Gầy dựng lòng tin
(Cadn.com.vn) - Các nhà lãnh đạo Liên minh Châu Âu (EU) ngày 16-9 gặp nhau ở thủ đô Bratislava của Slovakia nhằm vạch ra tương lai của liên minh này, trong đó, tập trung vào hợp tác quốc phòng và an ninh biên giới trong nỗ lực để hàn gắn chia rẽ sâu sắc và gầy dựng lòng tin sau cú sốc Brexit (Anh rời khỏi EU) và cuộc khủng hoảng di cư.
Dù vấn đề Brexit nằm trên bàn nghị sự nhưng Anh lại vắng mặt tại hội nghị lần này, khiến người ta bi quan về một kết thúc như mong đợi. Tuy nhiên, 27 nhà lãnh đạo tham dự hội nghị thượng đỉnh đặc biệt này, diễn ra tại lâu đài Bratislava nhìn ra sông Danube của Slovakia, lạc quan hy vọng có thể khởi động một lộ trình có ý nghĩa, dự kiến sẽ được thông qua tại Rome vào tháng 3 tới, nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày thành lập hiệp ước của EU.
Trong bối cảnh Châu Âu vẫn còn đang lảo đảo vì cuộc khủng hoảng tị nạn tồi tệ nhất kể từ sau Thế chiến II, các cuộc tấn công khủng bố chết chóc và vẫn còn đó “bụi phóng xạ” từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, các nhà lãnh đạo EU cũng mong đợi có thể chứng minh cho cả thế giới thấy rằng, họ đã có những bài học sâu sắc khi nỗ lực vượt qua những thách thức này.
Bước vào cuộc cạnh tranh, Pháp và Đức, cặp đôi quyền lực nhất EU, đã chuẩn bị kế hoạch cho một chính sách quốc phòng “tích cực hơn” để khôi phục lòng tin bị lung lay bởi các cuộc tấn công khủng bố, cuộc khủng hoảng di cư và toàn cầu hóa. Hội đàm tại Paris vào đêm trước thềm hội nghị, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Francois Hollande đã kêu gọi một “lộ trình” để bảo vệ biên giới Châu Âu và giữ cho EU vẫn là một “lục địa của hy vọng” trong bối cảnh Brexit đã khuyến khích nhiều quốc gia rời khỏi EU.
Tuy nhiên, quan ngại đặt ra là các nước vẫn còn chia rẽ về vấn đề này. Trong một dấu hiệu của sự căng thẳng về vấn đề khủng hoảng di cư, Ngoại trưởng Luxembourg trong tuần này kêu gọi loại Hungary ra khỏi khối và vấn đề này cần được đưa ra bàn tại hội nghị lần này. Mối quan hệ căng thẳng với Nga quanh vấn đề Ukraine, cuộc khủng hoảng di cư và tấn công khủng bố của IS cũng lần lượt làm xói mòn niềm tin về khả năng EU có thể bảo vệ công dân của mình. Vết rạn nứt trong liên minh là hiển nhiên ở khắp mọi nơi.
Trong khi đó, Anh đã phải ra đi trong lạnh nhạt, như tờ Times viết, “họ đã bị đối xử như một nhà nước hạ đẳng”. Và Anh phải có tiếng nói về những vấn đề vẫn còn ảnh hưởng đến London trong khi trên thực tế họ vẫn còn là một thành viên EU.
Thanh Văn