Game online: Trò chơi ảo, hậu quả thật! (Kỳ 1: Thế giới của các game thủ)

Thứ sáu, 03/07/2020 10:26

Nửa cuối tháng 6-2020, dư luận cả nước đặc biệt quan tâm về vụ bé trai 5 tuổi bị chết trong tình trạng hai tay bị trói, miệng bịt băng keo nghi do bị nam sinh nghiện trò chơi điện tử trực tuyến giấu trong rừng tràm tại H. Quỳnh Lưu (tỉnh Nghệ An). Đó chỉ là 1 trong hàng trăm vụ án nghiêm trọng liên quan đến vấn nạn thanh thiếu niên nghiện trò chơi trực tuyến trong thời gian gần đây. Đồng thời, đây cũng là hồi chuông cảnh báo cho chúng ta về tác hại của việc “nghiện” trò chơi trực tuyến trong giới trẻ hiện nay.

Nhiều bạn trẻ vùi mình vào game xuyên đêm.

Túc trực ngày đêm tại tiệm game

Có mặt tại một tiệm game X. nằm trên đường Ngô Văn Sở (Q. Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) vào tối 29-6, tại đây, không khí vô cùng ồn ào, náo nhiệt với nhiều game thủ đang mải mê trong thế giới ảo của riêng mình với những tựa game đình đám, như: Pubg, Liên minh huyền thoại, Valorant hay đế chế… Tuy đã hơn 23 giờ nhưng hầu hết các máy trong quán vẫn được lấp kín chỗ và không có dấu hiệu vơi bớt người chơi.

Bắt chuyện với một game thủ, chúng tôi biết được anh tên là Dương Công Sơn (1995, trú H. Đông Giang, tỉnh Quảng Nam) hiện là tài xế cho 1 hãng xe ôm công nghệ tại TP Đà Nẵng cho biết, anh thường đến đây chơi game vào bất cứ khi nào rảnh rỗi, chuyện chơi thâu đêm là bình thường đối với anh và nhiều game thủ khác đang ngồi   tại đây.

Còn đối với anh Huỳnh Văn Đông (1991, trú P. Hòa Minh, Q. Liên Chiểu) vốn là 1 game thủ có tiếng trong trò chơi bắn súng Pubg, Đông được mệnh danh là người có đủ “độ lì” khi ngồi chơi game tại quán từ 2-3 ngày mà chẳng “hề hấn” gì. Đông cho biết, trong những ngày chơi game liên tục, việc ăn, ngủ diễn ra luôn tại quán, chỉ đến khi nào cảm thấy không chịu được cơn đói thì mới gọi tạm bánh mì hay hộp cơm ăn qua bữa rồi lại lao vào chơi tiếp.

Đa phần bạn chơi game trong nhóm của Đông đều là học sinh, sinh viên đến từ các trường cao đẳng, đại học trên địa bàn thành phố, cả nhóm cứ hẹn ngày giờ là tự giác có mặt để chơi cùng nhau, việc nghỉ một vài buổi học là chuyện bình thường. Nhiều quán game online khác cũng hoạt động trong tình trạng tương tự, đa phần những quán game thường được mở ngay cạnh các trường học, khu dân cư đông đúc nhằm thu hút đông đảo người chơi.

Đến quán game B.T nằm gần trường Cao đẳng Thương mại, tuy đã gần 1 giờ sáng nhưng quán vẫn hé cửa đón khách, ai có nhu cầu đến chơi đều được đáp ứng mặc dù đã quá khung giờ quy định. Giữa màn đêm yên tĩnh, nằm sâu sau lớp cửa sắt là gần 20 game thủ đang mải mê “cày đêm”. Một số người mệt quá đã ngủ luôn tại ghế trong khi màn hình trò chơi vẫn sáng.

Anh Trương Bá Việt (1993, trú xã Hòa Nhơn, H. Hòa Vang) chia sẻ, mỗi ngày vẫn dành hơn 6 tiếng để chơi game online, do không có công việc ổn định nên ai kêu đâu thì đến làm thuê rồi kiếm tiền nạp thẻ game, miễn sao cho nhân vật của mình phải có thứ hạng cao trong trò chơi. Chỉ cần nhìn thoáng qua, khuôn mặt Việt xanh xao, nhợt nhạt và có phần già hơn so với tuổi, Việt cũng chia sẻ nhiều lần gia đình cũng đã động viên, nhắc nhở nhưng vẫn không bỏ được game.

Đa phần các game thủ bị cuốn hút bởi những game có tính chất bạo lực.

Khó quản lý, kiểm soát tiệm game

Theo ông Đinh Viết Châu Quang, Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Bưu chính Viễn thông (Sở Thông tin và Truyền thông) cho biết, hiện nay trên toàn địa bàn thành phố có tổng cộng 585 đại lý kinh doanh internet trải đều ở các quận, huyện. Trong đó, Q. Hải Châu có 99 đại lý, Q. Thanh Khê có 96 đại lý, Q. Liên Chiểu có 93 đại lý, Q. Ngũ Hành Sơn có 92 đại lý…

Theo tìm hiểu của phóng viên, việc quản lý giờ giấc của các quán game là gần như rất khó, bởi đa phần những tiệm game online thường tìm cách đối phó với cơ quan chức năng bằng cách khép kín cửa sau khung giờ quy định, chỉ đón những khách quen mặt hoặc đã đặt lịch trước quản lý quán thì mới được vào chơi. Không những thế, tại một số quán game còn bố trí chỗ nằm bằng võng hoặc giường xếp để game thủ có thể nằm nghỉ ngơi mỗi khi mệt mỏi, đồ ăn, thức uống được quán phục vụ tận nơi nên người chơi không phải đi lại nhiều mà chỉ quanh quẩn trong không gian tiệm game.

Theo bác sĩ Lâm Tứ Trung- Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng, cho biết: Bên cạnh tính chất giải trí từ game mang lại thì việc chơi game online với tần suất nhiều, chơi trong thời gian dài sẽ dễ dẫn đến tình trạng mất ngủ, dần dần người chơi sẽ không còn quan tâm đến thế giới thực bên ngoài mà chỉ tập trung vào thế giới ảo, điều này sẽ dẫn đến hậu quả về thể chất cũng như tinh thần.

“Để tránh tình trạng nghiện game, ham muốn chơi game thì người chơi cần sắp xếp cân bằng việc giải trí bằng game với các hoạt động khác như: chơi thể thao, hoạt động ngoại khóa để đảm bảo sức khỏe. Bên cạnh đó, việc động viên, nhắc nhở, giám sát từ gia đình là vô cũng quan trọng và cần thiết vì giới trẻ bây giờ thường được gia đình sắm cho các thiết bị di động, máy tính xách tay”, bác sĩ Trung chia sẻ.

(còn nữa)

NGUYỄN QUANG