Gần 440 tỷ đồng đầu tư tuyến ống thu gom nước thải đường Nguyễn Tất Thành

Thứ năm, 18/04/2019 12:15

Ngày 17-4, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ yêu cầu Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư cùng các đơn vị liên quan nhanh chóng hoàn thành thủ tục chuẩn bị đầu tư trình HĐND thông qua để sớm bắt tay triển khai dự án tuyến ống thu gom nước thải đường Nguyễn Tất Thành.

Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ yêu cầu các cơ quan liên quan nhanh chóng hoàn thành thủ tục chuẩn bị đầu tư dự án tuyến ống thu gom nước thải đường Nguyễn Tất Thành.

Hệ thống thoát nước bị... già cỗi

Theo ông Thái Ngọc Trung - Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP Đà Nẵng, trên đường Nguyễn Tất Thành tính từ đường 3-2 đến cầu Phú Lộc có tổng cộng 9 cửa xả. Nước thải sinh hoạt của lưu vực cửa xả này gồm lưu vực Đầm Rong, lưu vực cống liên phường Thuận Phước với tổng diện tích khoảng 466ha được thu gom bằng các tuyến ống tự chạy, các tuyến áp lực, các trạm bơm nâng dọc đường Nguyễn Tất Thành và các cấu trúc chuyển dòng đưa về trạm xử lý nước thải Phú Lộc.

Hiện nay cửa xả cuối đường Ông Ích Khiêm, cửa xả cuối đường Tôn Thất Đạm vẫn chưa được thu gom, nước thải tràn ra biển gây ô nhiễm môi trường biển. Ngoài ra, tuyến cống thu gom nước thải tự chảy DN800mm bằng vật liệu HDPE gân xoắn thuộc dự án thoát nước vệ sinh môi trường đã xuống cấp, nhiều đoạn ống bị hư hỏng khiến nước ngầm xâm nhập vào hệ thống, giảm khả năng thu gom, gia tăng lượng nước về trạm bơm, trạm xử lý nước thải gây lãng phí. Mặt khác, sau những trận mưa tại các cửa xả hình thành mương nước đi quanh bãi tắm gây mất mỹ quan, ô nhiễm môi trường. “Do vậy việc đầu tư xây dựng nâng cấp, cải tạo hệ thống thu gom nước thải trên đường Nguyễn Tất Thành để xử lý triệt để nước thải và hạn chế tối đa nước mưa tràn ra biển ở khu vực này là cấp thiết”, ông Trung cho hay. Trong khi đó, theo ông Nguyễn Văn Tĩnh – Chủ tịch UBND Q. Thanh Khê, sau nhiều cơn bão lớn, một số cống xả đã bị nước, rác, cát biển dội ngược vào bít mất, hiện không còn hoạt động.

Qua kiểm tra, Sở Xây dựng thống nhất chọn phương án đầu tư do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông phối hợp đơn vị tư vấn đề xuất. Theo phướng án này, với tổng kinh phí đầu tư gần 440 tỷ đồng, dự án sẽ xây dựng tuyến cống bao từ cửa xả Ông Ích Khiêm đến sông Phú Lộc với phương pháp thi công kết hợp đào mở và khoan kích ngầm. Cống bao này sẽ có chức năng thu gom nước thải của 9 cửa xả ra biển. Cạnh đó sẽ xây mới trạm bơm phía đông cầu Phú Lộc có công suất đáp ứng đến năm 2050, các tuyến cống hộp nối các cửa xả trong tuyến về cửa xả Lê Độ và sông Phú Lộc. “Hiện tại nước từ hồ Vĩnh Trung, hồ Thạc Gián chảy ra đang hòa chung với cống thoát đường Hải Phòng, Quang Trung, Ông Ích Khiêm, Lê Độ, gần như không được thu gom mà đổ thẳng ra cống chung. Hệ thống hiện tại gần như chỉ xử lý được lượng nước mưa đợt đầu và trong mùa khô. Phương án hiệu quả nhất là tăng tỷ lệ thu gom trong bối cảnh chưa thể xử lý nước thải từ các hộ gia đình”, đại diện đơn vị tư vấn cho biết.

