Gặp vị chỉ huy trận "Bạch đằng" lẫy lừng trên sông Hiếu

Thứ hai, 15/01/2018 10:01

Người được giao nhiệm vụ chỉ huy trực tiếp trận "Bạch đằng" trên sông Hiếu vào mùa xuân năm 1968 nay đã ở tuổi 82, thương binh ¾. Ông là Dương Tú Anh, sinh ra và lớn lên tại làng Đại Độ bên dòng sông Hiếu, nay thuộc k.p8, P.Đông Giang (TP Đông Hà, Quảng Trị). Năm 1964, trước khi trở lại miền Nam chiến đấu, ông là giảng viên Khoa Sinh - Hóa trường ĐH Sư phạm. Thời điểm tái hiện trận đánh "Bạch đằng"  khiến Mỹ - ngụy khiếp sợ, được xem là khởi đầu trong chuỗi chiến thắng Mậu thân năm 1968 tại Quảng Trị, ông Tú Anh là Huyện ủy viên liên huyện Gio - Cam (Cam Lộ - Gio Linh).

Ông Dương Tú Anh kể về trận đánh trên sông Hiếu mùa xuân 1968.

Ông Dương Tú Anh còn có tên là Hoàng Hữu Dương, sau ngày tập kết ra bắc đổi thành Dương Tú Anh. Hồi ức của ông đưa chúng tôi trở lại năm tháng sôi sục xuân Mậu thân 50 năm trước. Vào tháng 1-1968, Mỹ-ngụy tăng viện ra chiến trường Trị - Thiên 12 tiểu đoàn chiến đấu, nâng số quân lên 25 tiểu đoàn, cùng nhiều tiểu đoàn pháo, công binh, xe tăng, xe thiết giáp. 140 máy bay các loại chủ yếu máy bay lên thẳng. Lực lượng của chúng tập trung ở Quảng Trị, trong đó Đường 9 -Đông Hà thu hút 68% quân số. Mỹ -ngụy coi Cửa Việt- Đông Hà - Ái Tử là căn cứ hậu cần, là "dạ dày" quan trọng nhất và khai thác tuyến đường thủy Cửa Việt- Đông Hà. Theo đó, mọi vận chuyển của Mỹ-ngụy ra đường 9 - Quảng Trị và Hạ Lào - Nam Lào đều đi theo đường biển vào Cửa Việt, sau đó dùng tàu nhỏ chở lên Đông Hà hoặc cho xe cơ giới chở đi nơi khác. Khu vực Cửa Việt - Đông Hà được Mỹ - ngụy tập trung lực lượng bảo vệ vô cùng nghiêm ngặt.

Sau khi tiếp thu nghị quyết 14 của T.Ư Đảng, Nghị quyết quân sự Mặt trận B5 (Mặt trận Đường 9 - Bắc Quảng Trị)  thực hiện "Tấn công nổi dậy mùa xuân 1968", phối hợp chiến trường Khe Sanh - Đường 9, tấn công nổi dậy TP Huế, Mặt trận B5 và Thường vụ Liên huyện Gio Cam quyết định phát động chiến tranh nhân dân, phối kết hợp với lực lượng, cắt đứt tuyến giao thông của Mỹ - ngụy ở Bắc Quảng Trị, tái hiện trận "Bạch đằng" trên sông Hiếu. Tham gia gồm có nhân dân Cam Giang, Gio Mai, Gio Quang, cư dân vạn Ngã Ba, vạn Trọng Đức, bộ đội địa phương, trung đoàn 270 Đoàn 31, đơn vị 1A đặc công nước Lữ đoàn hải quân 126. Theo quyết định của Liên huyện ủy Gio Cam, ông Dương Tú Anh được giao nhiệm vụ trực tiếp chỉ huy. Một số cán bộ chủ chốt trực tiếp làm nhiệm vụ này còn có đồng chí Dũng, Phó bí thư Quảng Hà (Quảng Trị - Đông Hà); đồng chí Minh, Phó bí thư xã Gio Hà; đồng chí Toàn, phái viên quân sự.

