Ghế Giám đốc Tình báo Quốc gia lại có "chủ mới"

Thứ bảy, 10/08/2019 12:06

Tổng thống Trump hôm 8-8 bất ngờ chỉ định ông Joseph Maguire, Giám đốc Trung tâm chống khủng bố Quốc gia, làm quyền Giám đốc Tình báo Quốc gia sau khi Giám đốc tình báo đương nhiệm Dan Coats chính thức rời nhiệm sở vào tuần tới.

Ông Joseph Maguire.  Ảnh: AFP

"Tôi vui mừng thông báo ông Joseph Maguire, Giám đốc hiện tại của Trung tâm chống khủng bố Quốc gia, sẽ được bổ nhiệm làm quyền Giám đốc Tình báo Quốc gia, có hiệu lực vào ngày 15-8", ông Trump viết trên Twitter. Thông báo được đưa ra không lâu sau khi ông Trump tuyên bố bà Sue Gordon, quan chức số hai của cơ quan Tình báo Quốc gia và là cựu chiến binh tình báo hơn 30 năm kinh nghiệm, sẽ từ chức.

Các quan chức Nhà Trắng đã dự báo về động thái như vậy trong nhiều ngày qua, bởi ông Trump muốn có một người trung thành chính trị trong vai trò này. Theo thông lệ, bà Gordon sẽ trở thành quyền Giám đốc sau khi Giám đốc Tình báo Quốc gia Dan Coats từ chức. Nhưng nhiều quan chức trong chính quyền cho biết, Nhà Trắng đang xem xét liệu họ có được phép chọn một nhân vật ngoài dòng kế thừa hay không. Hai nguồn tin cho biết, bà Gordon không được một số người trong chính quyền xem là kiểu người trung thành chính trị mà ông Trump muốn trong vai trò này.

Trong tuyên bố hôm 8-8, ông Coats ca ngợi cả bà Gordon và ông Maguire. "Đó là một đặc ân khi được cùng với bà Sue Gordon lãnh đạo cơ quan Tình báo Quốc gia và Cộng đồng tình báo trong hai năm qua. Bà ấy là một nhà lãnh đạo có tầm nhìn, người đã tạo ra một tác động to lớn đối với cơ quan Tình báo Quốc gia trong hơn ba thập kỷ mà bà ấy đã phục vụ", ông Coats nói. "Tôi rất vinh dự được làm việc với Giám đốc Trung tâm chống khủng bố Quốc gia Joseph Maguire như một phần của đội ngũ lãnh đạo của tôi tại cơ quan Tình báo Quốc gia, và tôi hài lòng khi Tổng thống đã tuyên bố ông Joseph Maguire sẽ phục vụ với tư cách là quyền Giám đốc Tình báo Quốc gia. Ông Maguire đã có một sự nghiệp lâu dài, nổi bật phục vụ quốc gia và sẽ dẫn dắt nhân viên của cơ quan Tình báo Quốc gia với sự khác biệt", ông Coats tiếp tục nói.

Mất mát lớn

Lá thư từ chức của bà Gordon dường như cho thấy, không phải chính bà muốn nghỉ hưu mà ông Trump đã yêu cầu bà từ chức. "Khi ông yêu cầu một nhóm lãnh đạo mới nắm quyền, tôi sẽ từ chức vị trí của mình có hiệu lực vào ngày 15-8-2019. Hãy biết rằng nhân dân của chúng ta là sức mạnh của chúng ta và họ sẽ không bao giờ làm ông hoặc đất nước thất vọng", bà Gordon viết. Sau đó, Nhà Trắng công bố bức thư viết tay của bà Gordon cho thấy rõ, bà sẽ không rời bỏ ý định của mình. "Tôi đề nghị bức thư này như một hành động tôn trọng & yêu nước, chứ không phải ưu tiên. Ông nên có đội ngũ của mình", bà viết trong bức thư gửi ông Trump.

