G20 lo tăng trưởng kinh tế toàn cầu

Thứ hai, 05/09/2016 07:10

(Cadn.com.vn) - Chủ tịch nước chủ nhà Trung Quốc Tập Cận Bình cảnh báo, các nền kinh tế toàn cầu đang bị đe dọa bởi sự gia tăng chủ nghĩa bảo hộ và các rủi ro từ thị trường tài chính có đòn bẩy cao.

Các nhà lãnh đạo tại Hội nghị Thượng đỉnh G20, khai mạc hôm 4-9 tại Hàng Châu, Trung Quốc. Ảnh: AFP

An ninh được thắt chặt tuyệt đối ở thành phố Hàng Châu khi Trung Quốc lần đầu tiên đăng cai tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20), bắt đầu từ ngày 4 đến 5-9. Các nhà lãnh đạo đến Trung Quốc lần này với ưu tiên giải quyết tăng trưởng kinh tế chậm chạp trên toàn cầu, bóng ma lờ mờ của chủ nghĩa bảo hộ và cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Hội nghị thu hút chú ý đặc biệt bởi đây được xem là cơ hội tạo đà phục hồi cho nền kinh tế toàn cầu hiện đang chật vật sau khủng hoảng tài chính, đồng thời tái định hình kinh tế thế giới. Với chủ đề “Hướng đến nền kinh tế đổi mới, năng động, liên kết và tổng thể”, Trung Quốc - Chủ tịch G20 năm nay - hy vọng hội nghị có thể đưa nhóm này trở thành đầu tàu, phá vỡ những khó khăn và thách thức mà kinh tế thế giới đang phải đối mặt.

Việc hội nghị diễn ra sau khi Anh bỏ phiếu rời Liên minh Châu Âu (EU) và trước thềm bầu cử tổng thống Mỹ khiến giới quan sát kỳ vọng, các nhà lãnh đạo G20 đủ khả năng bảo vệ tự do thương mại và toàn cầu hóa, đồng thời chống chủ nghĩa biệt lập. Trên thực tế, trọng tâm trên bàn hội nghị ngày khai mạc G20 là vấn đề tăng trưởng kinh tế toàn cầu đúng như ý đồ của nước chủ nhà Trung Quốc.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cảnh báo, các nền kinh tế toàn cầu đang bị chủ nghĩa bảo hộ và các rủi ro từ thị trường tài chính đe dọa nghiêm trọng. “Các nền kinh tế toàn cầu đã đến một thời điểm rất quan trọng khi đối mặt với nhu cầu thấp, thị trường tài chính bất ổn trong khi thương mại và đầu tư yếu ớt”, ông Tập nói.

Dù vấn đề biển Đông không được đưa vào chương trình nghị sự ưu tiên trên bàn hội nghị G20, vấn đề này chi phối cuộc hội đàm gây chú ý đặc biệt giữa ông Tập và Tổng thống Mỹ Barack Obama trước thềm hội nghị. Theo Reuters, tại cuộc gặp, Tổng thống Obama thảo luận thẳng thắn với Chủ tịch Tập về các vấn đề gai góc nhất trong mối quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, trong đó chú trọng biển Đông tranh chấp.

Tổng thống Obama tuyên bố, Bắc Kinh cần trở thành một cường quốc có trách nhiệm hơn và tránh những hành động “giễu võ giương oai” trong tranh chấp với các quốc gia nhỏ hơn liên quan đến các vấn đề như biển Đông. Ông chủ Nhà Trắng nhấn mạnh, Bắc Kinh cần tuân thủ phán quyết của Tòa Trọng tài Quốc tế (PCA) hồi tháng 7, theo đó bác bỏ tuyên bố chủ quyền “đường lưỡi bò” vô lý của Trung Quốc ở biển Đông.  Đáp lại, ông Tập nêu rõ Trung Quốc sẵn sàng phối hợp với Mỹ để đảm bảo các mối quan hệ song phương duy trì đúng hướng nhưng vẫn khăng khăng sẽ “tiếp tục bảo vệ chủ quyền và quyền hàng hải ở biển Đông”.

Tổng thống Obama, đang ở trong những tháng cuối cùng của nhiệm kỳ tổng thống, muốn nỗ lực đưa cỗ máy “tái xoay trục Châu Á-Thái Bình Dương” tiến về phía trước. Ông chủ Nhà Trắng nỗ lực đầu tư vào việc phát triển các mối quan hệ gần gũi hơn với các quốc gia Đông Nam Á, và đang theo lịch trình cuối cùng đến khu vực này nhằm trấn an các đối tác đang quan ngại một Trung Quốc ngày càng quyết đoán. “Các cuộc thảo luận Trung-Mỹ rất hiệu quả và tiếp tục hướng đến hợp tác lớn hơn”, ông Obama nói với các phóng viên hôm 4-9, khẳng định, ông sẽ không quá quan trọng “vấn đề nhạy cảm” tại sân bay – ám chỉ những lùm xùm trong việc Trung Quốc tiếp đón khi ông đến sân bay Hàng Châu.

Khả Anh