Festival cồng chiêng Quốc tế năm 2009 tại Gia Lai: Festival đa sắc màu, đậm đà văn hóa các dân tộc
(Cadn.com.vn) - Sau đêm khai mạc thành công rực rỡ, ngày 13-11-2009, các hoạt động trong khuôn khổ văn hóa Festival Cồng chiêng Quốc tế năm 2009 tại Gia Lai diễn ra thật sôi động. Khách du lịch, bạn bè trong và ngoài nước được đắm mình trong các tiết mục biểu diễn cồng chiêng và chỉnh chiêng diễn ra tại khu du lịch Đồng Xanh, Về Nguồn và Suối Nguồn (Hồ Đức An), TP Pleiku (Gia Lai). Mỗi dân tộc mang đến một sắc thái, nghệ thuật biểu diễn khác nhau của các đoàn biểu diễn.
Đa sắc thái cồng chiêng
Buổi biểu diễn cồng chiêng của các dân tộc được bắt đầu với màn trình diễn cồng chiêng trong lễ hội đâm trâu của đồng bào dân tộc Ba Na đến từ An Khê (Gia Lai) vô cùng độc đáo. Trong âm thanh du dương lúc mạnh mẽ, lúc nhẹ nhàng uyển chuyển, các nghệ nhân bận áo rôm, đeo mặt nạ bằng vỏ cây nhảy múa quanh cây nêu và con trâu mộng (bằng hình nộm) bị cột bên cây nêu, một thiếu nữ dắt trâu đi vòng quanh.
Ở vòng ngoài các nghệ nhân khác cầm giáo và tấm khiên nhảy múa nhịp để thị uy sức mạnh và tinh thần thượng võ của các dân tộc Tây Nguyên. Các thiếu nữ Ba Na xinh đẹp nối nhau thành vòng tròn uyển chuyển, mạnh mẽ trong các điệu xoang. Những chàng trai Ba Na đi trên những cây cà kheo cao nhịp quanh lễ hội... khiến cho lễ hội thêm phần rộn ràng, hấp dẫn.
Đến phần biểu diễn của đoàn cồng chiêng
![]() |
Phần biểu diễn cồng chiêng tại buổi phục dựng lễ hội đâm trâu tại CVVH Đồng Xanh ngày 13-11-2009. |
Điều đặc biệt, hai thiếu nữ xinh đẹp có khuôn mặt khả ái, dáng cao thon với các động tác lúc dứt khoát, lúc dẻo dai, uyển chuyển thể hiện bài cồng chiêng kể về một vòng đời của con người... rất điêu luyện. Phần biểu diễn của những cô gái Mường (Hòa Bình) trắng xinh duyên dáng trong bộ trang phục trắng đen truyền thống cũng khiến người xem ngây ngất và không ngớt trầm trồ các điệu múa sao mà xinh, mà đẹp đến thế... Đoàn cồng chiêng dân tộc Gia Rai đến từ H. Chư Prông (Gia Lai) thì lại rộn ràng, mạnh mẽ thể hiện cách ăn mừng ngày hội độc đáo và ấn tượng.
Trả lời phỏng vấn báo chí, lãnh đạo đoàn cồng chiêng
Khó khăn giữ gìn cồng chiêng và người chỉnh chiêng
Ngày 13-11, tại CVVH Đồng Xanh (TP Pleiku, Gia Lai), Cty CPVHDL Gia Lai phối hợp cùng Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam tổ chức lễ công bố chiếc chiêng đồng lớn nhất Việt Nam. Chiếc Chiêng có đường kính 2,5m, nặng 700kg do các nghệ nhân làng nghề đúc đồng Phước Kiều, xã Điện Phương, Điện Bàn, Quảng Nam đúc trong 90 ngày đêm từ một tấn đồng và 1 tạ thiết. Đây là loại chiêng có núm với 3 vòng tròn đồng tâm, hoa văn trang trí đẹp mắt, công phu, trên có chạm khắc hình ảnh đồng bào các dân tộc Tây Nguyên nắm tay nhau nhảy múa. |
Thế nên song song với biểu diễn cồng chiêng, hoạt động chỉnh chiêng cũng diễn ra khá ấn tượng tại các địa điểm du lịch nói trên. Sở dĩ phải có nghệ nhân chỉnh chiêng vì mỗi dàn cồng chiêng khi mới “sắm” đều chưa đúng các cung bậc theo từng vị trí trong dàn cồng chiêng, hoặc dàn cồng chiêng đánh lâu ngày bị lạc điệu, âm thanh bị trượt lên cao hoặc chùng xuống thấp, cần phải chỉnh lại.
Chuyện bên lề: * Những mái tóc dài nhất tại Festival: Chủ nhân là những cô gái người Mường - nghệ nhân cồng chiêng đến từ tỉnh Hòa Bình. Nhiều du khách trầm trồ khen ngợi những cô gái người Mường nước da trắng, khuôn mặt xinh xắn khả ái với mái tóc dài chấm gót uyển chuyển trong trang phục truyền thống với hai gam màu trắng đen. * Giá vé giữ xe “đội khung” – 15 ngàn đồng/xe trong đêm tổng duyệt (11-11) và đêm khai mạc (12-11) tại khu Quảng trường 17-3 (Pleiku, Gia Lai). Tuy nhiên tại CVVH Đồng Xanh Gia Lai nơi được giao tổ chức một số hoạt động quan trọng vẫn giữ đúng giá vé là 2.000 đồng/xe và thái độ phục vụ du khách rất cởi mở và hòa nhã. |
TS Nguyễn Thị Kim Vân, Trưởng phòng Nghiệp vụ Văn hóa (Sở VH - TT&DL Gia Lai) cho biết: “Cả tỉnh chỉ còn khoảng 20 nghệ nhân chỉnh chiêng. Hai nghệ nhân Rơ Chăm Uek và Nay Phai ở H. K’rông Pa là những người “điêu luyện” biết chỉnh được chiêng của nhiều dân tộc như Ê Đê, Ba Na, Gia Rai... Đội chiêng của làng Mrông Yố thuộc dạng “tiếng tăm” của tỉnh, còn giữ được gần 20 bài chiêng cổ, cũng là đội đã tham gia làm hồ sơ để cồng chiêng được UNESCO công nhận là kiệt tác nhân loại vào năm 2005”.
Festival Cồng chiêng Quốc tế năm 2009 tại Gia Lai là hoạt động hướng tới mục đích: biểu dương giá trị không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên theo chương trình hành động quốc gia mà Chính phủ cam kết trong hồ sơ đệ trình UNESCO năm 2004 nhằm bảo tồn và phát triển văn hóa cồng chiêng. Và muốn bảo tồn cồng chiêng phải gắn liền với bảo tồn và phát triển nghệ nhân chỉnh chiêng.
Bài, ảnh: Lê Duy