Ghe tự phát và nỗi ám ảnh chết người
Bao đời nay, chiếc ghe đã trở thành "người bạn" của nhiều gia đình nông dân Việt Nam. Chiếc ghe được sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau như: đưa các mẹ, các chị đi chợ bên kia sông; chở phân ra đồng; vận chuyển nông sản về nhà; là phao cứu sinh khi mùa lũ đến... Thế nhưng, nó cũng tiềm ẩn những tai họa chết người.
Hiện trường vụ chìm ghe tại xã Duy Nghĩa. |
Những cái chết được dự báo trước
Chưa đầy 3 tháng (từ 25-2-2020 đến ngày 8-5-2020), tại Quảng Nam đã xảy ra 2 vụ lật ghe, làm 11 người chết. Điểm chung của hai vụ tai nạn đau lòng này là hai chiếc ghe gây ra tai nạn đều là phương tiện thô sơ, hàng ngày được sử dụng đưa người đi làm đồng hoặc dùng để đánh bắt thủy sản nhỏ trên sông.
Nhắc lại vụ tai nạn chìm ghe trên sông Vu Gia, ông Trần Quốc Đạt - Chủ tịch UBND xã Đại Cường, H. Đại Lộc vẫn còn "rùng mình", cho biết: khoảng 15 giờ ngày 25-2-2020, 10 người dân thôn Khương Mỹ, Đại Cường trong 3 gia đình (gồm 4 nam, 6 nữ) đi sản xuất từ bãi đất màu Mỹ Thuận, giáp ranh giữa xã Đại Cường và Đại Nghĩa về thôn Khương Mỹ trên một chiếc ghe bằng nhôm. Khi ra giữa sông Vu Gia, do gió to, sóng lớn làm lật ghe, khiến 10 người rơi xuống sông. Phát hiện sự việc, người dân gần đó đã đến cứu vớt được 4 người, 6 người còn lại mất tích. Đáng buồn là trong số 6 nạn nhân tử vong đều là người thân trong 2 gia đình.
Cụ thể, gia đình chị Nguyễn Thị Ái có 3 mẹ con, gồm: chị Ái cùng 2 con là Nguyễn Hoàng Ánh Viên (2015), Nguyễn Hoàng Ánh Nguyên (2014). Gia đình ông Nguyễn Đình Ba, gồm: ông Ba, anh Nguyễn Đình Hoàn (1995-con trai), chị Lê Thị Kim Huệ (1993-con dâu).
Tiếp tục, 15 giờ ngày 8-5-2020, một vụ tai nạn chìm ghe khác xảy ra trên sông Thu Bồn (đoạn chảy qua thôn Thuận An, xã Duy Nghĩa, Duy Xuyên) làm 5 thanh niên tử vong. Theo đó, khoảng 11 giờ trưa 8-5-2020, 11 thanh niên ở thôn Hội Sơn, Duy Nghĩa đi thuyền qua khu du lịch sinh thái Thuận Tình ở giữa sông Thu Bồn (thuộc địa phận TP Hội An) chơi. Đến khoảng 15 giờ chiều cùng ngày, khi quay trở về giữa sông thì chiếc thuyền gặp gió to, bị tràn nước, lật chìm xuống sông. 6 người may mắn được mọi người cứu sống, 5 người không qua khỏi, gồm: Đoàn Nguyễn Nhân Hiếu (1993), Lê Văn Hà (1987), Nguyễn Ngọc Trường (1994), Võ Hùng Tâm (2000) và Nguyễn Đức Tính (1998), cùng trú thôn Hội Sơn, Duy Nghĩa.
Ngoài ra, theo thống kê chưa đầy đủ của cơ quan chức năng: hàng năm tại Quảng Nam và một số địa phương khác xảy ra hàng chục vụ tai nạn đường thủy trên các sông nhỏ, hồ thủy lợi, thủy điện, như: Sông Bung, A Vương, đập Phú Ninh, Thạch Bàn... hoặc trong những trường hợp người dân điều khiển phương tiện đi tránh lũ đã làm hàng chục người chết, mất tích khi đang hành nghề đánh bắt thủy sản.
Ông Khuất Việt Hùng - Phó Ban An toàn giao thông quốc gia chia buồn với gia đình các nạn nhân. |
Theo điều tra của cơ quan Công an, nguyên nhân gây ra những vụ tai nạn thương tâm trên đều có mẫu số chung là do chủ quan, như: phương tiện không đảm bảo các tiêu chí về an toàn giao thông đường thủy nội địa, chở vượt quá số người, quá tải trọng cho phép, không trang bị áo phao, công cụ cứu hộ, người điều khiển phương tiện không được trang bị các kỹ năng điều khiển tàu, thuyền... Bên cạnh đó còn có các nguyên nhân khách quan, như: bất ngờ gặp sóng to, gió lớn, nhiều khúc sông bị nạn khai thác trái phép đào khoét, tạo ra những hố sâu, nước chảy xiết...
Cũng theo tìm hiểu của chúng tôi, tại Quảng Nam vẫn còn xảy ra tình trạng người dân bất chấp lệnh cấm của cơ quan chức năng, tổ chức hoạt động không phép. Cụ thể, bến đò ngang Phú Đa (xã Duy Thu, H. Duy Xuyên) trên sông Thu Bồn dù đã bị cấm do không đảm bảo an toàn nhưng hàng ngày các chủ đò vẫn hoạt động.
