GEF 6: Bảo tồn đa dạng hóa sinh học và du lịch bền vững

Thứ tư, 27/06/2018 08:36

Tổng Giám đốc UNDP đến Đà Nẵng dự GEF 6

Ngày 26-6, Cơ quan Liên hợp quốc tại Việt Nam cho biết, ông Achim Steiner (ảnh), Tổng Giám đốc Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Phó Chủ tịch Nhóm Phát triển bền vững Liên hợp quốc, bắt đầu chuyến thăm Việt Nam từ ngày 26 đến 27-6, nhằm củng cố mối quan hệ đối tác giữa Chính phủ Việt Nam và Liên hợp quốc, tập trung vào nỗ lực phát triển bền vững. Đây là chuyến thăm đầu tiên của ông Achim Steiner đến Việt Nam kể từ khi ông nhận nhiệm vụ làm Tổng Giám đốc UNDP vào năm 2017. Trong khuôn khổ chuyến thăm, ông Achim Steiner gặp các lãnh đạo cấp cao trong Chính phủ, cán bộ Liên hợp quốc và tham dự Kỳ họp thứ sáu Đại hội đồng Quỹ Môi trường Toàn cầu (GEF6) đang diễn ra tại Đà Nẵng. Nội dung thảo luận trong các cuộc gặp sẽ tập trung vào việc củng cố mối quan hệ đối tác giữa Chính phủ Việt Nam và Liên hợp quốc, cũng như các đối tác và bên liên quan khác, trong tiến trình thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự Phát triển bền vững, bao gồm các hành động ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm thiểu rủi ro thiên tai, để không ai bị bỏ lại phía sau. Tại GEF 6, ông Achim Steiner đại diện cho Chương trình Phát triển Liên hợp quốc phát biểu tại các phiên họp toàn thể và các cuộc tọa đàm nhằm tạo ra những thay đổi lớn có tính chất chuyển đổi.

Trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 6 Đại hội đồng Quỹ môi trường toàn cầu (GEF 6), ngày 26-6, Bộ trưởng Bộ TN-MT-Trần Hồng Hà đã cùng đại diện lãnh đạo Quỹ môi trường toàn cầu chủ trì Hội nghị bên lề “Quản lý rác thải nhựa đại dương”, với thông điệp xây dựng quan hệ đối tác vì đại dương không rác thải nhựa. Tiếp đó, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cùng đại diện Ngân hàng Thế giới (WB) tiếp tục chủ trì Hội nghị bên lề, với chủ đề: “Bảo tồn đa dạng hóa sinh học và du lịch bền vững”, đây là vấn đề được nhiều đại biểu GEF 6 quan tâm.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết: Đa dạng sinh học của Việt Nam có ý nghĩa to lớn trong đời sống tự nhiên và con người không chỉ ở phạm vi của quốc gia mà còn ở phạm vi khu vực và toàn cầu. Điều này được thể hiện qua chức năng và tầm quan trọng của các hệ sinh thái. Các hệ sinh thái với các cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ, sự phong phú và đa dạng của rừng, rạn san hô, thảm cỏ biển, các vùng đất ngập nước, các loài ... đang mang lại các dịch vụ về văn hóa, điều tiết, cung cấp và hỗ trợ. Các giá trị dịch vụ hệ sinh thái này là nền tảng cho du lịch bền vững.

Ngược lại, các hoạt động du lịch bền vững góp phần gìn giữ, bảo tồn các giá trị dịch vụ hệ sinh thái, giúp bảo vệ môi trường sống của con người, đảm bảo sự hài hòa về môi trường sống cho các loài động, thực vật. Đồng thời, du lịch bền vững giúp phát triển kinh tế, cung cấp những lợi ích kinh tế - xã hội, dịch vụ cho cộng đồng địa phương, cung cấp công ăn việc làm và góp phần xóa đói giảm nghèo. Phát triển du lịch bền vững giúp khai thác nguồn tài nguyên một cách khoa học, nâng cao ý thức giữ gìn, bảo tồn đa dạng sinh học và môi trường. Nhận thức được tầm quan trọng của đa dạng sinh học, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều hành động để đẩy mạnh công tác bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, cụ thể: Việt Nam là thành viên của nhiều công ước và cam kết quốc tế về bảo tồn đa dạng sinh học như Công ước Đa dạng sinh học (CBD), Công ước về các vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế (RAMSAR ), Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITIES),...

Hệ thống chính sách, pháp luật trong nước về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học cũng ngày càng hoàn thiện. Việt Nam đã ban hành và triển khai các luật rất quan trọng để bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học như Luật Đa dạng sinh học, Luật Bảo vệ và phát triển rừng, Luật Thủy sản, Luật Du lịch, Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 cùng nhiều văn bản hướng dẫn thi hành. Nhiều khu bảo tồn của Việt Nam có tầm quan trọng toàn cầu và khu vực được công nhận, bao gồm: 08 Khu Ramsar, 09 khu Dự trữ sinh quyển thế giới, 02 Khu Di sản thiên nhiên thế giới, 01 Khu di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, 05 Khu Vườn di sản Asean. Hiện nay tại Việt Nam, có hơn 180 khu bảo tồn thiên nhiên và 63 vùng chim quan trọng (IBA). Đây là nguồn tài nguyên quan trọng để phát triển du lịch sinh thái. Theo thống kê của Viện nghiên cứu phát triển du lịch, các vườn quốc gia và khu bảo tồn tại Việt Nam thu hút trên 30% lượng khách du lịch hàng năm.

Mặc dù có nhiều nỗ lực trong công tác quản lý đa dạng sinh học và phát triển du lịch sinh thái trong thời gian qua, đa dạng sinh học của Việt Nam vẫn đang trên đà bị suy thoái. Rừng, các hệ sinh thái sông, hồ, đầm phá, ... tiếp tục bị đe dọa. Các hành vi khai thác, săn bắt, buôn bán, tiêu thụ trái phép động vật hoang dã, nguy cấp vẫn đang diễn ra hàng ngày. Sự phát triển nhanh chóng của du lịch ở một số khu vực đã tác động tiêu cực đến các hệ sinh thái tự nhiên, làm vượt quá sức chịu tải của môi trường (thay đổi mục đích sử dụng đất, gây suy giảm diện tích rừng, chia cắt sinh cảnh, phá hủy các rạn san hô,...), gây ảnh hưởng đến các loài động, thực vật, làm mất môi trường sống, kiếm ăn cũng như làm suy giảm các giá trị đa dạng sinh học. Do vậy, công tác bảo tồn đa dạng sinh học đang tiếp tục phải đối đầu với nhiều thách thức. Để có thể thành công trong công cuộc bảo tồn, ngoài sự nỗ lực của cơ quan chính phủ, cần có sự tham gia tích cực của toàn thể cộng đồng trong xã hội và sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế.

Hồng Thanh