GEF6: Việt Nam sẵn sàng hợp tác để thực hiện giải pháp hài hòa giữa bảo tồn và phát triển bền vững

Thứ ba, 26/06/2018 07:00

Trong ngày 25-6, Kỳ họp Đại hội đồng Quỹ môi trường toàn cầu lần thứ 6 (GEF 6), tiếp tục diễn ra các phiên họp sự kiện song song bên lề, với nhiều chủ đề chính như: “Lợi ích môi trường toàn cầu: Kinh tế tuần hoàn có thể làm được gì?”, do UNIDO chủ trì; “Huy động tài chính tư nhân để nhân rộng GEBs”, do WB chủ trì; “Các giải pháp tự dựa vào tự nhiên và kinh nghiệm đổi mới của GEF cho các cách tiếp cận tích hợp và dựa vào tự nhiên để ứng phó biến đổi khí hậu và nguy cơ thiên tai”, do ADB chủ trì; “Hợp tác nhiều bên có liên quan cho cảnh quan lúa gạo”, do FAO chủ trì... cùng hàng chục sự kiện chủ đề khác...

Các đại biểu GEF6 góp ý kiến tại phiên họp sự kiện song song bên lề.

Trong ngày 26-6, tại GEF6 sẽ tiếp tục diễn ra khoảng 37 sự kiện chủ đề bên lề song song, trong đó diễn ra 4 sự kiện bên lề do Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam chủ trì, bao gồm: Chương trình chung tay bảo vệ đại dương; Quản lý rác thải nhựa đại dương;  Bảo tồn đa dạng sinh học và Du lịch bền vững; Thành tựu và định hướng hợp tác Việt Nam - GEF: Hợp tác cho mục tiêu tăng trưởng bền vững.

Chương trình do Bộ TN-MT chủ trì phối hợp với Thành đoàn Đà Nẵng, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh khối các cơ quan Trung ương, Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF), Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Chương trình định cư con người của Liên hợp quốc (UNHABITAT), Viện Công nghệ và Môi trường Hàn Quốc (KEITI), Công ty UNILEVER.

Các đại biểu tham dự Kỳ họp Đại hội đồng GEF 6 sẽ cùng với các lực lượng vũ trang, thanh niên, nhân dân và sinh viên các trường đại học TP Đà Nẵng cùng chung tay thu gom và dọn dẹp rác thải trên bờ biển, trồng cây phi lao chắn sóng, tạo sức lan tỏa về hành động chung của cộng đồng quốc tế và trong nước; cùng nhau cam kết giải quyết vấn đề rác thải nhựa đại dương, qua đó nâng cao vai trò của Việt Nam với thế giới trong lĩnh vực giảm thiểu rác thải nhựa đại dương cũng như bảo vệ môi trường biển và hải đảo.

Thông qua các sự kiện này, Việt Nam muốn giới thiệu các giá trị đa dạng sinh học của mình cũng như khẳng định du lịch bền vững có thể góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị đa dạng độc đáo của Việt Nam. Việt Nam sẵn sàng hợp tác với các đối tác để thực hiện giải pháp hài hòa giữa bảo tồn và phát triển bền vững bao gồm phát triển du lịch bền vững.  Việt Nam mong muốn cùng với GEF, các đối tác quốc tế, các quốc gia thành viên chia sẻ kinh nghiệm thực hiện dự án do GEF hỗ trợ, qua đó, đề xuất được những cơ chế phối hợp với GEF trong huy động, phân bổ nguồn lực, các cơ chế hợp tác linh hoạt nhằm thực hiện những dự án mang tính cấp bách trên phạm vi toàn cầu, cũng như đề xuất các  dự án mang tính liên vùng, liên lĩnh vực.

HỒNG THANH

Chương trình chung tay bảo vệ đại dương

Trong khuôn khổ GEF 6, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam tổ chức chương trình Chung tay bảo vệ đại dương. Thời gian dự kiến từ 6 giờ đến 8 giờ ngày 26-6 tại khu vực biển Nguyễn Tất Thành, TP Đà Nẵng. Chương trình có mục đích tạo sức lan tỏa về hành động chung của cộng đồng quốc tế cam kết giải quyết vấn đề rác thải nhựa đại dương, qua đó nâng cao vị thế của Việt Nam trên thế giới trong lĩnh vực môi trường biển và hải đảo. Theo chương trình, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, đại diện GEF, Tổng Giám đốc điều hành UN Habitat, đại diện Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), đại diện Thành đoàn Đà Nẵng sẽ tham dự và có các bài phát biểu. Sau đó, các đại biểu sẽ tập huấn thu gom, phân loại, xử lý rác và trồng cây lưu niệm.

NGUYỄN LÊ