Festival Huế- kênh quảng bá hữu hiệu cho ngành Du lịch

Thứ hai, 02/04/2012 00:00

(Cadn.com.vn) - Đó là đánh giá của ông Nguyễn Duy Hiền (N.D.H.)- Giám đốc Trung tâm Festival Huế trước thềm khai mạc Festival Huế 2012 với P.V Báo Công an TP Đà Nẵng... Từ việc tổ chức thành công các kỳ Festival, Thủ tướng Chính phủ đã chính thức phê duyệt Đề án xây dựng TP Huế là thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam. Và Festival Huế 2012 cũng là Festival thứ hai được tổ chức để triển khai Kết luận số 48 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh TT- Huế và đô thị Huế đến năm 2020.

Khi trở thành một thành phố trực thuộc T.Ư, Festival Huế sẽ tiếp tục có tác động rất lớn đến sự phát triển KT- XH của TT- Huế, phù hợp với cơ cấu kinh tế của tỉnh là dịch vụ- công nghiệp và nông nghiệp.

Một cảnh tại Lễ thao diễn thủy binh thời Nguyễn tại Festival Huế 2010. 

P.V: Đây là kỳ Festival diễn ra lần thứ 7,  theo ông, Festival Huế đã ảnh hưởng như thế nào đến việc phát triển kinh tế- xã hội của TT- Huế?

Ông N. D. H: Festival là một hoạt động quảng bá cho các điểm đến trong du lịch. Nhờ có Festival, tính hấp dẫn của các điểm du lịch được nâng cao. Nhiều thành phố lớn trên thế giới được du khách biết đến là thông qua các kỳ Festival. Phát huy lợi thế thành phố của những di sản và lễ hội-nguồn tài nguyên quý giá của du lịch, ngành kinh tế-du lịch kết hợp với những tiềm năng khác của tỉnh TT-Huế đã có những bước phát triển khá toàn diện và bền vững. Huế là một trong những trung tâm văn hóa, du lịch lớn của cả nước, thực hiện sự liên kết về du lịch với các tour du lịch trong tuyến Hành lang kinh tế Đông- Tây với các điểm du lịch ở: Quảng Bình, Quảng Trị, Đà Nẵng, Quảng Nam, hình thành nên "Con đường di sản miền Trung". Năm 1990, từ chỗ chỉ chiếm 25-35%, đến nay ngành DU lịch đã vươn lên chiếm hơn 43% trong tổng thu nhập kinh tế của tỉnh. Mục tiêu hướng đến của ngành DU lịch TT-Huế là năm 2015 du lịch dịch vụ chiếm tỷ trọng 47% GDP, doanh thu tăng 28-30% /năm. Về lượng khách: phấn đấu đạt 2,5-3 triệu lượt khách. Doanh thu du lịch đạt 3.000 tỷ đồng.

Mặc dù từ Festival Huế 2000, mục tiêu kinh tế không được đưa lên hàng đầu nhưng tác động về mặt kinh tế của 6 kỳ festival đã qua trên thực tế là rất lớn. Festival Huế mang lại lợi ích cho nhiều ngành (thương mại, du lịch, ngân hàng, vận chuyển, tiểu thủ công nghiệp, thủy sản...) nhờ chi tiêu của khách tham dự Festival. Ngành hưởng lợi lớn nhất và rõ nhất là ngành du lịch dịch vụ. Có thể nói, Festival là một cách thức xúc tiến, quảng bá rất hữu hiệu cho du lịch TT- Huế nói riêng và du lịch Việt Nam nói chung. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, doanh thu từ du lịch trên toàn quốc trong thời gian diễn ra Festival 2002 đạt 144 tỷ đồng, tăng 4,7 lần so với Festival 2000; Festival 2004 đạt 266 tỷ đồng tăng 1,9 lần so với Festival 2002.         

P.V: Tại sao năm nay Festival Huế lại lấy chủ đề "Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển- Nơi gặp gỡ các thành phố lịch sử"?