Một vấn đề khác làm mọi người suy nghĩ là đa số những nạn nhân của các vụ chìm ghe đều là lao động chính trong các gia đình nghèo. Họ ra đi, để lại mẹ già, con thơ... trong cảnh không nơi nương tựa cùng nỗi mất mát, đau đớn không nguôi cho người ở lại.
Những chiếc ghe nhỏ, quá mong manh trước sóng gió sông Thu Bồn, Vu Gia. |
Ý thức càng cao, rủi ro sẽ càng nhỏ
Theo thống kê chưa đầy đủ của cơ quan chức năng, những địa phương có số ghe nhiều của tỉnh Quảng Nam là Duy Xuyên, Điện Bàn, Đại Lộc, Nông Sơn với số lượng cả ngàn chiếc. Tuy nhiên, trong đó chỉ có một số gia đình có bãi bồi nằm giữa các sông Thu Bồn, Vu Gia, như: Điện Phong, Điện Phương (TX Điện Bàn), Đại Cường, Đại Nghĩa (H. Đại Lộc), Cẩm Thanh (TP Hội An), Quế Trung (H. Nông Sơn) mới thường xuyên sử dụng ghe làm phương tiện đi làm đồng.
Ông Trần Úc - Chủ tịch UBND TX Điện Bàn, cho biết: Theo quy định, Nhà nước chỉ quản lý những bến đò ngang, phương tiện ghe máy chuyên kinh doanh vận tải. Riêng các ghe nhỏ, là phương tiện cá nhân nên không quản lý. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện, chính quyền các địa phương thường xuyên khuyến cáo người dân cần đảm bảo các quy định về an toàn giao thông đường thủy. Như vậy, về khía cạnh pháp lý những chiếc ghe nhỏ phục vụ mục đích dân sinh là do người dân tự quản lý, khai thác và không chịu sự điều chỉnh của pháp luật song đây là nguồn nguy hiểm cao độ, gây ra nhiều vụ tai nạn đường thủy thương tâm.
Theo ông Nguyễn Trường Năm - Chủ tịch UBND xã Duy Nghĩa, H. Duy Xuyên: do đặc điểm là địa bàn sông nước nên việc cấm người dân sử dụng ghe nhỏ để đi lại, đánh bắt thủy sản là điều không thể. Địa phương tổ chức tuyên truyền, vận động người dân chỉ sử dụng ghe làm phương tiện đi lại khi thật sự cần thiết và phải trang bị phao cứu sinh nhằm hạn chế tai nạn đường thủy xảy ra.
Riêng về việc nhiều ghe hoạt động trái phép tại bến đò Phú Đa, ông Nguyễn Thanh Vũ - Chủ tịch UBND xã Duy Thu, H. Duy Xuyên nhấn mạnh: thời gian đến, địa phương sẽ có những biện pháp mạnh, ngăn chặn và khuyến cáo người dân tăng cường các biện pháp tự bảo vệ khi sử dụng các loại phương tiện đường thủy tự có.
Ông Đoàn Ngọc Quang - Phó chủ tịch UBND H. Đại Lộc, thông tin: sau tai nạn chìm đò làm 6 người chết tại thôn Khương Mỹ, Đại Cường, ngày 11-3-2020 UBND H. Đại Lộc ban hành Công văn số 585 về việc tăng cường công tác quản lý, đăng ký hoạt động đối với phương tiện đường thủy. Theo đó, giao UBND cấp xã tổ chức quản lý đối với phương tiện thô sơ có trọng tải toàn phần dưới 1 tấn hoặc sức chở dưới 5 người khi hoạt động phải đảm bảo các điều kiện an toàn về giao thông đường thủy. Phối hợp cùng Mặt trận và các đoàn thể tổ chức tuyên truyền, yêu cầu người dân ký cam kết khi sử dụng phương tiện phải đảm bảo các điều kiện, gồm: người điều khiển phương tiện phải đủ 15 tuổi trở lên, đủ sức khỏe, biết bơi, được trang bị các kiến thức về pháp luật giao thông đường thủy; không chở quá sức chứa của phương tiện; người ngồi trên phương tiện phải mặc áo phao, sử dụng các vật nổi làm phao cứu sinh... Ngoài ra, một số địa phương khác còn sử dụng biện pháp huy động các doanh nghiệp, nhà hảo tâm đóng góp kinh phí mua áo phao, dụng cụ cứu sinh tặng cho những đối tượng có nguy cơ cao gặp phải tai nạn đường thủy.
Như vậy, ngoài việc chính quyền địa phương có những chế tài xử phạt đối tượng vi phạm và việc làm thiết thực để hỗ trợ thì vấn đề quan trọng nhất để phòng, tránh những vụ tai nạn giao thông xảy ra là từng người dân phải tự nâng cao ý thức trong việc chấp hành các quy định của Nhà nước về an toàn giao thông đường thủy. Được như vậy, tin chắc rằng những vụ tai nạn đau lòng sẽ không bao giờ xảy ra.
M.T
>> Tìm thấy thi thể nạn nhân thứ 3 trong vụ chìm ghe
>> Đã tìm thấy 1 thi thể trong 5 nạn nhân bị chìm ghe trên sông Thu Bồn