Gắn phát triển du lịch sinh thái nông nghiệp với xây dựng nông thôn mới

Thứ bảy, 19/05/2018 10:12

Ngày 18-5, tại Hội An (Quảng Nam), Tổng cục Du lịch (Bộ VH-TT&DL), UBND tỉnh Quảng Nam phối hợp tổ chức hội thảo “Phát triển du lịch sinh thái bền vững gắn với nông nghiệp, nông thôn”.

Đại diện Vụ Lữ hành, Tổng cục Du lịch trình bày tham luận tại hội thảo.

Theo ông Nguyễn Quý Phương - Vụ trưởng Vụ Lữ hành, Tổng cục Du lịch, du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp, nông dân, nông thôn là 1 trong 5 dòng sản phẩm chủ đạo trong định hướng chiến lược phát triển du lịch Việt Nam. Bên cạnh hoạt động nông nghiệp thuần túy, việc người nông dân trực tiếp tham gia các hoạt động du lịch sinh thái nông nghiệp (DLSTNN) đã tạo nên sự phong phú, hấp dẫn cho các sản phẩm du lịch, đồng thời đem lại thu nhập cao hơn cho bà con nông dân. DLSTNN được coi là một phương thức xóa đói giảm nghèo đặc biệt tại những cộng đồng khó khăn, tạo thêm nguồn sinh kế, việc làm ổn định, cải thiện đời sống của nông dân, giúp người dân gắn bó với quê hương.

Đối với địa bàn Quảng Nam, các hoạt động DLSTNN đón hàng chục nghìn lượt khách mỗi năm, góp phần đưa thu nhập du lịch của tỉnh đạt 9.200 tỷ đồng. Tuy nhiên, đánh giá về các sản phẩm du lịch có giá trị gia tăng cao, gắn với đặc điểm nông nghiệp đa dạng của địa phương, ông Lê Trí Thanh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, thẳng thắn: “Dù có lợi thế lớn về du lịch nhưng Quảng Nam chưa khai thác hết tiềm năng thế mạnh của địa phương, chưa tạo thêm nhiều sản phẩm du lịch mới hấp dẫn. Do đó, xu hướng kết hợp giữa du lịch với nông nghiệp chắc chắn sẽ cộng hưởng để tạo ra những sản phẩm độc đáo mới, làm thay đổi nhận thức và tăng thu nhập cho người dân nông thôn. Kết tinh của những sản phẩm DLSTNN là giá trị về lịch sử - văn hóa - thiên nhiên đặc thù đa dạng của mỗi miền quê xứ Quảng”.

Tại buổi hội thảo, đại diện các Sở VH-TT&DL cùng nhiều doanh nghiệp du lịch đã giới thiệu nhiều sản phẩm DLSTNN hấp dẫn, như: Tour một ngày làm nông dân ở làng rau Trà Quế (Hội An), tour du lịch miệt vườn sông nước Cửu Long, tour thưởng ngoạn mộng bậc thang mùa lúa chín ở Mù Cang Chải, Sa Pa, Pù Luông, Mai Châu... Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực, nhiều sản phẩm DLSTNN hiện nay chưa đạt yêu cầu. Nhiều “khu du lịch sinh thái” dịch vụ nghèo nàn, chất lượng thấp, mới đáp ứng nhu cầu của du khách ở mức đơn giản. Cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất phụ trợ tại nhiều điểm DLSTNN chưa được đầu tư hoàn chỉnh, chất lượng chưa cao.

Để góp phần khắc phục những điểm yếu trên, đại diện Sở VH-TT&DL Đà Nẵng, Quảng Nam, Lâm Đồng... đã chia sẻ những định hướng, quy hoạch phát triển DLNN có sự kết hợp chặt chẽ với DLST, cộng đồng, làng nghề để tạo nên sản phẩm khác biệt; lồng ghép DLSTNN trong quy hoạch quốc gia, vùng, địa phương và các chính sách hỗ trợ, khuyến khích người dân địa phương phát triển mô hình DLSTNN, canh nông... Trong khi đó, đại diện các công ty du lịch cũng chia sẻ kinh nghiệm phát triển sản phẩm DLSTNN, gợi mở hướng khai thác tiềm năng, tạo ra sản phẩm du lịch đặc sắc của từng địa phương. Ngoài ra, các đại biểu cũng nêu những đề xuất, kiến nghị góp phần tháo gỡ những “nút thắt” của DLSTNN Việt Nam, thảo luận về những định hướng phát triển DLSTNN trong giai đoạn tới. Trong đó nhấn mạnh vai trò phối hợp liên ngành nông nghiệp - du lịch, cần phối hợp triển khai xây dựng chương trình chung về phát triển DLST gắn với xây dựng nông thôn mới; xây dựng bản đồ du lịch nông nghiệp; đẩy mạnh sự liên kết chặt chẽ giữa các bên trong mô hình phát triển DLSTNN (nông dân, doanh nghiệp lữ hành, địa phương, cơ quan quản lý du lịch, nông nghiệp...).

Để phát huy tốt tiềm năng DLSTNN, ông Nguyễn Văn Tuấn - Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, khẳng định: “Ngành du lịch và nông nghiệp cần có sự hợp tác chặt chẽ hơn, đồng thời biết dựa trên những giá trị khác biệt và nổi bật của nông nghiệp để tạo ra các sản phẩm du lịch gắn với nông nghiệp mang tính đặc thù và hấp dẫn. Để từ đó khai thác tối đa những đặc trưng ưu việt của nền nông nghiệp kết hợp với giá trị văn hóa bản sắc của từng vùng miền, góp phần đưa DLSTNN phát triển đột phá, hiệu quả...”.

QUANG PHÚC