Gặp lại người lính đặc công Lam Sơn...

Thứ sáu, 08/07/2016 11:19

(Cadn.com.vn) - Biết tôi từ Quảng Nam ra, ông vui lắm. Cả buổi được chuyện trò cùng ông, được nghe ông kể về những năm tháng chiến đấu hào hùng trên mảnh đất Quảng Nam, ông nhắc nhiều đến những người chị, người mẹ đã dành cho họ biết bao tình cảm thân thương."Những người lính đặc công năm ấy bây giờ ai còn ai mất. Đó là một thời hào hùng trên mảnh đất Quảng Nam "Trung dũng kiên cường đi đầu diệt Mỹ"  kết nghĩa với Thanh Hóa". Đó là tâm sự của ông Lê Quang Phúc-người lính đặc công Lam Sơn ngày ấy...  

Họp mặt tuyền thống các cựu chiến binh Tiểu đoàn đặc công Lam Sơn.

Tôi gặp ông Lê Quang Phúc tại nhà riêng ở phố Cửa Hữu, TP Thanh Hóa trong những ngày công tác tại đây. Nơi trang trọng nhất trong ngôi nhà nhỏ được treo nhiều bằng khen về thành tích chiến đấu trong thời chiến cũng như thời bình. Ông bảo đó là tài sản quý giá nhất của cuộc đời mình... Sinh ra tại xã Thiệu Giao, H. Thiệu Sơn, một vùng bán sơn địa xứ Thanh. Năm 1965,  đang học cấp III trường huyện, cùng với bao thanh niên trong xã, ông Phúc tham gia lực lượng TNXP tình nguyện vào chiến trường miền Nam đầy bom đạn khốc liệt. Năm 1967, ông chuyển công tác vào Tiểu đoàn đặc công Lam Sơn- một đơn vị chủ yếu là con em tỉnh Thanh Hóa kết nghĩa và tăng cường chiến đấu trên mặt trận Quảng Đà. Năm 1969, ông bị thương nặng tại xã Điện Hồng (Điện Bàn) và được đưa ra Bắc điều trị tại Bệnh viện 103 Quân đội. Đất nước thống nhất, ông trở về với cuộc sống đời thường với tỷ lệ thương tật vĩnh viễn 65%. Sức khỏe suy giảm nhưng khắc ghi lời dạy của Bác: "Thương binh tàn nhưng không phế", ông  bắt đầu một cuộc chiến đấu mới. Năm 1985, ông về an dưỡng và đi học tại trường Bổ túc văn hóa Hải Hưng, nơi đào tạo văn hóa cho thương binh miền Nam. Sau đó, ông thi vào trường Đại học Y khoa Hà Nội và theo học chuyên khoa nội nhi, về công tác tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa. Năm 2002, ông tiếp tục học sau đại học chuyên khoa tim mạch, giữ chức vụ Trưởng khoa nội A đến năm 2008 thì về hưu...

Ông Lê Quang Phúc (người hàng trên, bên phải) trong ngày giải phóng Đà Nẵng 29-3-1975.

Nhắc đến Quảng Nam, mắt ông chợt sáng lên và hào hứng kể về những trận đánh oai hùng của Tiểu đoàn đặc công Lam Sơn. Ông thuộc vanh vách từng tên đất, tên làng mình đã đi qua như An Hòa, Đức Dục, Kiểm Lâm, Bồ Bồ..., những cứ điểm nóng bỏng giáp mặt với kẻ thù như Giao Thủy, Bình Long, Trảng Nhật, Phú Phong, Bảo An...; ông kể về những người dân, người mẹ xứ Quảng đã đùm bọc, chở che những người lính đặc công Lam Sơn. Mỗi người lính lúc bấy giờ đều thuộc lòng và quyết tâm chiến đấu theo những câu khẩu hiệu, phong trào như "Vì Quảng Nam ruột thịt, vì Quảng Nam kết nghĩa", "Giành danh hiệu chiến sĩ Điện Ngọc"... Đến giờ, ông vẫn còn nhớ như in câu nói thường trực của anh em Tiểu đoàn đặc công Lam Sơn ngày ấy, rằng "Dốc Quảng Nam, gan cộng sản" là hai cái nhất của đất và người xứ Quảng trong thời đánh Mỹ.

Tuy đã nghỉ hưu nhưng hằng ngày ông vẫn học, đọc, dịch và viết sách. Ông đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực sức khỏe người cao tuổi, thường xuyên được mời đi nói chuyện ở các Câu lạc bộ người cao tuổi trong tỉnh, tư vấn chương trình "Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi" trên đài truyền hình, dạy thính giảng ở các trường y tế... Nhà ông là  điểm gặp gỡ thường xuyên của những cựu binh Tiểu đoàn đặc công Lam Sơn. Họ đến để trò chuyện tâm tình, để ông kiểm tra sức khỏe... Ông còn là vận động viên bóng bàn cừ khôi của người khuyết tật tỉnh Thanh Hóa, đạt nhiều thành tích cao cấp tỉnh, cấp quốc gia. Ông bảo, những lần vào Đà Nẵng dự Hội nghị tim mạch toàn quốc, ông lại tranh thủ về thăm chiến trường xưa ở Quảng Nam nhưng tiếc là chưa đi được nhiều. Nơi đó, nhiều đồng đội ông quê Thanh Hóa,  Hải Dương, Hà Tây vẫn còn nằm lại. Mỗi năm, vào dịp kỷ niệm ngày TB-LS, đồng đội ông lại họp mặt truyền thống ôn lại một thời hào hùng. Nhắc đến đó, mắt ông nhòa lệ, giọng nghẹn ngào... Rồi ông hát thật say sưa "Đất Quảng Nam chưa mưa đà thấm, rượu Hồng Đào chưa nhấm đà say. Lời hát xưa sao nghe thắm đượm tình...", câu hát vang lên sôi nổi như cùng người lính đặc công Lam Sơn ngày nào đang hành quân về chiến trường Quảng Nam...

Thảo Nguyên