Nước thải từ các khu dân cư dọc đường Nguyễn Tất Thành đổ ra biển gây ô nhiễm.

Nước thải tràn qua cống xả Tôn Thất Đạm tạo thành dòng nước đen chảy ra biển.

 

Tránh “vết xe đổ” khu vực phía Đông

Theo đại diện các cơ quan liên quan, việc đầu tư tuyến ống thu gom nước thải đường Nguyễn Tất Thành là hết sức cấp thiết trong bối cảnh mật độ dân cư, dân số trong khu vực gia tăng nhanh, cơ sở dịch vụ phát triển mạnh trong khi hệ thống thoát nước, xử lý nước thải đã già cỗi, nhiều vị trí tê liệt khi có mưa lớn kết hợp nước biển dâng cao. Tuy nhiên quá trình thực hiện không chỉ để xử lý những vấn đề trước mắt mà phải có tầm nhìn lâu dài. Tránh những hạn chế mà khu vực Q. Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn đang gặp phải do việc đầu tư ban đầu không tính toán được sự phát triển nhanh chóng của dân cư và hệ thống cơ sở dịch vụ.

Theo ông Lê Tùng Lâm – Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP Đà Nẵng, khi triển khai dự án cần cân nhắc về vị trí, số lượng cửa xả, đặc biệt là cửa xả Lê Độ nằm ở khu vực đông dân cư. “Cần phải rút kinh nghiệm từ Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn. Hệ thống cửa xả phải xử lý tốt công năng thoát nước nhưng cần phù hợp với cảnh quan đô thị và đảm bảo vấn đề môi trường”, ông Lâm cho biết. Trong khi đó, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Tô Văn Hùng thì đặc biệt quan tâm đến tầm nhìn, dự báo đối với những áp lực mà mặt tiền phía biển Nguyễn Tất Thành sẽ đối mặt trong tương lai gần. “Phải tính đến trường hợp khu vực này có thể hình thành vệt lấn biển trong tương lai. Thanh Khê cũng sẽ có thêm nhiều nhà cao tầng, khách sạn, dân số sẽ tăng kéo theo áp lực về nước thải sinh hoạt. Về lâu dài phải tính phương án thu gom riêng chứ không thể chung một hệ thống như bây giờ”, ông Hùng đề xuất.

Với những lợi thế so sánh được phân tích, ông Huỳnh Đức Thơ cho rằng phương án mà Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông phối hợp đơn vị tư vấn đề xuất là hợp với điều kiện hiện tại để xây dựng tuyến ống thu gom nước thải đường Nguyễn Tất Thành. Đơn vị tư vấn phải tính toán khoa học sức chứa của tuyến ống, hồ chứa lắng và trạm xử lý nước thải Phú Lộc trong điều kiện mưa lớn nhất. Khi có thủy triều dâng cao thì các cửa xả phải đóng van để bơm nước, ngăn không cho nước biển và cát chảy ngược vào; trong điều kiện mưa to thì phải đủ năng lực thu gom, xử lý đạt chuẩn trước khi thải ra theo hệ thống. Đặc biệt là phải nghiên cứu nâng cấp công suất, công nghệ của trạm xử lý nước thải Phú Lộc để tích hợp, đủ năng lực khớp nối với hệ thống thu gom của cả khu vực trong tương lai. “Phải bắt tay ngay chứ đừng để người dân chịu phiền hà lâu quá. Có xong được tuyến Nguyễn Tất Thành rồi cả hệ thống thoát nước phía Đông nữa thì mới ổn được. Khi đó tính tiếp đoạn từ Phú Lộc lên Liên Chiểu. Tính toán thì thế nhưng làm cho ra chuyện không phải ngày một ngày hai đâu. Cho nên phải bắt tay ngay từ bây giờ”, ông Thơ chỉ đạo và yêu cầu Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư cùng các đơn vị liên quan nhanh chóng nghiên cứu thủ tục chuẩn bị đầu tư trình HĐND cho ý kiến để sớm bắt tay triển khai dự án.

CÔNG KHANH