Gạo quê hương nhớ

Thứ năm, 23/06/2022 22:58
Trong 14 tác phẩm đạt Giải C cuộc thi sáng tác văn học - nghệ thuật với chủ đề Quảng Trị - 50 năm xây dựng, đổi mới và phát triển được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng tỉnh Quảng Trị (1-5-1972 - 1-5-2022), tập bút ký Gạo quê thương nhớ của nhà báo Đào Tâm Thanh là tác phẩm thuộc chuyên ngành Văn học. Tập sách gồm 29 bút ký mà theo chính tác giả là đậm chất văn, chất đời nhất đã có nhiều sự phản hồi tích cực từ các bạn văn khó tính được tập hợp lại, in thành sách.
Nhà báo Đào Tâm Thanh Ảnh: BỘI NHIÊN
Tập bút ký “Gạo quê thương nhớ”

Tập bút ký Gạo quê thương nhớ cho thấy nhà báo Đào Tâm Thanh đã sáng tạo không ngừng bằng những hành trình “nghề báo nghiệp văn” phong phú trên nhiều miền quê thương mến của tỉnh nhà. Đồng thời, tập sách này ghi dấu ấn với bạn đọc bằng văn phong đa dạng của nhà báo Đào Tâm Thanh trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, văn nghệ. Và, như tên của cuốn sách, phần lớn các tác phẩm báo chí trong tập này là những bút ký về đồng lúa, hạt gạo trên quê nhà Quảng Trị trong 50 năm xây dựng, đổi mới và phát triển vừa qua.

Những trang bút ký Đất đang xanh một màu xanh Quảng Trị, Cơm trắng mỗi ngày, Gạo quê thương nhớ, Gạo đây, từ Triệu Phong!, Giấc mơ hoàn nguyên cho đất,… mở ra trong tầm cảm thụ của bạn đọc những đồng quê lúa chín vàng nơi Triệu Phong, Hải Lăng và vun bồi niềm thương kính hạt gạo trên mảnh đất bị chiến tranh tàn phá đến 200% “vậy mà bây giờ, cuộc sống còn an hòa và trù mật hơn cả miền trung du cực Bắc”; nơi một nhà văn từng miêu tả “không một bóng tre, không nhà dân, không tìm ra một vũng ao nhỏ còn đọng nước; nhìn khắp nơi chỉ thấy cuồn cuộn những luống đất vừa cày vỡ, chấp chới những đợt nắng nóng dữ dội đi kèm với cơn khát cháy bỏng” sau ngày giải phóng đến lúc được khỏa lấp bởi màu xanh ấm no, an hòa, màu xanh của tương lai đẹp giàu làm nhà thơ Tế Hanh đã thốt lên “Trời vẫn xanh một màu xanh Quảng Trị”.

Để trả lời những câu hỏi về những điều đã làm nên màu xanh ấm no, giàu đẹp, an hòa và trù mật trên khắp Quảng Trị, tập bút ký Gạo quê thương nhớ tràn ngập những trang viết đầy thao thức và tự hào: “Người và đất quê tôi đã phải đi trọn hơn một phần tư thế kỷ, đổ ra không biết bao nhiêu mồ hôi, công sức, máu xương, can trường và bền bỉ hết thế hệ này đến thế hệ khác để làm cho đất đai trở về vẹn nguyên sự tơi xốp, lành lặn, mỡ màu; cho cuộc sống hồi sinh và giàu có, thịnh vượng từ đất…”; “Trên đồng đất Quảng Trị, tự cây lúa thôi cũng đã nói lên sức vươn của đất và người Quảng Trị trên hành trình xây dựng lại quê hương từ trong muôn vàn gian khó, như câu thơ hào sảng mà đọc lên, tưởng như nhà thơ Huy Cận viết để riêng tặng quê hương Quảng Trị thương mến của tôi thôi: Trời mỗi ngày lại sáng/ Như cơm trắng mỗi ngày” (Cơm trắng mỗi ngày).

Với tâm thái của một người mà “thuở bé con, tôi đã từng nằm trên chót vót cây rơm mới để hít thở đến tận cùng gan ruột mùi lúa thơm đôn hậu, mùi cơm mới tinh khôi”, nhà báo Đào Tâm Thanh viết về các sản vật của Quảng Trị, khẳng định nem chợ Sãi nức tiếng bấy lâu là đặc sản tổng hòa của sản phẩm từ chăn nuôi với trồng trọt, từ những viên thịt xay xâu vào que tre, nướng trên than hồng, đến độ mềm tươi, săn giòn kẹp vào lớp bánh đa mỏng như giấy lụa làm từ bột gạo vùng đất lúa Triệu Phong có mối liên quan với chính sách khuyến khích muôn dân chăm nghề trồng lúa, chăn nuôi dọc triền sông Thạch Hãn của Sãi Vương Nguyễn Phúc Nguyên vài trăm năm trước. Tương tự, “Bánh ướt Phương Lang/ cháo bột Kẻ Diên/ canh ám làng Lam/ mắm đam Trà Trì…” cũng là những đặc sản ẩm thực có sự tinh túy trong miếng bánh trắng ngà, mềm, dai, thơm nức mùi gạo ngon của quê hương Hải Lăng, lát thịt ba chỉ của những lứa heo được ăn toàn cám gạo với cây chuối xắt nhỏ, cháo bột làm từ gạo của vùng trọng điểm lúa Hải Lăng nấu với cá lóc đồng. Thưởng thức bánh ướt Phương Lang với tương ớt pha nước mắm nguyên chất, ăn cháo bột Kẻ Diên với ớt dầm nước mắm và cọng nén tươi cắt nhỏ, thực khách cảm thấy rõ vị đậm đà rồi mồ hôi, nước mắt chực trào ra trên mặt hệt như người làm ra hạt lúa, có cực nhọc, cay đắng, ngọt ngào và hạnh phúc khiến bạn tri giao của nhà báo Đào Tâm Thanh “rưng rưng vì yêu thương Quảng Trị quê bạn ni đó!” (Gạo quê thương nhớ).

Nhà báo Đào Tâm Thanh Ảnh: BỘI NHIÊN

Hiểu rất rõ về người quê và có cảm xúc đặc biệt với làng quê Quảng Trị, nhà báo Đào Tâm Thanh viết rất nhiều bút ký về làng quê mà trong đó chất chứa biết bao ân tình với hạt gạo căng nức thân thuộc của quê nhà. Bởi theo nhà báo, “Qua bao gian khó, hạt gạo thấm bao mồ hôi, nước mắt của người nông dân trên đất nghèo Quảng Trị, được gieo trồng trên đất ruộng từng nhuộm thắm máu đào bao thế hệ cha anh ngã xuống vì cuộc sống thanh bình hôm nay đã được bạn bè khắp nơi lựa chọn, tin dùng” (Giấc mơ hoàn nguyên cho đất).

Cùng quê nhà luôn thao thức trong trái tim mình, nhà báo Đào Tâm Thanh đã đi đến thành công như “người quê tôi chân mộc, hiền hậu nhưng không bao giờ để tầm nhìn bị che khuất bởi bờ tre, khoảnh ruộng chật hẹp muôn trùng” với niềm tin “đất đai, ruộng đồng qua bao vật vã căng mình bởi sự can dự của hóa chất, tồn dư độc hại rồi cũng sẽ dần hoàn nguyên bởi sự dấn thân, nỗ lực và nuôi dưỡng khát vọng sống đẹp, sống tốt, chan hòa và nương tựa với thiên nhiên như những con người nặng lòng với nền nông nghiệp quê nhà hôm nay”.

BỘI NHIÊN