Gần 20 năm làm hồ sơ xác nhận người có công

Thứ hai, 19/10/2015 09:29

Trao nhầm Bằng Ghi công

(Cadn.com.vn) - Trao đổi với P.V Báo Công an TP Đà Nẵng, ông Nguyễn Xuân Công (1937, trú P. 12, Q. Tân Bình, TP HCM; hiện tạm trú xã Tiên Thọ, H. Tiên Phước, Quảng Nam) cho biết: Năm 1998, ông nhận được Huy chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhì và Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam trao cho người có công trong kháng chiến chống Mỹ. Điều đáng nói, trước đó, ông Công chưa hề nộp hồ sơ xét khen thưởng ở bất cứ đâu.

Về việc này, ông Nguyễn Đình Tăng, Phó trưởng Ban Thi đua- Khen thưởng (TĐ-KT) tỉnh Quảng Nam, cho hay: Sau khi đất nước  thống nhất, ông Nguyễn Xuân Công từ TP HCM về quê tại xã Tiên Thọ ở (tạm trú). Tại đây, UBND xã Tiên Thọ đã cấp nhầm cho ông Công huy chương và bằng khen của ông Nguyễn Xuân Công (1940, trú cùng xã). Theo đó, ông Nguyễn Xuân Công (1940) có quá trình tham gia kháng chiến từ tháng 3-1971 đến 30-4-1975 tại địa phương; còn ông Nguyễn Xuân Công (1937) vào TPHCM lập nghiệp và đã tham gia kháng chiến chống Mỹ trên địa bàn TP HCM. Do trùng họ tên nên mới xảy ra việc cấp nhầm huy chương và bằng khen giữa 2 trường hợp nói trên. Vì vậy, Ban TĐ-KT tỉnh Quảng Nam đã có giấy xác nhận nhầm lẫn giữa ông Nguyễn Xuân Công (1937) và ông Nguyễn Xuân Công (1940), đồng thời đã thu hồi huy chương và bằng khen đã trao nhầm cho ông Công (1937).

Sau lần “mừng hụt” trên, ông  Công (1937) tìm hiểu và được biết trường hợp của ông cũng thuộc diện được làm hồ sơ đề nghị xác nhận người có công trong kháng chiến chống Mỹ, ông đã làm hồ sơ đề nghị nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.

Qua xem xét, Ban TĐ-KT tỉnh Quảng Nam nhận thấy theo Hướng dẫn số 318/HC ngày 16-10-1982 của Viện Huân chương (nay là Ban TĐ-KT T.Ư) tại mục III, điều 2 quy định: Nhân dân và cán bộ đi khai hoang vùng kinh tế mới có thành tích kháng chiến chống Mỹ thì do địa phương nơi cư trú xét và đề nghị khen thưởng; địa phương, đơn vị cũ (nơi lập thành tích) chứng nhận theo thủ tục”. Trường hợp ông Nguyễn Xuân Công (1937) lập thành tích trong kháng chiến tại TP HCM nên năm 2010, Ban TĐ-KT tỉnh Quảng Nam có thông báo đề nghị UBND H. Tiên Phước xác nhận thời gian ông Công sống ở địa phương và chuyển hồ sơ của ông Công đến nơi thường trú (tức TP HCM) để đề nghị theo quy định.

Ông Nguyễn Xuân Công trình bày sự việc với P.V.

Cần sớm giải quyết cho người có công

Ông Nguyễn Xuân Công (1937) cho biết, trước năm 1962, ông vào Sài Gòn làm thuê và đến năm 1963 thì tham gia phong trào cách mạng bí mật tại P. Bình Tiên (Quận 6). Trong cuộc tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân, năm 1968, ông tích cực tham gia hoạt động cách mạng tại địa phương và bị chỉ điểm nên ông bị địch bắt nhốt để khai thác hơn 21 ngày nhưng ông vẫn trung kiên với cách mạng...

“Sau lần khen thưởng nhầm trên, tôi mới tiến hành làm hồ sơ xác nhận người có công. Qua nhiều khâu hướng dẫn kéo dài hàng chục năm, năm 2014 tôi đem hồ sơ đến Ban TĐ-KT TPHCM nhưng hiện vẫn chưa được giải quyết. Nay tuổi cao sức yếu, tôi chỉ mong các ngành chức năng xem xét, ghi nhận công lao tôi đã đóng góp cho cách mạng”, ông Công ngậm ngùi nói.

Giấy xác nhận của các tổ chức, cá nhân từ năm 1975 ghi nhận việc có công với cách mạng của ông Nguyễn Xuân Công.

Được biết, đến ngày 9-2-2015, Ban TĐ-KT TP HCM có Thông báo số 43/BTĐKT với nội dung: Để có đủ cơ sở trình hồ sơ xét khen thưởng thành tích kháng chiến cho ông Nguyễn Xuân Công (1937), Ban TĐ-KT đề nghị ông Công bổ sung đầy đủ hồ sơ đề nghị khen thưởng, hồ sơ gồm có: Bản khai thành tích tham gia kháng chiến; đơn đề nghị khen thưởng; xác nhận thành tích kháng chiến: Đối tượng xác nhận thành tích nếu là đảng viên phải photo lý lịch đảng viên. Cụ thể, trường hợp xác nhận thành tích kháng chiến cho ông là ông Trần Tấn Tâm, đảng viên đang sinh hoạt tại Chi bộ 2, Đảng bộ P.11, Quận 6. Bản photo lý lịch đảng viên của ông Tâm phải có xác nhận của cấp ủy nơi quản lý hồ sơ Đảng nhằm đối chiếu thời gian tham gia kháng chiến của ông có cùng địa bàn hoạt động, thời gian có phù hợp với lý lịch của người xác nhận thành tích hay không.

Theo tìm hiểu của P.V, từ năm 1975, ông Công đã có giấy xác nhận quá trình tham gia cách mạng do ông Trần Tấn Tâm là cán bộ thường trực Ban thông tin- văn hóa P. Bình Tiên xác nhận. Bên cạnh đó còn có xác nhận của Văn phòng quản trị Quận 10, trợ lý tổ chức Quận ủy quận 10 (TP HCM) với nội dung: “Anh Nguyễn Xuân Công là một quần chúng tích cực, cơ sở cách mạng của Chi bộ P. Bình Tiên... Từ năm 1963 đến nay, anh Công có góp công, góp sức với cách mạng (có giấy xác nhận của các đồng chí ở Quận 6)...”.

Như vậy có thể thấy, việc ông Nguyễn Xuân Công (1937) có tham gia phong trào cách mạng trong thời gian sống tại TP HCM là có thật nhưng hồ sơ đề nghị khen thưởng của ông chưa đầy đủ nên chưa được công nhận. Do đó, ông Nguyễn Xuân Công cần hoàn chỉnh những hồ sơ để Ban TĐ-KT TPHCM xem xét giải quyết. Qua đây cũng đề nghị các ngành chức năng và các cá nhân liên quan sớm tạo điều kiện giải quyết để ông Công được hưởng các chính sách của Đảng và Nhà nước theo đúng quy định.

B.Bình