Ông N.D.H: Festival Huế 2012 là Festival lần thứ 7 với chủ đề "Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển", đây là chủ đề xuyên suốt của các kỳ Festival. Chủ đề này được khẳng định bởi Huế có rất nhiều lợi thế về mặt văn hóa, lịch sử, góp phần không nhỏ vào việc xây dựng, khẳng định tư thế của Huế trong việc gìn giữ và phát huy các giá trị di sản văn hóa, vốn không chỉ quý hiếm của Việt Nam mà còn có giá trị đặc biệt của toàn cầu. Năm nay chủ đề này còn gắn với "Nơi gặp gỡ các thành phố lịch sử", do nối kết với hội nghị thường niên của Liên đoàn các thành phố lịch sử gồm đại biểu của 80 thành phố thuộc 55 quốc gia sẽ họp ngay sau khi Festival kết thúc, đông đảo đại biểu sẽ tham dự ngày cuối Festival.

Đặc biệt, từ những thành quả các kỳ Festival trước đây, Bộ Ngoại giao nước ta đã đưa ra đề án "Giao lưu và phát triển văn hóa các nước Đông Á-Mỹ Latinh thông qua Festival Huế" tại diễn đàn FEALAC gồm 35 quốc gia, điều này khẳng định thương hiệu Festival Huế và sự tin tưởng của Bộ Ngoại Giao trong hoạt động văn hóa đối ngoại thông qua Festival Huế. Đến nay đã có 27 quốc gia chính thức đăng ký tham gia với 35 đoàn và nhóm nghệ thuật đã đăng ký chương trình cụ thể... Hầu hết các đoàn nghệ thuật đều lần đầu tiên đến với Festival Huế, đặc biệt là các đoàn quốc tế. Sự xuất hiện nhiều nước Mỹ Latinh lần này là sự xuất hiện lần đầu của một số quốc gia mới.

P.V: Để hưởng ứng sự kiện lễ hội trọng đại- Festival Huế 2012, BTC đã quyết định đưa nhiều lễ hội về nông thôn, các hoạt động cụ thể là gì thưa ông?

Ông N.D.H: Lễ hội "Chợ quê ngày hội" được tổ chức trong các ngày 8, 9, 10 và 11- 4 tại Cầu Ngói Thanh Toàn (xã Thủy Thanh, TX Hương Thủy). Lễ hội "Hương Xưa Làng Cổ" tổ chức các ngày 9 và 10- 4 tại Làng Cổ Phước Tích (xã Phong Hòa, Phong Điền). Tiếp tục thực hiện chủ trương đưa hoạt động Festival về với các làng quê ở các huyện, thị xã trên toàn tỉnh, BTC Festival đã có lịch trình cụ thể đưa các đoàn nghệ thuật trong nước và quốc tế sẽ phục vụ hàng chục đêm diễn tại tất cả các địa phương, ngoài ra còn có những buổi diễn tại Bệnh viện T.Ư Huế phục vụ bệnh nhân và cán bộ y tế, tại Trung tâm văn hóa thành phố phục vụ công nhân các đơn vị môi trường đô thị và cây xanh, tại trụ sở CA tỉnh để phục vụ cán bộ chiến sĩ...

P.V: Ông có thể nói rõ công tác xã hội hóa được thực hiện tại Festival lần này?

Ông N.D.H: Sau 7 kỳ tổ chức Festival, ngoài sự tài trợ trực tiếp về chi phí vận chuyển, về bồi dưỡng nghệ thuật của các Đại sứ quán và các tổ chức văn hóa của các quốc gia có chương trình nghệ thuật tham dự Festival Huế, BTC Festival Huế còn nhận được sự hỗ trợ, tài trợ của nhiều doanh nghiệp, nhiều tổ chức văn hóa trong cả nước cùng đồng hành với lễ hội. Đến thời điểm hiện nay, Festival Huế 2012 đã có hơn 20 nhà tài trợ. Trong đó, tài trợ Kim Cương cho lễ hội là Vietcombank với số tiền 5 tỷ đồng; tài trợ Vàng là Công ty Bia Huế với số tiền 3 tỷ đồng; Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam là nhà tài trợ Bạc với số tiền 2 tỷ đồng, VNPT nhà tài trợ Bạc và Eximbank tài trợ Đồng. Một số nhà tài trợ khác như: Techcombank tài trợ chính cho lễ hội áo dài; Ngân hàng Quân đội tài trợ cho lễ hội Diều; Vietnam Airlines là nhà vận chuyển chính thức cho lễ hội... Nhiều chương trình xã hội hóa như: Lễ hội Trống và nhạc cụ gõ Âm vang hào khí Việt, hàng chục hoạt động triển lãm...đều được hưởng ứng tổ chức.

P.V: Xin cảm ơn ông! Chúc Festival Huế 2012 sẽ thành công rực rỡ!

H.Lan

(thực hiện)