Gần 100m3 gỗ bị khai thác trái phép vẫn còn nằm trong rừng?
(Cadn.com.vn) - Theo nguồn tin riêng của P.V Báo Công an TP Đà Nẵng, đến sáng 25-9, tổ công tác của lực lượng Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam mới rời khỏi hiện trường trở về đơn vị. Qua kiểm tra nguồn gốc số gỗ, lực lượng kiểm lâm phát hiện có gần 20 gốc cây vừa bị đốn hạ, nằm trong phạm vi thôn 2 (xã Trà Bui, H. Trà My, Quảng Nam) nhưng chưa xác định được vị trí tọa độ. Địa điểm khai thác cách Trạm quản lý vảo vệ rừng khoảng 5km. Sau khi lập biên bản hiện trường, đo đếm, Đội Kiểm lâm cơ động số 1 sẽ bàn giao hồ sơ cho Chi cục Kiểm lâm tiếp tục xử lý vụ việc.
Một cán bộ Kiểm lâm cho biết, theo quy định của pháp luật, nếu phát hiện số lượng gỗ hơn 20m3 sẽ truy cứu trách nhiệm hình sự, như vậy với số lượng gỗ phát hiện trong đợt này hơn 20m3 nên việc khởi tố điều tra là điều phải tiến hành. Về 40 phách gỗ nằm trên lâm phận thôn 8 (H. Phước Sơn, Quảng Nam), giáp ranh với thôn 2 (xã Trà Bui), do thời tiết không thuận lợi nên đến nay lực lượng kiểm lâm mới bốc được 16 phách đem ra khỏi rừng.
Số gốc gỗ bị đốn hạ nằm cách Trạm quản lý bảo vệ rừng khoảng 5km |
Riêng 96m3 gỗ do BQL rừng phòng hộ Sông Tranh phát hiện được, ông Đoàn Tất Chẩn, Giám đốc BQL Rừng phòng hộ Sông Tranh, cho biết: Số gỗ trên hiện vẫn còn nằm trong rừng. “Tại địa điểm đó (điểm rừng bị phá- P.V) ngày xưa là khu rừng rất đẹp, nhưng sau khi chính quyền đưa dân vào tận vùng lõi, số hộ dân hiện đã gần 600-700 hộ. Dân không có việc làm nên... Chúng tôi cũng làm hết sức mình, nhưng...”, ông Chẩn nói. Cũng theo ông Chẩn, "nhiệm vụ của chúng tôi là canh giữ rừng mà, để báo cáo cho Hạt Kiểm lâm vào điều tra. Hiện tại gỗ vẫn đang nằm trong rừng, khi anh em lập biên bản thì phải có biện pháp canh giữ. Nhưng mà cũng có thể mất chứ không thể biết được, vì trong rừng biết rồi. Hồi năm 2002 cả lực lượng Kiểm lâm, Công an mà họ vẫn lấy đi...”.
Tuy vậy, lúc sau ông Chẩn lại nói: “Sau khi lập biên bản thì Ban vẫn đang quản lý, gỗ còn đó chứ anh. Tất cả còn nguyên, làm sao mất được, anh em kiểm tra chừng chừng mà, mất thì anh em báo cáo mất để điều tra... Khi phát hiện xong muốn chuyển được nó không phải đơn giản, phải qua mấy công đoạn như bốc vác, thuê xe chở về… Khi báo cáo với Hạt Kiểm lâm thì trách nhiệm của cả bên Hạt nữa. Phải chờ để Hạt Kiểm lâm, Công an, Viện kiểm sát điều tra xác minh xong người ta thuê xe vận chuyển mới đem ra bán đấu giá. Phát hiện ra gỗ thì không thể đưa đi được, vì đưa đi thì sợ người ta lại nghĩ mình thay đổi hiện trạng”. Ông Chẩn cho biết thêm, tình trạng phá rừng trong lâm phận BQL Rừng phòng hộ Sông Tranh diễn biến phức tạp trong những năm gần đây một phần do dân tái định cư thủy điện Sông Tranh 2 gắn bó với rừng nên không có việc làm thì phá rừng, phá gỗ, lâm tặc lợi dụng đó để phá rừng.
Như vậy có thể nói, ngoài 26m3 gỗ đã được Đội Kiểm lâm cơ động số 1 phát hiện đưa ra khỏi rừng, đến nay vẫn còn 96m3 gỗ do BQL Rừng phòng hộ Sông Tranh phát hiện, kiểm kê nhưng vẫn còn nằm trong rừng. Được biết, BQL Rừng phòng hộ Sông Tranh được thành lập từ năm 2005 trên cơ sở tách một bộ phận của Lâm trường Trà My. Diện tích rừng được giao trước năm 2002 là 36.043 ha, bao gồm toàn bộ các xã Trà Giác, Trà Bui (H. Bắc Trà My, Quảng Nam) và một phần xã Trà Leng (H. Nam Trà My, Quảng Nam).
Để tìm hiểu thêm về vụ việc trên, sáng 25-9, nhiều P.V của các cơ quan báo chí đóng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã liên hệ với lãnh đạo Sở NN&PTNT Quảng Nam để làm việc, nhưng các lãnh đạo Sở người thì nói chưa nắm được thông tin, người không nghe máy…
Bão Bình