chính trị. Theo các nguồn tin điều tra, vụ việc liên quan chủ yếu đến Cty phân tích dữ liệu Cambridge Analytica, vốn có trụ sở tại Anh và Mỹ, từng được ban vận động tranh cử của Tổng thống Trump thuê vào năm 2016. Cựu cố vấn Nhà Trắng Steve Bannon từng làm phó Chủ tịch Cty này.

Mọi việc bắt nguồn từ việc Facebook đưa ra ứng dụng khảo sát để người sử dụng tìm hiểu về tính cách bản thân. Hàng chục ngàn người tải ứng dụng này về sử dụng mà không biết thông tin cá nhân của họ cũng như của bạn bè đã bị thu thập bí mật. Và số người bị truy cập thông tin tăng lên đến khoảng 50 triệu người, trong đó chủ yếu sống tại Mỹ. Và Cambridge Analytica được cho là đã mua lại thông tin để phân tích, xác định sở thích của cử tri, từ đó gửi những thông điệp, quảng cáo ủng hộ ông Trump trong suốt thời gian diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016. Ngoài ra, theo các nguồn tin, Cambridge Analytica còn gây tác động để cử tri Anh bỏ phiếu ủng hộ rời Liên minh Châu Âu (EU) trong cuộc trưng cầu dân ý vào tháng 6-2016.

Vụ bê bối có tên gọi Cambridge Analytica này là cuộc khủng hoảng lớn nhất mà Facebook phải đối mặt kể từ khi thành lập. Và những phản ứng ban đầu yếu ớt của Cty đã không thể làm dịu tình hình.

Ông chủ Mark Zuckerberg ở đâu?

Điều gây bất ngờ và bùng nổ nhiều chỉ trích nhất là cho đến nay, ông chủ Facebook Mark Zuckerberg vẫn im hơi lặng tiếng bất chấp những kêu gọi giải thích rõ ràng từ các chính trị gia ở Mỹ và Anh. Giới nghị sĩ Mỹ và Châu Âu đã hối thúc giới chức trách triệu tập ông chủ Facebook điều trần về vụ việc này. Và đã có những lời kêu gọi ông chủ Facebook từ chức. Nhà đầu tư nổi tiếng Jason Calacanis đã không ngần ngại chỉ trích ông chủ Facebook quá yếu trong khả năng đối phó với khủng hoảng và khuyên ông Zuckerberg nên từ chức.

Và đã có nhiều câu hỏi đặt ra về vai trò lãnh đạo của ông Zuckerberg. Khi lần đầu tiên có những thông tin rằng, Nga có thể đã sử dụng Facebook để can thiệp vào cuộc bầu cử năm 2016, ông Zuckerberg đã mô tả đây là “ý tưởng điên rồ”. Lần này, theo tờ The Observer và New York Times, Facebook đã đáp lại với khẳng định táo bạo rằng, việc hàng chục triệu người bị thu thập dữ liệu và chuyển cho bên thứ ba là không vi phạm luật thông tin dữ liệu.

Cả Facebook và Cambridge Analytica đều phủ nhận mọi việc làm sai trái hoặc vi phạm pháp luật. Và vấn đề nằm ở đây. Nếu điều này thực sự không phải hành động vi phạm dữ liệu; nếu không phải là hành động vi phạm pháp luật, thì đó rõ ràng là lý do mà người sử dụng Facebook - ở mức hơn 2 tỷ người - nên lo ngại. Sau vụ bê bối, rất nhiều người dùng Facebook đã tẩy chay mạng xã hội lớn nhất thế giới này và chuyển sang các mạng khác. Hồi năm 2017, Facebook đã mất khoảng 2,8 triệu người dùng ở độ tuổi dưới 25. Nguy cơ cho Facebook đang rất lớn nếu Cty này không nỗ lực làm dịu cuộc khủng hoảng lần này, họ sẽ mất thêm hàng triệu người dùng khác.

KHẢ ANH

Cambridge Analytica là gì?

Cambridge Analytica là Cty phân tích dữ liệu có trụ sở tại Anh, là Cty mẹ của Strategic Communication Laboratories – Cty phân tích chiến lược.

“Nhiệm vụ” của Cambridge Analytica giúp các chính trị gia tiếp cận cử tri tiềm năng qua các chiến dịch trên mạng. Cty kết hợp dữ liệu từ nhiều nguồn, bao gồm thông tin trực tuyến và thăm dò ý kiến, để xây dựng “hồ sơ” cử tri. Cambridge Analytica thu thập một lượng lớn dữ liệu người dùng. Cty này nói rằng, họ có “5.000 điểm dữ liệu trên hơn 230 triệu cử tri Mỹ”. Cambridge Analytica từng đối mặt với những lời chỉ trích nhằm vào những giám đốc điều hành vì những lời nói dối trá nằm trong chiến lược đánh mạnh tâm lý cử tri.