Gặp nguyên bản trong vở kịch “Hai ngàn ngày oan trái”

Thứ hai, 12/08/2013 12:48

* Bài 1: MANG ÁN GIẾT NGƯỜI

(Cadn.com.vn) - Đã 30 năm trôi qua, kể từ cái ngày nghe tòa tuyên 17 năm tù về tội “giết người” mà mình không hề gây ra, ông Nguyễn Sỹ Lý (1956, xã Nghĩa Bình, H. Nghĩa Đàn, Nghệ An) vẫn còn chờn chợn trong người. 5 năm ngồi tù oan khiến cho cuộc đời ông từ một giảng viên đại học khỏe mạnh trở thành tàn phế, gia cảnh trở nên khốn đốn. Và, chính nỗi oan khiên này, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ đã viết nên vở kịch “Trái tim trong trắng”, sau này được Nhà hát kịch Việt Nam dựng thành vở kịch “Hai ngàn ngày oan trái”.

CÁI TẾT ĐỊNH MỆNH

Miền tây xứ Nghệ, nắng Phủ Quỳ bỏng rát cả cỏ cây hoa lá. Thấy khách tới, ông Nguyễn Sỹ Lý “cà nhắc” ra cửa đón. Nhắc chuyện cũ, giọng ông vẫn run run: “Khi đó là để cứu cha và các anh em nên mình mới nhận tội. Oan ức vô cùng! Trong tù thì mình không bị hành hạ, nhưng ra tù vì nhiều uất ức nên càng sinh bệnh, rồi bị não và giờ là bán thân bất toại như thế này đây”.

Sinh ra ở xã Viên Thành, H.Yên Thành, nhưng lớn lên tại xã Nghĩa Xuân, H.Quỳ Hợp, năm 1975, sau khi tốt nghiệp THPT Quỳ Hợp, ông Lý thi đỗ vào trường Đại học Lâm Nghiệp. Năm 1980, ông tốt nghiệp và được bố trí vào dạy học tại Trường đại học Tây Nguyên, sau đó lập gia đình và có con gái đầu lòng. Tháng 11- 1982, ông được trường cử ra công tác tại huyện kinh tế Bộ Lâm nghiệp. Tết nguyên đán Quý Hợi đang đến gần, nhưng mãi đến ngày 28- 12- 1982 (AL) ông mới được nghỉ nên về qua nhà ăn tết cùng gia đình và vợ con. Và chuyện đau lòng xảy ra vào chính cái đêm định mệnh này.

Ông Nguyễn Sỹ Lý kể về câu chuyện của 30 năm qua.

Chiều 28 tết, ông Nguyễn Sỹ Huỳnh (bố đẻ ông Lý), qua nhà hàng xóm mượn chiếc nồi quân dụng về nấu bánh chưng. Tối đó, khi nồi bánh nấu xong, vớt ra giữa nhà, ông Huỳnh vội vàng mang nồi đi trả để về đoàn tụ, chung vui đón giao thừa cùng con cái. Một tay xách nồi, một tay dọi đèn pin soi đường, ánh sáng đèn pin vô tình lướt qua mặt 2 anh em Bùi Văn Vinh và Bùi Văn Lai (người cùng xã). Ông Huỳnh chưa kịp xin lỗi thì Lai vừa chửi tục vừa sấn tới đá bay chiếc đèn pin trên tay ông Huỳnh, rồi nhảy vào đánh.

Bị đánh đau, ông Huỳnh la hét cầu cứu. Nghe tiếng bố kêu, 4 anh em Lý, Nhật, Luân, Tính vội chạy ra. Thấy 4 anh em con ông Huỳnh, Lai và Vinh liền ném lại một quả lựu đạn rồi bỏ chạy, rất may không có ai bị thương. Mấy anh em đưa bố vào nhà. Về anh em Vinh và Lai, khi thấy anh em nhà ông Huỳnh ra đông, Vinh trốn vào bụi rậm, còn Lai nhằm đường cái chạy thẳng. Khi bố con ông Huỳnh bỏ vào nhà, lúc đó Vinh mới từ trong bụi chui ra, cố chạy theo cho kịp anh. Ai ngờ, trong đêm tối, Lai không nhận ra đó là em mình mà tưởng rằng anh em nhà ông Huỳnh đuổi để trả thù, Lai quay lại rút con dao phay (loại dao chọc tiết lợn) đâm thẳng vào ngực “đối phương”. Vinh chỉ kịp kêu lên “sao anh lại đâm em” rồi gục ngã. Nhận ra mình đã đâm nhầm em trai, Lai rút dao vứt vào bụi cây ven đường rồi ôm chầm lấy Vinh và kêu gào thảm thiết: “Ối làng nước ơi, cha con ông Huỳnh đâm chết em trai tôi rồi”.

NHẮM MẮT NHẬN TỘI BỪA VÌ THƯƠNG CHA VÀ EM

Việc Bùi Văn Vinh qua đời ngay sau đó, cha con ông Huỳnh không hề hay biết, nên 3 giờ sáng hôm sau, mọi người vẫn thức dậy làm thịt lợn để đón năm mới. Thế nhưng, trước cái chết của Bùi Văn Vinh, sáng hôm sau CAH Quỳ Hợp đã có mặt tại nhà ông Huỳnh. Chỉ nghe thông tin của Bùi Văn Lai về việc cha con ông Huỳnh dùng dao “hạ thủ” em trai mình, CQĐT CAH Quỳ Hợp lúc ấy đã tiến hành bắt tạm giam cả 5 cha con vì nghi can giết người. Cùng đó, con dao phay dính máu (là máu lợn) cũng được thu giữ. Và, khi so sánh con dao này với vết đâm trên ngực Vinh, CQĐT thấy trùng khớp (vì Lai cũng dùng con dao giống như thế để để đâm Vinh). Đó là ngày 7-1- 1983,

Là một giảng viên đại học, có trình độ, có nhận thức, Nguyễn Sỹ Lý không dễ gì nhận là mình giết người trong khi chính mình không hề gây ra. Tuy nhiên, vì thương cha, thương các anh em đang bị giam giữ oan trái, Lý nghĩ, thà mình nhận rồi một mình mình chịu, sau đó tìm công lý, còn hơn là để cả nhà phải ngồi tù oan. Lý nhắm mắt nhận tội... Ngay sau đó bố và các anh em vì thế được tha.

 Ngày 20- 9- 1983, TAND tỉnh Nghệ Tĩnh mở phiên tòa sơ thẩm xét xử Nguyễn Sỹ Lý mức án 17 năm tù giam về tội danh “giết người”. Lý vào tù, người cha già còm cõi ấy bao nhiêu lần mang đơn đi gõ cửa các cơ quan chức năng để kêu oan cho con, song hết năm này sang năm khác, vụ án vẫn “trơ gan cùng tuế nguyệt”.

Oan vẫn hoàn oan, Lý vẫn phải ngồi tù như một kẻ giết người thực sự. Và, ánh sáng công lý bắt đầu lóa lên từ trong ngục tối khi bạn tù của Lý là anh Cao Tiến Mùi hay còn gọi “cu Trực”, “đại ca gấu đen” vì hiểu rõ nỗi oan khiên của Lý nên đã hứa chắc nịch rằng: “Sau khi ra tù em sẽ tìm chứng cứ giải oan cho anh...”.

Sơn Tùng
(còn nữa)