Game online: Trò chơi ảo, hậu quả thật (Kỳ cuối: Ẩn họa từ game online)

Thứ bảy, 04/07/2020 14:20

Trên thực tế, việc chơi game trong thời gian dài sẽ khiến người chơi “nghiện” game và bị phụ thuộc vào các giá trị ảo trong game mà quên đi các giá trị thật ở xung quanh mình, để rồi từ đó đánh mất đi sức khỏe, bỏ dở việc học hành, thậm chí là gia đình. Trên thực tế, đã có rất nhiều vụ án nghiêm trọng mà căn nguyên là do “nghiện” game online mà ra. Việc chơi game không xấu, chơi game để giải trí nhưng chơi như thế nào, chừng mực ra sao để có thể cân bằng cảm xúc giữa trò chơi và thế giới thực bên ngoài mới là điều đúng đắn.

Học sinh, sinh viên là đối tượng “nghiện” game online nhiều nhất.

“Kẻ cắp” vô hình

Vùi mình vào “thế giới ảo”, chơi game liên tục trong nhiều giờ liền hay thiếu game là cảm thấy bứt rứt, khó chịu là một trong những biểu hiện chính của việc “nghiện” game. Tuy nhiên, những tác nhân vô hình đứng sau đó đã thúc đẩy một con người từ chỗ chơi game để giải trí, giảm stress lại trở nên phụ thuộc vào game thì rất ít ai quan tâm đến.

Bác sĩ Lâm Tứ Trung - Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng cho biết, người nghiện game thường là những người có một gia đình không hạnh phúc, bố mẹ thường xuyên cãi nhau và không quan tâm đến con cái, hay có những trường hợp những người có cuộc sống bên ngoài không thành đạt nhưng lại có “địa vị” cao trong trò chơi, thường được mọi người chơi cùng tán dương, khen ngợi... là một trong những nguyên nhân chính khiến con người bị cuốn vào vòng xoáy mê game.

Đa phần, những người nghiện game đều là những người trẻ hiện vẫn còn đang theo học tại các trường THCS, THPT và một bộ phận các sinh viên cao đẳng, đại học xa gia đình không ai quản lý và tự chủ về mặt thời gian, tiền bạc. Điển hình như trường hợp của anh Đinh Văn Hiếu (1993, trú Quảng Nam), vốn là một học sinh khá, giỏi từ lớp 11, nhưng sau những biến cố trong gia đình đã khiến Hiếu sa chân vào game để rồi chìm đắm lúc nào không hay. Buồn chán việc gia đình, Hiếu thường tìm đến các quán game để giải trí thâu đêm, suốt sáng rồi bỏ dở việc học hành và đến khi nhìn lại thì đã quá muộn.

Hay trường hợp em Phan Thị Ly Ny (1999, trú P. Hòa Minh, Q. Liên Chiểu, Đà Nẵng) vốn được sinh ra trong gia đình có điều kiện nên bố mẹ mua sắm cho điện thoại, máy tính ngay từ khi còn học lớp 12 nhưng không quản lý chặt chẽ, Ny thường tìm đến các trò game online trên mạng để chơi rồi “thả hồn” vào trong game mà không quan tâm đến việc học hành, thời gian giao tiếp với các bạn cùng trang lứa cũng ít dần đi. Để rồi việc học hành bị bỏ dở, khiến Ny phải nhờ đến sự hỗ trợ của bác sĩ tâm lý trong một thời gian dài. Đó cũng chỉ là một trong hàng ngàn trường hợp liên quan đến việc lạm dụng game quá mức gây ảnh hưởng đến kết quả học tập và sức khỏe của chính mình.

Cai game bằng cách nào?

Xuất phát từ thực tế, việc “nghiện” game chính là ẩn họa đối với xã hội, chính vì thế cai “nghiện” game để tránh những hệ lụy phát sinh, tránh việc người nghiện game vi phạm pháp luật và giúp cho xã hội ngày càng tốt đẹp hơn.

Theo bác sĩ Lâm Tứ Trung – Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng, người đã có nhiều năm kinh nghiệm trong việc điều trị “nghiện game” chia sẻ, việc tích cực tham gia các hoạt động xã hội như làm tình nguyện viên tại các tổ chức từ thiện hay tham gia phong trào đoàn viên thanh niên cũng là một trong những cách cai game mang lại hiệu quả. Chính việc tham gia các hoạt động xã hội sẽ chiếm lấy quỹ thời gian của người “nghiện” game, từ đó, giúp những người này có mối giao tiếp xã hội với bạn bè, đồng nghiệp sẽ mang lại nhiều tín hiệu tích cực.

Bên cạnh đó, yếu tố gia đình cũng là một trong những yếu tố tiên quyết để người trẻ có thể cai game thành công. Mỗi gia đình có con, cháu bị nghiện game cần đả thông tư tưởng, khéo léo tiếp xúc với người thân theo cách nhẹ nhàng, đồng cảm rồi mới lý giải về những tác hại của game online mang lại. Đồng thời tạo cho các bạn trẻ các thói quen mới như: chơi thể thao, tham gia các hội nhóm có ích và thường xuyên động viên, khích lệ những thành tích đã đạt được.

Ông Ngô Ngọc Hoàng Vương - Trưởng phòng Chính trị tư tưởng (Sở GD-ĐT Đà Nẵng) cho biết, Sở GD-ĐT sẽ lưu ý các đơn vị, trường học thực hiện nhiều biện pháp, nhiều hình thức tuyên truyền để giáo dục học sinh phòng chống tác hại của trò chơi trực tuyến. Phối hợp chặt chẽ với gia đình và các cơ quan chức năng liên quan để có biện pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn những vấn đề tiêu cực trong việc sử dụng Internet, trò chơi điện tử có nội dung bạo lực, không lành mạnh đối với học sinh, sinh viên; làm tốt công tác tuyên truyền tăng cường hiệu quả công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm trên mạng Internet. Đồng thời tạo nhiều sân chơi mới nhằm nâng cao thể chất, tinh thần cho giới trẻ tham gia trong dịp nghỉ hè.

Ông Vương cũng chia sẻ thêm, vai trò của phụ huynh rất quan trọng, quyết định trong việc quản lý con sử dụng điện thoại, đến các dịch vụ trò chơi trực tuyến của học sinh, vì thế, phụ huynh học sinh cần nhận thức đúng đắn tác hại của trò chơi trực tuyến, quản lý chặt chẽ con em, không để xảy ra tình trạng nghiện game ở giới trẻ.

NGUYỄN QUANG

>> Game online: Trò chơi ảo, hậu quả thật! (Kỳ 1: Thế giới của các game thủ)