Gắn bó tình làng nghĩa xóm

Thứ bảy, 09/11/2019 20:00

Những ngày này, không khí chuẩn bị ngày hội Đại đoàn kết toàn dân (18-11-1930 – 18-11-2019) ở vùng nông thôn Hòa Vang (TP Đà Nẵng) đã rộn ràng khắp làng trên, xóm dưới.

Thông qua ngày hội đại đoàn kết, tình làng nghĩa xóm của người dân nông thôn ngày thêm gắn bó.

Ngày hội diễn ra hằng năm đã trở nên quen thuộc, đi vào nề nếp của người dân địa phương, bởi nó phù hợp và đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của bà con. Ngày hội không chỉ mang thêm đầm ấm, hòa thuận của tình làng nghĩa xóm mà còn là diễn đàn rộng rãi để mọi tầng lớp nhân dân các thôn cùng nhìn nhận lại những kết quả đạt được sau một năm phấn đấu và tìm ra những giải pháp để khắc phục khó khăn. Đây cũng là dịp để lãnh đạo Đảng, chính quyền địa phương, Mặt trận các cấp trực tiếp gặp gỡ, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, qua đó thắt chặt mối quan hệ với dân, tăng cường xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Tại thôn Bắc An (xã Hòa Tiến, H. Hòa Vang), theo Trưởng ban công tác Mặt trận thôn Nguyễn Thị Mực, đến ngày 17-11, thôn mới tổ chức nhưng từ cuối tháng 10, mỗi lần gặp bà ai ai cũng nhắc: “Sắp đến ngày hội rồi đó, cố gắng có bữa cơm “đoàn kết” toàn dân nghe, cần gì bà cứ gọi, bọn tui có mặt liền”… Ông Nguyễn Văn Trình - Bí thư chi bộ, Trưởng thôn cho biết thêm, trước đây nhiều người dân địa phương sống và làm việc xa quê thường chỉ về quê hương vào các dịp lễ, Tết Nguyên đán, còn bây giờ họ có thêm một ngày nữa để trở về. Đây là dịp những người dù là dân thường hay cán bộ có dịp tụ họp, mang theo tình cảm, trách nhiệm góp sức xây dựng cuộc sống cộng đồng ngày một tốt đẹp hơn. Tinh thần đoàn kết, tình cảm xóm làng nhờ vậy được gìn giữ và nhân lên. Để tổ chức thành công ngày hội cho gần 100 hộ dân tham gia, những người làm công tác Mặt trận, đoàn thể phải kiên trì, nêu cao tinh thần trách nhiệm trong quan hệ vận động và huy động sức dân…

Theo kế hoạch, mỗi thôn có chương trình ngày hội riêng nhưng vẫn đảm bảo 2 phần là phần lễ và phần hội với các hoạt động văn nghệ, các trò chơi dân gian; đồng thời đánh giá kết quả một năm thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, qua đó biểu dương những nhân tố tiêu biểu trong cộng đồng dân cư. Nói về kinh nghiệm xây dựng, gìn giữ “Thôn văn hóa” nhiều năm liền, Bí thư chi bộ thôn Bồ Bản (xã Hòa Phong, H. Hòa Vang) Trần Thị Duẫn chia sẻ: “Điều cốt yếu là phải phát huy dân chủ trong nhân dân trên cơ sở, “lấy sức dân xây dựng cuộc sống cho dân” đã được các hội đoàn thể, tộc họ và 630 hộ dân trong thôn cam kết thi đua, thực hiện. Mọi người dân đều nhận thức được rằng xây dựng thôn văn hóa bền vững sẽ làm cho kinh tế phát triển, đời sống vật chất tinh thần của người dân được nâng lên, tình làng nghĩa xóm thêm gắn bó. Thôn xóm yên vui, nhân dân yên tâm lao động sản xuất, giúp nhau phát triển kinh tế, góp phần xây dựng quê hương ngày thêm giàu đẹp”.

Có một thực tế là xã hội càng phát triển theo hướng hiện đại thì các giá trị văn hóa càng có nguy cơ khó bảo tồn. Một khi cộng đồng không còn giữ được tình nghĩa xóm làng, gia đình không còn giữ được các chuẩn mực và giá trị truyền thống thì thuần phong mỹ tục, luân thường đạo lý sẽ bị chà đạp. Cho nên, nếu xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư mà không phát huy được vai trò chủ thể của người dân để giữ gìn giá trị văn hóa thì chẳng khác nào như “muối bỏ biển”. Bên cạnh đó, thông qua ngày hội, các thôn cũng có kế hoạch tiếp tục vận động nhân dân đóng góp công sức cùng với chính quyền địa phương gìn giữ bền vững các tiêu chí nông thôn mới, thực hiện tốt cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” do Mặt trận các cấp phát động từ năm 2016.

VY HẬU