“Gã khổng lồ” kín tiếng trong cuộc đua vaccine ngừa Covid-19

Thứ bảy, 13/03/2021 08:39

Khi các “gã khổng lồ” dược phẩm nỗ lực tăng cường sản xuất trong cuộc chạy đua tiêm chủng phòng chống Covid-19 cho thế giới, một cái tên bí ẩn đã vươn lên dẫn đầu. Đó là một doanh nghiệp kín tiếng, nhưng ảnh hưởng lại vô cùng lớn: Viện Huyết thanh của Ấn Độ (SII) - sản xuất 1 tỷ 500 triệu liều vaccine mỗi năm, tức là hơn nửa số liều vaccine bán ra trên thế giới.

Bên trong cơ sở sản xuất vaccine của SII.   Ảnh: BBC

Cái tên lạ lẫm SII 

SII không phải là một cái tên quen thuộc, nhưng nó là nhà sản xuất vaccine lớn nhất thế giới. Theo các chuyên gia, SII của Ấn Độ từ lâu đã đi đầu trong cuộc chạy đua sản xuất các loại vaccine. Cty sản xuất 1,5 tỷ liều mỗi năm từ nhà máy sản xuất rộng lớn của Cty ở Pune, gần Bombay. 

Khi đại dịch Covid-19 bùng nổ, việc phát triển, điều chế vaccine trở thành cuộc chạy đua chiến lược của nhiều quốc gia, nhiều hãng dược phẩm trên thế giới. Và tất nhiên không thể thiếu SII của Ấn Độ. Vào thời điểm loại vaccine do đại học Oxford và hãng dược Astra Zeneca hợp tác phát triển mới đang được thử nghiệm lâm sàng và được cho là có nhiều cơ hội thành công và đã được nhiều nước như Mỹ, hay Liên minh Châu Âu (EU) ký hợp đồng đặt mua vaccine tương lai với số lượng lớn nếu các thử nghiệm lâm sàng cho kết quả tích cực, SII là cái tên đi tiên phong. Và về công tác sản xuất, thường thì các hãng dược phẩm, phòng thí nghiệm sẽ đều hướng về Ấn Độ. Và cũng như nhiều lần khác, cái tên SII được chú ý, bởi vì trong khi chờ đợi kết quả thử nghiệm lâm sàng, để không bỏ phí thời gian, Cty này đã chấp nhận rủi ro, bắt tay vào sản xuất vaccine ngừa Covid-19.

Hồi tháng 7-2020, Cty này bắt đầu sản xuất những liều đầu tiên của loại vaccine có khả năng ngừa Covid-19, loại vaccine do đại học Oxford và hãng dược Astra Zeneca của Anh phát triển. Khi đó, ông Adar Poonawallah, Chủ tịch - Tổng giám đốc của Serum Institute of India giải thích tại sao ông cho sản xuất vaccine trước khi các thử nghiệm lâm sàng được hoàn tất: “Các nhà khoa học của đại học Oxford và hãng bào chế dược phẩm Anh Astra Zeneca đánh giá là tỷ lệ thành công của loại vaccine này lên đến 70%-80%. Họ rất tự tin, bởi họ sử dụng cùng công nghệ đã được dùng để phát triển vaccine ngừa Ebola. Trong giai đoạn khủng hoảng dịch bệnh này, thì chúng tôi phải liều, chấp nhận rủi ro, nếu không thì sẽ muộn mất thêm 1 năm và đó sẽ là thảm kịch. Chúng tôi sẽ chuẩn hóa quá trình sản xuất và kể từ tháng 8-2020, chúng tôi sẽ có thể sản xuất được 50 triệu liều vaccine mỗi tháng”.

Rủi ro có tính toán

Theo BBC, SII hiện đang sản xuất vaccine Covid-19 theo giấy phép cho các Cty dược phẩm như AstraZeneca. Giám đốc điều hành Adar Poonawalla của SII nói với BBC: “Chúng tôi đã tính toán một rủi ro rất lớn”, bằng cách đặt cược vào một số loại vaccine vào năm 2020 trước khi các cơ quan quản lý phê duyệt chúng. Theo ông, “đó không phải là một rủi ro mù quáng, bởi vì chúng tôi biết các nhà khoa học Oxford từ những lần hợp tác trước đó của chúng tôi về vaccine sốt rét”.

