Gặp lại những người một thời lầm lạc
(Cadn.com.vn) - Tôi đến tổ 15, thị trấn Lộc Thắng, huyện Bảo Lâm (Lâm Đồng) tìm gặp lại những người ở buôn JaRai đồng bào dân tộc Châu Mạ, sau 21 năm chui lủi trong rừng đã được trở về trong vòng tay yêu thương của buôn làng. K’Sờn từng là thiếu úy, toán trưởng toán FULRO cuối cùng lầm đường lạc lối cùng K’Ớs, K’Lảih, vợ K’Sờn là Ka Lòng và con gái K’Brin - 10 tuổi, con trai K’Ni Sơn hơn 3 tháng tuổi, được sinh ra trong cánh rừng Tà Lung, Đắc Lắc giờ đã trưởng thành. Ka Brin đã có chồng, K’Ni Sơn thì ngày ngày phụ giúp cha mẹ việc nương rẫy. Sau khi trở về họ còn có thêm một bé gái tên là Ka Ely Sapét năm nay đang học lớp 9... Với tay cời thêm lửa, K’Sơn nói: “Cuộc sống bây giờ sướng hơn nhiều chứ. Ngày xưa ở trong rừng có biết gì đâu, toàn ăn rau với củ mài, củ chụp”. Ka Lòng ngồi bên cạnh góp thêm: “Về rồi mấy đứa nhỏ được đi học. Con bé Ka Brin học được lắm nhưng thấy cha mẹ cực khổ nên nghỉ học để làm phụ. Còn bé Ka Eli Sapet học lớp 9 rồi, nó cũng học giỏi”...
Nhóm FULRO cuối cùng khi vừa trở về (Từ trái qua: K’Laih, K’Sờn, vợ con K’Sờn, K’Ớs). |
Vào đầu năm 1998, khi nhận được thông tin có một nhóm người sống trong rừng sâu, cứ thấy người là bỏ chạy, CAH Bảo Lâm xác định nhóm người đó là những người theo FULRO và do K’Sờn làm nhóm trưởng. Ngay sau đó, hàng loạt kế hoạch vận động được lực lượng CA đưa ra. Những ai am hiểu cuộc sống của những người lầm đường lạc lối được phân công vào rừng tìm cách tiếp cận nhóm người này. Và phải đến gần cuối tháng 4-1998 họ mới tiếp cận được nhóm của K’Sờn. Gặp nhau, những người đi tìm thì vui mừng, còn những người bị phát hiện thì run sợ. Cầm trên tay lá thư kêu gọi trở về có chữ ký của đồng chí Trưởng CAH Bảo Lâm với con dấu đỏ họ mới vững tin phần nào. Một cuộc đón tiếp ngay tại cửa rừng đã diễn ra. 6 con người rách rưới, tiều tụy đến khi đó mới hiểu ra, đã lâu lắm rồi họ cứ tưởng chính quyền đang tìm cách bắt họ mà đâu biết rằng buôn làng đang mong họ về từng ngày.
Ngay sau khi trở về, họ được chính quyền cấp cho mỗi hộ 2ha đất để sản xuất. Đến năm 2002 được Nhà nước xây tặng nhà tình thương. Với diện tích đất được cấp, vợ chồng K’Sờn trồng 5.000 m2 chè, còn lại là cà-phê. Hội Nông dân cho vay vốn, cán bộ và bà con hướng dẫn kỹ thuật, nhờ vậy mà rẫy cà-phê và chè của K’Sờn cho năng suất cao. Thiếu tá K’Hải, Phó đội trưởng đội An ninh nhân dân CAH Bảo Lâm cho biết: “Năm 2008 vợ chồng K’Sờn thoát khỏi hộ nghèo nhưng không vì thế mà chúng tôi không quan tâm đến họ. Tết đến chúng tôi đều tham mưu cho chính quyền địa phương tổ chức tặng quà, thăm hỏi, động viên. Giờ thì cuộc sống của những người trong toán FULRO cuối cùng đã khá hơn rồi”.
Gia đình K’Sờn hiện nay. |
Lần trở về Bảo Lâm này tôi đã không may mắn vì K’Ớt đang đi làm rẫy xa, không thể gặp, còn K’Lải thì đang mang trọng bệnh. 17 năm sau ngày trở về, dù cuộc sống còn khó khăn, bệnh tật nhưng tất thảy họ đều vui vì đã kịp trở về với buôn làng. 21 năm lạc giữa rừng sâu, những con người lầm đường lạc lối được chính quyền và đồng bào tìm đưa về. Được Nhà nước và cộng đồng cưu mang tận tình giúp đỡ, họ yên tâm làm ăn và cố gắng vươn lên, cuộc sống ngày càng ấm no, sung túc.
Đức Huy