Facebook và vụ án "con dao 2 lưỡi"
(Cadn.com.vn) - Không phủ nhận những ưu điiểm mà Facebook mang đến cho cuộc sống ngày một hiện đại của chúng ta, nhưng đằng sau đó còn chất chứa biết bao câu chuyện buồn, những vụ án đau lòng cũng chỉ từ những lần hẹn hò, quen biết, gặp gỡ từ Facebook... Câu chuyện về "hai đứa trẻ" có mâu thuẫn từ Facebook bước ra đời thực "nói chuyện" bằng dao lam, được TAND Q. Thanh Khê (Đà Nẵng) đưa ra xét xử ngày 5-5 một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo cho giới trẻ...
Chuyện nhỏ...
Không quen biết nhau ngoài đời, trong một lần lên Facebook, Hồ Thị Tuyết Nhi (1997, trú P. Hòa Khê, Thanh Khê, Đà Nẵng) gặp em Nguyễn Thị Thanh Uyên (1999, trú P. Thanh Khê Đông, Thanh Khê) đang đăng Facebook nên cùng nhau nói chuyện. Câu chuyện cũng chỉ bắt đầu từ việc Uyên hỏi Nhi có biết người tên Ny (tên ở nhà của Nhi cũng là Ny) rồi có sự hiểu lầm, chát qua chát lại khiến cả hai đều thấy "nóng trong người". Mặc dù nhỏ hơn Nhi 2 tuổi nhưng Uyên bắt đầu có những lời lẽ xúc phạm đến Nhi và rồi cuối cuộc nói chuyện, Uyên không quên để lại lời nhắn: "Gặp nhau tại quán Internet để nói chuyện".
Ngầm hiểu với nhau, căng thẳng trong câu chuyện trên Facebook thì không thể có được câu chuyện bình thường ở quán nét nên Nhi đã "thủ thế" bằng một lưỡi dao lam ở túi quần. Đúng hẹn, ngày 14-9-2014, Nhi đến quán Internet GG Ruby 2 (810-Trần Cao Vân) để gặp Uyên. Tới đây, Nhi đứng ngoài gọi Uyên ra nhưng Uyên không ra mà nói Nhi vào quán nói chuyện. Nhi vào quán, đứng sau lưng tát, đá Uyên mấy cái. Uyên đứng dậy định chống trả thì Nhi lấy lưỡi lam đưa một đường vào má của Uyên, gây thương tích 15%.
Bị cáo Nhi trước vành móng ngựa. |
Và điều suy ngẫm!
Đứng trước vành móng ngựa, khi được hỏi vì sao là nữ nhi, lại đang độ tuổi vị thành niên mà lại có hành vi táo tợn, ngang ngược dùng dao lam rạch mặt của Uyên thì Nhi cho rằng bản thân không cố ý, nhưng vì trước thái độ xấc xược của Uyên nên đã không nhịn được.
Sinh ra trong gia đình nghèo khó, cha bị tàn tật, một mình mẹ bươn chải gồng gánh nuôi gia đình. Nhi là con út, học cũng chỉ đến lớp 9 rồi bỏ ngang. Những tháng ngày rong chơi cũng thấy chán nên Nhi học nghề làm tóc với mong muốn sớm giúp mẹ có điều kiện để chị đi hết con đường đại học. Vậy nhưng, chỉ vì những mâu thuẫn tưởng chừng quá nhỏ nhặt trên Facebook đã cướp đi ước mơ và tâm nguyện của Nhi.
Vì chưa đến tuổi vị thành niên, Nhi đến tòa với sự giám hộ của mẹ. Người mẹ khắc khổ nghẹn ngào nhìn con lọt thỏm trước vành móng ngựa. Giận con lắm nhưng bà lại tự đưa ra lý do "cha mẹ sinh con trời sinh tính" để biện hộ cho lỗi lầm của con và tự an ủi mình. Tuy nhiên, chẳng có trời nào sinh tính, sinh tật cho Nhi cả. Có chăng, vì cái nghèo cái khổ vấn lấy cuộc đời bà, khiến bà không có nhiều thời gian để dạy con, để nhắc nhở trước những thay đổi của con mình. Nếu bà quan tâm đến con nhiều hơn có lẽ đã không có ngày buồn như hôm nay...
"Gia đình tôi nghèo, cuộc sống dồn lên đôi vai của tôi nên khó khăn lắm. Tôi biết con mình đã sai, vì vậy khi bị hại yêu cầu bồi thường số tiền 20 triệu đồng tôi đã đồng ý. Vậy nhưng, tôi cũng mới chỉ vay mượn được 8 triệu đồng để bồi thường, số còn lại tôi xin được trả mỗi tháng 2 triệu đồng... Tất cả đều vay mượn hết thưa quý tòa. Tôi hứa sẽ trả đủ cho bị hại, chỉ mong con tôi được hưởng mức án nhẹ bởi cháu còn quá nhỏ, cháu chưa biết gì" - mẹ của bị cáo tha thiết.
Trong vụ án này, việc bị cáo Nhi phải chịu sự trừng phạt của pháp luật là một nhẽ, nhưng bị hại Uyên cũng cần phải tự xem lại mình. Cũng vì game mà Uyên không thể tiếp thu được bài giảng của thầy cô, đành bỏ học khi mới đến lớp 8. Ngay khi đến phiên tòa, Uyên cũng bị nhắc nhở nhiều lần vì cứ hí hoáy với chiếc điện thoại trên tay. Nếu Uyên đừng quá mê game, đừng "gây hấn" yêu cầu gặp Nhi tại quán Internet để nói chuyện thì có lẽ...
Sau phần xét hỏi, xét thấy hành vi của bị cáo là nghiêm trọng, xâm hại đến sức khỏe người khác, VKS thực hành quyền công tố tại phiên tòa đề nghị xử phạt bị cáo mức án từ 9 đến 12 tháng tù. Thống nhất quan điểm truy tố về tội danh, tuy nhiên luật sư bào chữa cho bị cáo cho rằng, Nhi chưa đủ tuổi thành niên nên nhận thức về pháp luật còn hạn chế. Mặt khác, bị hại cũng là người có một phần lỗi, đồng thời đã xin xem xét giảm mức hình phạt cho bị cáo. Vì vậy, luật sư đề nghị HĐXX áp dụng điều 60 BLHS để xem xét cho bị cáo được hưởng án treo. Như vậy, vừa thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật nhưng vừa thể hiện tính nhân đạo của pháp luật đối với trẻ vị thành niên...
Sau khi xem xét, HĐXX xét thấy mặc dù bị cáo còn nhỏ tuổi nhưng hành vi hết sức hung hãn, liều lĩnh, cần phải xử lý nghiêm để làm gương cho lớp trẻ nên không chấp nhận ý kiến đề nghị của luật sư bào chữa cho bị cáo. HĐXX tuyên phạt bị cáo 12 tháng tù về tội "Cố ý gây thương tích". Phiên tòa xét xử kết thúc nhưng dư vị mặn chát vẫn còn đọng lại trong lòng người dự khán, bởi thực tế, ở một chừng mực nào đó, mạng xã hội facebook, như vụ án này thực sự là con dao hai lưỡi đối với một bộ phận giới trẻ.
Trang Trần