SII thuộc sở hữu tư nhân, cho phép ông Poonawalla và các nhà khoa học của ông ra quyết định nhanh chóng. Nhưng thách thức là nguồn kinh phí. Cty đã đầu tư khoảng 260 triệu USD và quyên góp phần còn lại từ các nhà từ thiện, chẳng hạn như tỷ phú Bill Gates, và các khoản tiền từ các quốc gia khác. Câu hỏi đặt ra là SII thực sự mở rộng quy mô sản xuất như thế nào? Vào tháng 4-2020, ông Poonawalla tính toán những gì họ cần, từ các lọ đựng vaccine và bộ lọc. Ông giải thích: “Tôi đã nhận trước thời hạn 600 triệu lọ thủy tinh và cất trong kho vào tháng 9. Điều quan trọng nhất giúp chúng tôi có nhiều như vậy - 70-80 triệu liều vào tháng 1 - là do tôi bắt đầu sản xuất từ tháng 8-2020 bất chấp những rủi ro. Tôi ước gì các Cty khác cũng chấp nhận rủi ro đó, bởi vì thế giới sẽ có nhiều liều vaccine hơn”. 

Ông Poonawalla chỉ trích sự chắp vá của các hệ thống quản lý toàn cầu và thiếu hài hòa, là nguyên nhân gây ra sự chậm trễ trong sản xuất. Ông cho biết, các cơ quan quản lý lớn, bao gồm Cơ quan Quản lý Thuốc và Sản phẩm Chăm sóc sức khỏe của Vương quốc Anh (MHRA), Cơ quan Thuốc Châu Âu (EMA) và Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA), có thể đã thống nhất một tiêu chuẩn chất lượng. Ông cũng chỉ trích chính phủ nhiều quốc gia, tuyên bố rằng, các cơ quan quản lý ở các quốc gia đang sản xuất vaccine, từ Ấn Độ đến Châu Âu, có thể đã thống nhất một tiêu chuẩn quốc tế. “Tại sao chúng ta vẫn không thể hài hòa mọi việc và tiết kiệm tất cả thời gian, đặc biệt là ngay cả đối với vaccine mới. Tôi ghét phải trải qua tất cả những điều này một lần nữa”.

Mối lo biến thể mới và chiến dịch tiêm chủng “lớn nhất thế giới”

Trong bối cảnh bùng phát các biến thể mới và mối lo vaccine không có nhiều tác dụng, ông Poonawalla đã lên tiếng trấn an: “Bất kỳ ai đã sử dụng vaccine (Oxford AstraZeneca) đó cho đến nay đều không phải đến bệnh viện hoặc thở máy và có nguy cơ mất mạng.

Tại Ấn Độ, SII cũng tham gia vào chương trình tiêm chủng lớn nhất thế giới, vốn bắt đầu từ ngày 16-1. Ấn Độ hiện ghi nhận số ca nhiễm cao thứ nhì thế giới sau Mỹ. Quốc gia đông dân thứ nhì thế giới sau Trung Quốc, từng nói không cần phải tiêm chủng cho toàn bộ 1,35 tỷ dân để đạt được miễn dịch cộng đồng. Dù vậy, chỉ cần tiêm chủng cho một nửa dân số thì đây vẫn là một trong những chương trình tiêm chủng lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, những người đi tiêm ngừa sẽ không được quyền lựa chọn giữa vaccine Covid-19 của Hãng Pfizer/BioNTech, của Hãng AstraZeneca và vaccine Covid-19 do Cty Bharat Biotech trong nước phát triển.

Và theo Bloomberg, chỉ 56% số người đủ điều kiện để được tiêm thuốc đã chấp nhận tiêm vaccine. Ông Poonawalla nói: “Rất nhiều người vẫn do dự về vaccine theo truyền thống đã xảy ra khi những người nổi tiếng hoặc không phải chuyên gia cho rằng vaccine không an toàn”. Và ông đã kêu gọi: “Tôi luôn chỉ muốn yêu cầu những người nổi tiếng và những người khác có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội, chỉ cần có một chút trách nhiệm và tìm hiểu sự thật trước khi họ nói bất cứ điều gì”.

KHẢ ANH