Ghế nóng, ghế lạnh!
(Cadn.com.vn) - Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi như đang ngồi trên đống lửa khi phải chịu áp lực mạnh mẽ từ người dân, trong đó yêu cầu chính phủ cần đoàn kết và nỗ lực hơn nữa trong việc nắm quyền để có thể đẩy lùi nhóm phiến quân Hồi giáo cực đoan IS đang hoành hành ở quốc gia Trung Đông này.
Hiện nay, lý do lớn nhất để người dân xuống đường là mong muốn có đủ điện tiêu dùng. Tại Iraq, nơi mà nhiệt độ mùa hè đang lên đến 50 độ C, các cuộc biểu tình đã nổ ra khi chính phủ không cung cấp đủ điện. Người dân Iraq ở tất cả các giáo phái và các bộ tộc đã đoàn kết với nhau yêu cầu chấm dứt cách quản lý yếu kém và tham nhũng. Nhiều người biểu tình tuyên bố tham nhũng là kẻ thù tồi tệ hơn so với những kẻ khủng bố IS.
Các cuộc biểu tình thậm chí khiến ông Ayatollah Ali al-Sistani, Giáo chủ tinh thần của người Shiite - giáo phái hiện đang nắm quyền ở Iraq - phải lên tiếng kêu gọi chính phủ "đáp ứng yêu cầu và nhu cầu chính đáng của người dân". Ông yêu cầu Thủ tướng Abadi "táo bạo và dũng cảm" trong việc đưa ra các cải cách. 2 ngày sau đó, Thủ tướng thực sự hành động với sự dũng cảm táo bạo. Ông công bố điều tra về tham nhũng và chấm dứt giao việc nắm quyền trong chính phủ dựa trên tôn giáo hay đảng phái. Nhân viên chính phủ hiện đang được tuyển dụng theo năng lực và đạo đức nghề nghiệp.
Một số cải cách vẫn cần phải được Quốc hội thông qua nhưng động thái này đã đánh dấu một bước ngoặt đối với Iraq - quốc gia đang hồi phục sau chiến tranh. Rõ ràng, những tuyên bố hiếm hoi của giáo chủ Sistani, một người được tôn kính ở cả Iraq và Iran, đã mang thông điệp quyết định. Giáo chủ Sistani muốn một Iraq thống nhất, trong đó có một lịch sử lâu dài của sự hòa hợp giữa người Sunni, Shiite và người Kurd dân tộc. "Chúng tôi rất tự hào về cơ cấu xã hội trong xã hội của chúng tôi", ông nói.
Nhưng vấn đề đặt ra là chính phủ Iraq hiện chỉ kiểm soát 1/3 đất nước trong khi phần còn lại thuộc quyền của IS. Các dân tộc thiểu số Sunni vẫn không tin tưởng một chính phủ mà người Shiite chiếm ưu thế. Và "bàn tay nặng nề" của Iran trong cuộc chiến chống IS đã đe dọa bản sắc dân tộc Iraq.
Gia cố một bản sắc Iraq sẽ là động lực thúc đẩy hiệu quả tiềm lực quân đội trong cuộc chiến chống IS và những quan niệm về đức tin chính trị. Khi những lo lắng về chính trị dần "nguội lạnh" đi là lúc chính phủ Iraq có cơ hội để tăng cường sức mạnh quân sự. Nhưng điều kiện cần và đủ là Iraq đang thật sự cần giúp đỡ nhiều hơn nữa. Khi Mỹ và NATO rút quân, lực lượng non trẻ của quốc gia Trung Đông này như "rắn mất đầu". Thủ tướng Abadi cũng từng cho rằng, sự lớn mạnh của IS là "sự thất bại" của cả cộng đồng thế giới và rằng, Baghdad "cần tất cả sự hỗ trợ của thế giới". Dù có nhiều cuộc thảo luận về vấn đề hỗ trợ Iraq, nhưng thực tế Baghdad đang nhận được rất ít. Theo ông Abadi, các đối tác trong liên minh không cung cấp cho lực lượng Iraq đủ tin tức tình báo trên không để ngăn chặn đà tiến công của IS, trong khi cũng thiếu sự ủng hộ cho các chiến dịch trên mặt đất.
IS đang dàn trận ở Iraq và cả Syria (IS được cho là đã cho nổ tung ngôi đền cổ 2.000 năm tuổi Baal Shamin ở thành phố Palmyra, đông bắc Syria. Đền thờ này được coi là một trong những địa điểm lịch sử quan trọng nhất ở Trung Đông). Đó thật sự là bài toán khó.
Thanh Văn