Gặp lại những người “lái đò” năm xưa

Thứ năm, 16/01/2014 09:39

(Cadn.com.vn) - Như một lời tri ân sâu sắc đến với thầy cô, nhân dịp Xuân Giáp Ngọ, Trường Đại học Sư phạm-Đại học Đà Nẵng vừa tổ chức buổi gặp mặt cán bộ viên chức nhà trường đã nghỉ hưu từ năm 1995 đến nay. Không ngại cái lạnh của thời tiết, hơn 100 cán bộ hưu trí của nhà trường có mặt đông đủ trong khán phòng nhà A2.

Không khí vui tươi, ấm áp của ngày gặp mặt hiện rõ trong từng cái bắt tay, cái ôm chặt và nụ cười hạnh phúc trên gương mặt của các thầy cô. Đặc biệt là khi họ được chứng kiến những đổi mới không ngừng từ những thành tựu mà lãnh đạo và cán bộ nhà trường đã gặt hái được trong năm học 2012-2013.

Thầy Hoàng Long Thắng chia sẻ: “Truyền thống họp mặt cuối năm cũ, đầu năm mới đã có từ ngày xưa khi trường còn mang tên Cao đẳng Sư phạm Quảng Nam-Đà Nẵng và vẫn được duy trì đến tận bây giờ. Ba năm trở lại đây, trường đã có bước phát triển vô cùng lớn mạnh trên mọi mặt : đào tạo, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế,...

Đội ngũ cán bộ của trường ngày càng được nâng cao về chuyên môn. Đó là niềm vui và niềm tự hào đối với mỗi cán bộ viên chức của trường”. Tại buổi gặp mặt,  nhiều góp ý cũng như băn khoăn đã được các thầy cô đưa ra nhằm xây dựng và đưa nhà trường đi lên phát triển mạnh mẽ.

Thầy Nguyễn Chính đề xuất: Tiến tới kỷ niệm 55 năm ngày thành lập trường, trường nên có đề tài cấp nhà nước hoặc hơn nữa là ở cấp nhà nước trọng điểm. Đồng thời, các cán bộ viên chức của trường cần tiếp tục đóng góp công sức để viết tiếp truyền thống Đại học Sư phạm.

Tay bắt mặt mừng ngày gặp lại.

Cô Đỗ Tự Tuyết là một trong 26 giảng viên đầu tiên của Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng khi mới thành lập (trước đây là Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Nam-Đà Nẵng), hiện công tác trong Ban Chấp hành Hội Giáo chức Đại học Sư phạm Đà Nẵng.

Cô xúc động khi gặp lại các đồng nghiệp cũ từng một thời gắn bó buồn vui với nghề dạy học. Trò chuyện với các giáo sinh trẻ chúng tôi, cô tâm sự: “Nhớ nhất là những năm sau giải phóng, cả cô trò ai nấy sống rất khổ cực. Mỗi người chỉ có 10 cân lương thực, mà chỉ có 7 cân gạo, còn 3 cân sắn, ngô. Thế mà cô trò vẫn vui. Nhớ những lúc rảnh rỗi, cùng nhau đi nhổ rau sam, rau má; kỷ niệm đi đắp đập Phú Ninh, những lần về thực tế vùng nông thôn.

Nhớ năm 1978, khi xảy ra cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam, cả cô cả trò cùng nhau ở lại giữ trường. Những đêm đó lạnh và ai cũng lo sợ cả”. Được biết, nhiều sinh viên cô dạy trước đó, bây giờ nhiều người thành đạt trong cuộc sống. Các sinh viên khóa 2 vẫn còn liên lạc với cô trong những dịp Tết hay ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11. Cô trò vẫn sống có tình, có nghĩa trước sau.

Khi chúng tôi hỏi cô có nhận xét gì về thế hệ sinh viên hiện nay so với các thế hệ sinh viên trước đó mà cô đã dạy, cô bảo: Mỗi thời một khác. Sinh viên thời trước không có điều kiện học tập tốt như bây giờ. Các bạn sinh viên hiện nay có nhiều điều kiện hơn nhưng nhìn chung học rộng thì nhiều mà học sâu thì ít.

Cô nhắn nhủ với thế hệ sinh viên chúng tôi cần nỗ lực trau dồi nhiều kiến thức cả trong nhà trường và ngoài thực tế để chuẩn bị hành trang vững vàng cho mình khi ra trường để có điều kiện truyền thụ tri thức cho các em học sinh. Mặc dù đã về hưu, nhưng cô vẫn tiếp tục đọc sách và nghiên cứu. Thời gian đầu khi nghỉ hưu, cô cũng có đi dạy ở một số trường rồi thôi hẳn do tuổi tác...

Thầy cô như những người lái đò miệt mài, ngày đêm truyền đạt kiến thức đến với tất cả các thế hệ học sinh. Buổi gặp mặt đã đọng lại nhiều tình cảm nồng ấm trong mỗi thầy cô giáo cũ, với cả chúng tôi, những thầy cô giáo trẻ tương lai.

Nguyễn Thị Mỹ Kim