Gặp nhà thơ Phạm Tiến Duật ở Đà Nẵng

Thứ hai, 04/12/2017 11:44

Thấm thoắt đã  tròn 10 năm ngày nhà thơ Phạm Tiến Duật  đi xa (ông mất ngày 4-12-2007). Phạm Tiến Duật là nhà thơ lớn, một "hiện tượng" thơ trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước. Ông được trao giải thưởng Nhà nước về VHNT năm 2001, giải thưởng Hồ Chí Minh về VHNT năm 2012, Huân chương lao động hạng nhì của Chủ tịch nước năm 2007... Sự nghiệp thơ của ông gắn liền với đường mòn Trường Sơn huyền thoại, góp phần không nhỏ làm nên chiến thắng 30-4-1975 của dân tộc ta...

Nhà thơ Phạm Tiến Duật

Ngày 1-5-2007, qua nhà thơ Lê Anh Dũng (Đà Nẵng) giới thiệu, tôi có dịp gặp gỡ, trò chuyện với nhà thơ Phạm Tiến Duật nhân dịp ông và nhà văn Nguyễn Khắc Trường, Phó Giám đốc Nhà Xuất bản Văn học vào Đà Nẵng làm giám khảo cuộc thi "Nữ bưu tá khu vực miền Trung". Trong buổi gặp gỡ tại khách sạn Công đoàn, tôi hỏi thăm anh về chị Vân (vợ anh) và các cháu... Anh nhìn tôi: "Sao em biết rõ vậy?". Tôi kể, năm 1978 đã có lần tôi và Lê Quang Vinh (lúc đó đang công tác tại Viện Triết học sau này là nhà thơ với bút danh Vĩnh Quang Lê công tác ở báo Nhân đạo và Đời sống) tới thăm anh tại khu tập thể ngõ Văn Chương. Ngày đó anh Duật là trung úy mới chuyển ngành về báo Văn Nghệ thuộc Hội Nhà văn. Anh kể đã gần năm nay chưa nhập được hộ khẩu Hà Nội nên chưa có chế độ lương thực, tem phiếu thực phẩm. Vợ anh vẫn dạy học ở Hà Tây chưa xin về Hà Nội được. Tôi gợi lại chuyện ngày đó anh mới đi dự lễ khởi công, động thổ xây dựng nhà máy nhiệt điện Phả Lại lớn nhất nước, chứng kiến nổ quả mìn hàng tấn thuốc, bạt cả quả đồi để đặt nền móng chính của nhà máy... Anh a lên một tiếng: "Mình nhớ rồi, hồi đó Vinh giới thiệu "thêm một thằng lính ở Trường Sơn làm thơ"! Đã lâu quá rồi mình quên mất, dạo ấy anh em mình còn  trẻ, lại nghèo quá... Nhà thơ Lê Anh Dũng lúc đó mới biết chúng tôi đã gặp nhau từ trước.

Lúc bấy giờ, nhà thơ Phạm Tiến Duật đang quyên góp và kêu gọi tài trợ Quỹ "Mãi mãi tuổi 20 " do anh làm chủ tịch. Hôm đó chúng tôi mời các anh cùng dạo thăm thành phố. Những năm đó Đà Nẵng đang từng ngày thay đổi, xây dựng nhiều công trình với  tốc độ phát triển trong tốp đầu của cả nước. Anh nói: "Tuy chưa vào Đà Nẵng nhưng hàng ngày theo dõi truyền hình, đài báo mình biết cả. Đà Nẵng có Bí thư Nguyễn Bá Thanh năng động, quyết đoán, sáng tạo..., đã góp công lớn làm thay đổi diện mạo thành phố". Tôi tranh thủ ghi tặng anh tập thơ mới xuất bản, anh vui vẻ bảo "tớ sẽ đọc và góp ý chi tiết, chân thành, tiếc rằng hôm qua đi vội quá nên quên mất chiếc kính, tý nữa mình phải đi mua kính để ngày mai còn làm việc nữa". Tôi định lên tiếng thì Lê Anh Dũng giục: "Hay anh Long đưa anh Duật đi mua kính! Thế là tôi chở anh Duật tới hiệu kính đường Hùng Vương. Tôi thầm nghĩ sẽ mua một chiếc kính thật tốt kỷ niệm anh sau bao năm gặp lại. Anh thử đi, thử lại, nhất định không mua loại kính đắt tiền. Anh bảo dùng tạm thôi, ở nhà có rồi. Tôi nói mãi, anh bảo không lãng phí được, mình còn mấy cái ở nhà... Cuối cùng anh tự chọn một chiếc kính lão với giá "bèo" nhất. Trên đường về, tôi  đưa anh đi quanh một số đường phố ở trung tâm Đà Nẵng. Anh khen dòng sông Hàn quá đẹp, thơ mộng... Tôi bảo Đà Nẵng còn nhiều phong cảnh đẹp như Bà Nà, Non Nước, Sơn Trà... Người Đà Nẵng chân chất, có bề dày lịch sử chống ngoại xâm. Tiếc rằng Đà Nẵng còn quá ít những tác phẩm văn học và âm nhạc xứng tầm... Mong đợt này có anh góp mặt. Anh cười: "Việc sáng tác khó lắm em ạ, viết "tầm tầm " thì dễ, viết "tinh" khó lắm! Anh sẽ cố xem sao". Trên đường đi anh kể: "Hồi chiến tranh nhiều lần đi qua miền Trung nhưng chưa một lần vào Đà Nẵng. Sau ngày giải phóng cũng chưa có dịp nào vào Đà Nẵng. Anh thường vào công tác ở TP Hồ Chí Minh, Nha Trang, riêng Đà Nẵng lần này mới tới. Anh thấy Đà Nẵng sạch, đẹp, không kẹt xe nhưng đang xây dựng nên còn ngổn ngang lắm... Tôi nói khoảng vài năm nữa với tốc độ xây dựng, phát triển như hiện nay Đà Nẵng sẽ gọn gàng thoáng đãng hơn. Anh hỏi tôi ở đây an ninh trật tự thế nào, tôi bảo tốt hơn nhiều, du khách vãng lai đến Đà Nẵng khen ngợi nhiều lắm.

Sau này tôi mới biết khi làm giám khảo ở khu vực phía nam, anh phát hiện ra bệnh hiểm nghèo phải về Hà Nội điều trị gấp...Vào một ngày cuối tháng 11-2007 tôi điện cho anh, chị Bình, bạn thân thiết của anh cầm máy báo tin anh mệt lắm, muốn gặp gỡ anh em...Vài ngày sau đang bàn giao công việc cơ quan, tôi  nhận được tin anh đã vĩnh viễn ra đi!...Không ngờ chuyến  công tác ấy là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng của anh tới TP Đà Nẵng.

Quốc Long