Gắn bó tình làng nghĩa xóm

Thứ hai, 15/01/2018 13:07

Từ năm 2005 đến nay, phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" (TDĐKXDĐSVH) ở H. Hòa Vang (TP Đà Nẵng) đã có tác động tích cực đến nhiều lĩnh vực đời sống xã hội. Phong trào đã thực sự phát huy tiềm năng và huy động sức mạnh tổng hợp của mọi người dân vào việc xây dựng địa phương ngày càng văn minh, sạch đẹp; làm khơi dậy truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, tạo nên mối quan hệ gắn bó cộng đồng ở các khu dân cư, cùng quan tâm giải quyết những vấn đề phát sinh trong cuộc sống; làm cho người dân ngày càng ý thức và tự giác trong việc đóng góp trách nhiệm, nghĩa vụ với Nhà nước ở địa phương, sẵn sàng san sẻ, trợ giúp các trường hợp khó khăn hoạn nạn trong cuộc sống. Năm 2017, Hòa Vang có 32.287/33.776 hộ đạt danh hiệu "Gia đình văn hóa", 103/119 thôn đạt "Thôn văn hóa", 82/87 cơ quan, đơn vị, trường học đạt danh hiệu "Cơ quan đạt chuẩn văn hóa", 10/11 xã đạt danh hiệu "Xã đạt chuẩn văn hóa NTM". Đồng thời, thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo, vận động giúp đỡ hộ nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững, vận động quỹ "Vì người nghèo" đạt 2,457 tỷ đồng. Từ nguồn quỹ này, cùng với sự hỗ trợ của TP và các cấp, các ngành đã vận động hỗ trợ, góp phần cùng với huyện giảm 1.100 hộ nghèo...

Cộng đồng người Cơ Tu H. Hòa Vang tổ chức lễ "Ăn thề kết nghĩa". 

Theo già làng Cơ Tu Trần Văn Phớt (thôn Tà Lang, xã Hòa Bắc): "Ở địa phương tôi, ngoài việc chăm lo phát triển kinh tế gia đình, các cán bộ thôn còn vận động bà con thực hiện tốt chương trình "TP 5 không, 3 có", "TP 4 an"; không tiếp tay cho lâm tặc phá rừng, không trông chờ, ỷ lại chính sách ưu đãi của Nhà nước; tuyên truyền động viên những thanh niên trong độ tuổi lao động tìm việc làm hữu ích, cải thiện đời sống gia đình...". Bên cạnh đó, hưởng ứng cuộc vận động xây dựng nông thôn mới (NTM), đô thị văn minh, các Hội đồng gia tộc (HĐGT) trên địa bàn huyện đều có những phương thức hoạt động tích cực tùy theo đặc điểm của tộc họ mình, tạo ra sự chuyển biến từ ngay trong tộc họ và góp phần xây dựng hiệu quả cuộc vận động. Tộc Đinh thôn Quá Giáng (xã Hòa Phước) duy trì biện pháp giáo dục con cháu theo hương ước của tộc họ; tộc Đỗ thôn Thái Lai (xã Hòa Nhơn) vận động con cháu đóng góp Quỹ khuyến học-khuyến tài, không để con cháu trong độ tuổi đến lớp bỏ học hoặc đề ra quy ước về việc hỗ trợ xóa đói giảm nghèo... Quả thật, văn hóa truyền thống trong sinh hoạt tộc họ có xu hướng phục hồi, nhiều giá trị cũ đang sống lại. Những giá trị tốt đẹp của văn hóa dòng tộc cần được bảo tồn và phát huy trong công cuộc xây dựng NTM. Một khi hoạt động của tộc họ văn hóa đi vào nền nếp sẽ góp phần loại bỏ dần các tệ nạn xã hội trong cộng đồng dân cư.

Hơn 20 năm qua, phong trào TDĐKXDĐSVH trên địa bàn H. Hòa Vang đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực. Nhiều loại hình văn hóa, mô hình văn hóa đặc trưng của các thôn, làng được nhân rộng và từng bước củng cố, hoàn thiện đã góp phần vào việc phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương, tạo ra một diện mạo NTM đầy tính nhân văn, sâu sắc... Nói về kinh nghiệm xây dựng, gìn giữ thôn văn hóa tiêu biểu nhiều năm liền, Trưởng ban công tác Mặt trận thôn Trà Kiểm (xã Hòa Phước) Nguyễn Xuân Đố cho biết: "Điều cốt yếu là phải phát huy dân chủ trong nhân dân gắn kết với việc thực hiện hiệu quả phong trào trên cơ sở "lấy sức dân xây dựng cuộc sống cho dân" đã được các hội đoàn thể, các tộc họ trong thôn cam kết thi đua, thực hiện. Mọi người dân đều nhận thức được rằng xây dựng thôn văn hóa bền vững sẽ làm cho kinh tế phát triển, đời sống vật chất tinh thần của người dân được nâng lên, tình làng nghĩa xóm thêm gắn bó. Trong đó, gia đình là tế bào xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt; làm người phải sống có đạo lý và chấp hành tốt pháp luật, góp phần vào sự phát triển giàu mạnh của quê hương, gìn giữ giá trị văn hóa cộng đồng".

VY HẬU