"Bằng mọi giá cắt đứt đường sông Cửa Việt - Đông Hà càng dài ngày càng tốt, hợp đồng với chiến dịch Khe Sanh", ông Tú Anh nhớ lại nội dung bức điện quan trọng gửi Mặt trận B5. Sau khi nghiên cứu, ban chỉ đạo tác chiến quyết định chọn vị trí chắn sông và thả thủy lôi là khu vực Đại Độ, đoạn từ ngã ba Gia Độ đến Hói Sòng, cách cầu Đông Hà chừng 2km. Đây là địa bàn thuộc xã Cam Giang, là vùng an toàn của Mỹ-ngụy trực thuộc Quận Đông Hà. Vì thế, việc phải huy động được nhân dân xã Cam Giang và Vinh Quang Thượng (xã Gio Hà)  hơn 800 cọc tre và cọc dương, dài 6m không hề dễ dàng. Tất cả hành động đều phải bí mật. "Nếu địch đánh hơi được, nó hỏi thì dân trả lời thế nào? Chúng tôi gợi ý để bà con trả lời: Ban đêm Việt cộng về ra lệnh tất cả nhân dân kể cả gia đình binh lính, vợ con ngụy quyền phải chặt tre để rào làng chiến đấu giống như thời chống Pháp", ông Tú Anh nhớ lại. Quá trình bộ đội đặc công vận chuyển ngư lôi từ Bến Hải vào điểm tập kết đã gặp thương vong. Sự hy sinh máu xương của họ trước trận đánh càng thôi thúc đồng đội quyết tâm chiến đấu. Sau một thời gian, công tác chuẩn bị chiến cụ hoàn tất gồm gần 1.000 cọc tre, cọc dương dài 6m, vát nhọn 2 đầu; 2 tạ dây thép gai, 200 bó rào. Đồng chí Dũng, Phó bí thư Quảng Hà cũng đã huy động 20 thuyền và 40 du kích mật thực hiện nhiệm vụ. Họ là dân vạn chài trên sông Hiếu, sống giữa lòng địch, có kinh nghiệm cắm cọc dưới nước và vô cùng quả cảm...Ban chỉ đạo quyết định sẽ hành động vào 0 giờ ngày 28-2-1968, lúc thủy triều xuống. 

"Trận địa kéo dài 800m, có hai bãi cọc, giữa các bãi cọc bộ đội đặc công nước thả ngư lôi nam châm, mìn đánh tàu định giờ. Dưới dòng sông cạnh bãi cọc thả dây thép gai và bùng nhùng tự tạo", ông Tú Anh cho biết. Ban chỉ đạo cũng bố trí nhiều đơn vị phối hợp, hỗ trợ cho lực lượng triển khai trận địa. Khi thủy triều xuống, 40 du kích mật nhận lệnh chèo thuyền đưa chiến cụ ra sông. Trên đường di chuyển, gặp phải tàu tuần tiểu của Mỹ, lực lượng phải nép ẩn, dầm dưới nước lạnh buốt. Thế nhưng, khi địch đi qua, tất cả khẩn trương hướng về mục tiêu. Trong 2 giờ đồng hồ, 40 du kích mật đã hoàn thành việc cắm cọc tre và dương, kéo dây thép gai giằng giữ cẩn thận. Lực lượng đặc công cùng chiến sĩ Trung đoàn 270 bộ binh cũng thần tốc di chuyển đưa thủy lôi thả vào bãi cọc. Khoảng 3 giờ ngày 28-2, nước triều lên "ngụy trang" cho trận địa dưới lòng sông một cách hoàn hảo.

Ngày 1- 3-1968, đoàn tàu của Mỹ 12 chiếc từ Cửa Việt lên và dính trận địa. Những tiếng nổ xé trời, tàu bị phá hủy, binh lính rơi xuống sông gặp phải cọc tre, dây thép gai... Mặt khác, lực lượng của ta phục kích trên bờ làm rung chuyển cả dòng sông. Mỹ-ngụy thiệt hại nặng nề và điên cuồng khi tuyến tiếp viện hậu cần bằng đường thủy từ Cửa Việt - Đông Hà bị tắc nghẽn gây khó khăn cho lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ và quân ngụy ở chiến trường Đường 9 -Khe Sanh đang bị tấn công. "Có 6 tàu chiến đã bị phá hủy hoàn toàn. Và tuyến vận tải bị "tắc" lại trong 6 ngày", ông Tú Anh bồi hồi nhớ lại chiến thắng lẫy lừng trên cơ sở kế thừa, phát huy một cách có hiệu quả và sáng tạo cách đánh tàu, thuyền địch, truyền thống đánh giặc trên sông biển của ông cha. Trận đánh cũng tiêu biểu cho sức mạnh đoàn kết hiệp đồng của quân và dân địa phương, sự mưu trí sáng tạo trong chỉ đạo, chỉ huy, có ý nghĩa quan trọng về quân sự và chính trị, làm nức lòng mặt trận và đã góp công lớn cho chiến thắng của quân và dân ta ở chiến trường Khe Sanh sau đó...

Câu chuyện với vị chỉ huy trí dũng mưu lược khiến chúng tôi cảm thấy lan tỏa thêm niềm tự hào về dòng sông huyền thoại mang tên Hiếu Giang và những con người quả cảm đã làm nên chiến công vang dội ấy. Đã 50 năm và...còn mãi chói lọi trong lịch sử đấu tranh của dân tộc Việt Nam.

Bảo Hà