Gắn kết tình làng, nghĩa xóm
(Cadn.com.vn) - Sáng 6-11, không khí ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc của 15 thôn trên địa bàn xã Hòa Nhơn (H. Hòa Vang, Đà Nẵng) lan tỏa khắp làng trên, xóm dưới. Đây là địa phương đầu tiên trên địa bàn huyện tổ chức ngày hội mang nhiều ý nghĩa thiết thực và sâu sắc, là “chất keo” vững chắc gắn kết tình làng, nghĩa xóm, nhân lên sức mạnh tổng hợp để chung sức, chung lòng, chung tay thực hiện thành công các nhiệm vụ phát triển KT-XH, đảm bảo ANTT tại địa phương... Năm nay, niềm vui của người dân Hòa Nhơn như được nhân lên gấp bội khi xã đã hoàn thành 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới (NTM) vào cuối năm 2015. Ông Ngô Công - Bí thư chi bộ thôn Phước Hưng Nam cho biết: “Từ nhiều năm nay, ngày hội này đã trở nên quen thuộc, đi vào nề nếp của người dân nông thôn, bởi nó phù hợp và đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của bà con. Ngày hội không chỉ đem đến không khí đầm ấm, hòa thuận của tình làng nghĩa xóm mà còn là diễn đàn rộng rãi để mọi tầng lớp nhân dân phát huy dân chủ, xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết dân tộc ngay từ cơ sở; cùng nhìn nhận lại các kết quả đạt được sau một năm phấn đấu và tìm ra giải pháp khắc phục những tồn tại”.
Ngày hội Đại đoàn kết thôn Phú Hòa 1 (xã Hòa Nhơn) gắn kết tình làng, nghĩa xóm |
Theo kế hoạch, mỗi thôn có chương trình ngày hội riêng nhưng vẫn đảm bảo 2 phần là phần lễ và phần hội với các hoạt động văn nghệ, các trò chơi dân gian; đồng thời đánh giá kết quả một năm thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, qua đó biểu dương những gia đình văn hóa tiêu biểu để khơi dậy và phát huy truyền thống yêu nước, sức mạnh đoàn kết của cộng đồng dân cư... Có mặt tại thôn Phú Hòa 1, chúng tôi mới thấy hết được không khí náo nức nơi đây. Sáng sớm, người dân đã tụ tập về nhà văn hóa thôn, người thì trau chuốt lại các lều trại cho thêm phần tươm tất, người thì chuẩn bị tham gia phần hội. Tất cả tạo nên một không khí đầm ấm, phấn khởi, vui tươi. Ngày hội được các khu dân cư tổ chức trên tinh thần tiết kiệm, an toàn nhưng vẫn mang lại cho mọi tầng lớp nhân dân một ngày hội thật ý nghĩa, bổ ích. Được biết, 10 năm qua, ngoài việc triển khai lồng ghép các quy chế “Văn hóa giao tiếp”, đề án “Tuyên truyền giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình Việt Nam”; xã Hòa Nhơn còn ban hành “Quy ước về nếp sống văn hóa-văn minh (VH-VM)”, chỉ đạo 15 thôn trên địa bàn xây dựng “9 điều quy ước mẫu thực hiện nếp sống VH-VM”. Nhờ vậy, Đề án “Xây dựng nếp sống VH-VM đô thị” giai đoạn 2005-2015 ở địa phương đã lan tỏa trong toàn xã hội, các tầng lớp nhân dân hưởng ứng nhiệt tình, có hiệu quả và được TP tuyên dương, khen thưởng trong dịp tổng kết 15 năm PT “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Nếu như 5 năm trước, người dân địa phương tỏ ra ngán ngẩm với những con đường “nắng bụi, mưa lầy”, thì đến nay nhiều con đường kiệt hẻm, liên thôn, nội đồng đã được nâng cấp, mở rộng phục vụ nhu cầu đi lại, sản xuất. Qua chương trình xây dựng NTM, Hòa Nhơn đã bê-tông hóa hơn 20km đường giao thông nông thôn các loại, trong đó, ngoài việc hiến đất, mở đường, tham gia ngày công, người dân còn tự nguyện đóng góp hơn 6,3 tỷ đồng...
Có một thực tế là xã hội càng phát triển theo hướng hiện đại thì các giá trị văn hóa càng có nguy cơ khó bảo tồn. Một khi cộng đồng không còn giữ được tình làng nghĩa xóm, gia đình không còn giữ được các chuẩn mực và giá trị truyền thống thì thuần phong mỹ tục, luân thường đạo lý sẽ bị chà đạp. Cho nên, nếu xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư mà không phát huy được vai trò chủ thể của người dân để giữ gìn giá trị văn hóa thì chẳng khác nào như “muối bỏ biển”. Ông Trần Việt - Trưởng ban công tác Mặt trận thôn Phước Thuận đơn cử, cuối tháng 10, trời mưa nhiều sợ có lũ không tổ chức được ngày hội nên dân làng cũng lo. Mấy ngày nay thấy thời tiết thuận lợi hơn, bà con mỗi lần gặp ông là nhắc: “Sắp đến ngày hội rồi đó, cố gắng có bữa cơm “đoàn kết” toàn dân nghe, cần gì ông cứ gọi, bọn tui có mặt liền”... Và, ngày hội tình làng, nghĩa xóm ở xã Hòa Nhơn đã diễn ra như thế, trong sự mong mỏi và chờ đợi, hưởng ứng của toàn dân.
An Dương