Cựu Giám đốc Cơ quan An ninh Quốc gia Michael Hayden cho rằng, "thật tệ" khi bà Gordon từ chức. "Bà ấy là một chuyên gia. Bà ấy đã vượt qua nhiều người để trở thành phó giám đốc hỗ trợ. Ông Coats là một lãnh đạo tốt nhưng bà ấy đã giữ cơ quan hoạt động suôn sẻ. Ông Trump không hiểu thế nào là một sĩ quan tình báo chuyên nghiệp", ông Hayden nói. Các nhà lãnh đạo ở cả hai đảng cũng bày tỏ sự tin tưởng vào bà Gordon, nhiều người ủng hộ bà trở thành lãnh đạo Tình báo Quốc gia. Sự ra đi của bà có khả năng làm mất lòng các nhà lập pháp mong muốn sự ổn định sau sự từ chức của ông Coats. "Việc bà Sue Gordon nghỉ hưu là một mất mát đáng kể cho Cộng đồng Tình báo của chúng tôi", Thượng nghị sĩ Richard Burr, nghị sĩ đảng Cộng hòa Bắc Carolina, Chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện, nói.

Chính trị hóa cơ quan tình báo

Sự ra đi đột ngột của bà Gordon và "sự thù địch" lâu dài của ông Trump đối với cộng đồng tình báo - vốn bị ông công khai chế giễu là "giống như Đức quốc xã" - có khả năng làm tăng thêm mối lo ngại, ông chủ Nhà Trắng có thể đang cố gắng chính trị hóa các cơ quan không hợp tác hoặc đứng ngoài  nền chính trị.

Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Adam Schiff, nghị sĩ đại diện cho California, cho biết, việc ông Coats và bà Gordon từ chức "thể hiện sự mất mát tàn khốc đối với Cộng đồng Tình báo và những nhân viên làm việc cho cơ quan này". "Những mất mát về lãnh đạo, cùng với một Tổng thống quyết tâm loại trừ bất cứ ai dám phản đối, đại diện cho một trong những thời điểm khó khăn nhất đối với Cộng đồng Tình báo", ông Schiff cho biết trong một tuyên bố.

Các chuyên gia tình báo nhấn mạnh sự cần thiết phải ngăn chặn sự tác động của chính trị đối với công việc của họ để có thể đưa ra cho các nhà hoạch định chính sách đánh giá rõ ràng nhất về các mối đe dọa và cơ hội. Các nhà lãnh đạo tiếp theo của cộng đồng tình báo sẽ đối phó với một loạt thách thức đặc biệt gai góc và nguy hiểm, trong bối cảnh Mỹ đang leo thang căng thẳng với Iran, cuộc chiến thương mại với Trung Quốc ngày càng phức tạp, cũng như Washington đang xem xét hội nghị thượng đỉnh lần 3 với Triều Tiên dù Bình Nhưỡng tiếp tục thử tên lửa, và phong trào được Mỹ hậu thuẫn nhằm hất cẳng các nhà lãnh đạo Venezuela đang chùn bước.

Trước đó, ngay sau khi ông Coats tuyên bố sẽ từ chức Giám đốc Tình báo Quốc gia vào ngày 15-8, Tổng thống Trump đề cử Hạ nghị sĩ John Ratcliffe giữ chức vụ này. Tuy nhiên, đề cử này đã gây phản ứng trong Quốc hội Mỹ do quan ngại người đứng đầu Nhà Trắng sẽ chính trị hóa các cơ quan tình báo Mỹ, và ngày 2-8, Tổng thống Mỹ đã rút đề cử ông Ratcliffe. Sự nghi ngờ của ông Trump đối với cộng đồng tình báo có thể bắt nguồn từ chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2016 khi ông lần đầu tiên nghi ngờ về những nỗ lực của Nga trong việc can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ bất chấp những cảnh báo nghiêm khắc từ các quan chức an ninh quốc gia hàng đầu.

Kể từ khi nhậm chức, ông Trump nhiều lần đụng độ với các quan chức tình báo, bao gồm cả ông Coats, về những bình luận công khai thừa nhận Nga không chỉ can thiệp hồi năm 2016, mà còn gây ra mối đe dọa cho các cuộc bầu cử trong tương lai - một đánh giá được khẳng định bởi cuộc điều tra của công tố viên đặc biệt Robert Mueller, điều mà tổng thống Trump đã mô tả là một "cuộc săn phù thủy chính trị". Ông Trump đã công khai không đồng tình với các quan chức tình báo về vô số vấn đề khác bao gồm tham vọng hạt nhân của Triều Tiên, mối đe dọa từ IS, tình hình ở Afghanistan, liệu hoàng tử Saudi Arabia có ra lệnh giết nhà báo Jamal Khashoggi hay không và Iran đã vi phạm thỏa thuận hạt nhân năm 2015…

AN BÌNH