Gắn bó với nhân dân

Thứ tư, 06/05/2015 09:00

(Cadn.com.vn) - Theo tinh thần tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, năm 2015 với chủ đề "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về trung thực, trách nhiệm; gắn bó với nhân dân; đoàn kết, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh", ở phạm vi bài viết này tôi xin được trao đổi chung quanh vấn đề gắn bó với nhân dân.

Gắn bó với nhân dân có nghĩa là dành nhiều sự lo toan hơn đối với nhân dân; nối kết bền chặt sâu sắc với nhân dân hơn nữa. Từ cách hiểu này chúng ta thấy vấn đề gắn bó với nhân dân là đối kháng với thái độ quan liêu, hách dịch, xa rời quần chúng, điều mà chúng ta đang ra sức đẩy đuổi khỏi tư tưởng và hành vi của đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức (CCVC) bằng hàng loạt các văn bản quy phạm pháp luật, chỉ thị, thông tư, nghị định...

Tư tưởng Hồ Chí Minh về gắn bó với nhân dân bắt nguồn từ cơ sở kế thừa truyền thống dân tộc, từ những tình cảm tự nhiên, phép ứng xử và theo nhãn quan chính trị uyên bác của Người. Trong bài báo mang tên Dân vận, Bác Hồ viết cho báo Sự thật Cơ quan ngôn luận của Đảng thời bấy giờ) đăng ngày 15- 10-1949, khi xác định nước ta là nước dân chủ, Người chỉ rõ: "Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân", điều đó cho thấy Hồ Chí Minh với tầm nhìn xa trông rộng đã cảm nhận rất đầy đủ và sâu sắc về vai trò to lớn của nhân dân, do vậy "tất cả cán bộ chính quyền, tất cả cán bộ đoàn thể và tất cả hội viên của các tổ chức nhân dân... đều phải phụ trách dân vận" và Người căn dặn "những người phụ trách dân vận cần phải óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm...". Nhận thức đúng đắn những quan điểm tư tưởng của Hồ Chí Minh về những vấn đề trên và gắng sức thực hiện cho bằng được; có hiệu quả tốt nhất, chính là những nội hàm của sự gắn bó với nhân dân.

Khi nói về chính quyền nhân dân, Hồ Chí Minh chỉ rõ: "Nếu không có nhân dân thì Chính phủ không đủ lực lượng. Nếu không có Chính phủ, thì nhân dân không ai dẫn đường. Vậy nên Chính phủ với nhân dân phải đoàn kết thành một khối. Ngày nay, chúng ta đã xây dựng nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nhưng nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có ý nghĩa gì" (1). Thực tiễn cách mạng nước ta cho thấy quan điểm gắn bó với nhân dân đã được Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt ra và chú trọng thực hiện trong suốt quá trình hoạt động lãnh đạo của mình, theo đó đã khoan thư được sức dân phục vụ cho sự nghiệp đấu tranh chống ngoại xâm, giải phóng dân tộc, giành lại độc lập tự do cho Tổ quốc, hạnh phúc cho nhân dân. Ở các thời kỳ chống quân xâm lược vấn đề gắn bó với nhân dân được thể hiện rõ nét qua công tác vận động quần chúng tham gia vào lực lượng cách mạng đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, tạo ra những "sản phẩm chính trị" vô giá, đó là "thế trận lòng dân", là sự chở che đùm bọc của nhân dân, là sản phẩm của các phong trào thi đua sản xuất và tòng quân giết giặc "thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người", là sản phẩm sinh ra từ tấm lòng dân đối với công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc "xe chưa qua, nhà không tiếc".

Công bằng nhìn nhận, trong thời gian qua, việc gắn bó với nhân dân đã được đại đa số cán bộ, đảng viên, CCVC trong hệ thống chính trị chú tâm thực hiện, đội ngũ công bộc của dân xuất hiện ở nhiều nơi, nhiều cấp độ, được quần chúng nhân dân tin yêu mến phục, nhất là những tấm gương quên mình hy sinh vì sự nghiệp cách mạng trong thời kỳ mới, vì sự bình yên của nhân dân. Tháng 12-2011, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh và Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật xuất bản cuốn sách "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh suốt đời phấn đấu cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, làm người công bộc tận tụy, trung thành của nhân dân, đời tư trong sáng, cuộc sống riêng giản dị ". Đây là tài liệu sinh hoạt chi bộ, đoàn thể và tại các cơ quan, đơn vị năm 2011-2012, qua nghiên cứu, học tập chuyên đề này cho thấy hiệu ứng rõ nét trong các phong trào thi đua yêu nước xã hội chủ nghĩa, nhiều gương điển hình đã được tôn vinh, khen thưởng trong các hội nghị sơ kết, tổng kết thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW, ngày 14-5-2011 của Bộ Chính trị (khóa XI) về việc tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, đã khẳng định quan điểm đúng đắn của Đảng ta khi chi đạo chặt chẽ, thường xuyên, sâu sát việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác.

Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, CCVC trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao đã thiếu tu dưỡng, rèn luyện, do đó gây sự phiền hà, hách dịch, vô cảm, nhũng nhiễu, vòi vĩnh nhân dân, làm cho nhân dân bức xúc, đây là nguyên nhân chủ yếu trong nhiều nguyên nhân gây nên tình trạng khiếu nại, tố cáo của nhân dân ở nhiều cấp, nhiều ngành. Tóm lại, đây là một bộ phận luôn cho mình là "quan cách mạng", họ không nắm vững quan điểm tư tưởng đạo đức của Hồ Chí Minh trong vấn đề quan hệ giữa dân với Đảng, đó là: Dân là chủ và dân làm chủ thì Đảng, Chính phủ, cán bộ, đảng viên là đầy tớ và làm đầy tớ cho dân. Đầy tớ là công bộc của dân, với nội hàm là vì lợi ích chung mà gánh vác việc dân, trung thành và tận tâm, tận lực phục vụ nhân dân họ phải như những người lính vâng lệnh quốc dân mà thi hành nhiệm vụ, thay mặt dân để ra quyết định toàn tâm, toàn ý phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân. Để thực sự gắn bó với nhân dân, Người yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên, CCVC phải:  "Nhận rõ phải trái. Giữ vững lập trường. Tận trung với nước. Tận hiếu với dân: Mọi việc thành hay bại, chủ chốt là do cán bộ có thấm nhuần đạo đức cách mạng, hay là không" (2). Thế nhưng, không ít cán bộ, đảng viên, CCVC bất chấp cả pháp lý và cả đạo lý để làm những điều xằng bậy, vi phạm pháp luật, phạm vào những điều đảng viên không được làm, những điều CCVC không được làm.

Gắn bó với nhân dân là một trong ba nội hàm của chủ đề năm 2015 về Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, đây vừa là yêu cầu, vừa là mục tiêu phấn đấu của cán bộ, đảng viên, CCVC, cũng chính là sự nhắc nhở cho đội ngũ công bộc phải thường xuyên hơn nữa, mật thiết hơn nữa trong quan hệ với  nhân dân, khi sự suy thoái về đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên đang diễn biến phức tạp, chậm được khắc phục những mặt hạn chế, yếu kém theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay".

Tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh suốt đời gắn bó với nhân dân là một mẫu mực có tính triết lý, tính khoa học và tính nhân văn cao cả. Ở từng vị trí, góc độ xã hội phân công khác nhau, mỗi người trong chúng ta ai cũng có thể học tập và làm theo tấm gương của Người. Và làm tốt được điều này, đồng nghĩa với việc mỗi chúng ta góp thêm một "viên gạch" để xây đắp, củng cố vững chắc cho "thế trận lòng dân", để gìn giữ mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân ngày càng bền chặt.

Trong khi các thế lực thù địch trong và ngoài nước đang câu kết chống phá quyết liệt cách mạng nước ta, kể cả xúc phạm đến lãnh tụ Hồ Chí Minh, anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới, thì việc học tập và làm theo Bác về suốt đời gắn bó với nhân dân, như là một sự tuyên chiến của cán bộ, đảng viên và CCVC trong toàn bộ hệ thống chính trị hiện nay trước các thế lực thù địch nhằm bảo vệ uy tín của Đảng, Nhà nước và Bác Hồ vĩ đại.

Mai Mộng Tưởng

(l) Hồ Chí Minh toàn tập, NXBCTQG, Hà Nội 1995, tập 4, trang 56

(2) sđd, NXBCTQG - Sự thật. Hà Nội 2011, tập 5, trang 501