Ghi từ Hội thảo "Nhà văn và con đường đưa tác phẩm văn học đến với bạn đọc"

Thứ ba, 06/08/2024 14:00

Lần đầu tiên, tôi được tham dự một cuộc Hội thảo khá thú vị trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật, đó là Hội thảo "Nhà văn và con đường đưa tác phẩm văn học đến với bạn đọc" do Hội Nhà văn TP Đà Nẵng tổ chức sáng 3-8 vừa qua.

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, Chủ tịch Hội Nhà văn TP Đà Nẵng, nhà thơ Nguyễn Kim Huy nêu vấn đề: Làm thế nào để đưa được tác phẩm văn học - đứa con tinh thần mà mình rút ruột hình thành nên với tất cả tâm huyết, tình yêu, tài năng và sự nỗ lực hết mình với không ít nhọc nhằn vất vả, thậm chí phải hy sinh đi nhiều điều quý giá đang đòi hỏi khác trong cuộc sống - đến với bạn đọc một cách tốt đẹp, hiệu quả, như ý nhất?

Quang cảnh hội thảo.
Chủ tịch Hội Nhà văn Nguyễn Kim Huy phát biểu đề dẫn Hội thảo.

Với cơ chế và tình hình xuất bản hiện nay và ngày càng rõ hơn trong tương lai, hầu hết các nhà văn phải "tự xuất bản" chứ rất hiếm khi được các NXB và các Nhà sách mua bản thảo, bao tiêu phát hành. Sau khi xin Giấy phép xuất bản của một NXB, tự thân nhà văn hoặc cùng người thân, bạn bè phải cáng đáng lo toan tất cả mọi việc từ thiết kế mỹ thuật, trình bày bìa đến chấm morat, đưa in ở nhà in và… nhận gần hết sách về bắt đầu "con đường khổ ải" của việc tất bật tặng biếu, giới thiệu quảng bá, ngược xuôi bán sách không biết đến ngày đêm, không kể nơi xa gần nào! Và niềm hạnh phúc khi bán được sách, khi được bạn đọc báo chí đón nhận chia sẻ giới thiệu quảng bá, được ghi nhận hay trao tặng các Giải thưởng Văn học trong, ngoài nước và nhất là khi cùng vợ con ngồi tính toán hiệu quả lãi lời…, thì quả thật, xét cho kỹ, rất hiếm hoi đối với các nhà văn, chưa kể đến việc càng quý hiếm hơn nữa các nhà văn Việt Nam hiện có thể sống đàng hoàng qua công việc viết lách, sáng tạo văn chương nhọc nhằn bằng nhuận bút hay tiền bán sách!

Tham luận tại Hội thảo, Nhà thơ Nguyễn Minh Hùng- Phó Chủ tịch Hội Nhà văn TP Đà Nẵng, cho biết, theo thống kê, người Việt đọc trung bình 0,8 cuốn sách/người/năm (tức là chưa được 1 cuốn sách). Tỷ lệ sách bình quân đầu người tại các thư viện công cộng là 0,38 cuốn. Báo cáo Vụ Thư viện, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tỷ lệ người Việt hoàn toàn không đọc sách chiếm 26%, thỉnh thoảng mới đọc sách chiếm đến 44% dân số. Con số thấp hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực như Singapore: 14 cuốn/năm, Malaysia: 10 cuốn/năm, Nhật: 20 cuốn/năm… Những dân tộc như Đức, Pháp, Isreal, một người dân đọc từ 20 cuốn sách/năm. Một khảo sát bất kỳ cho thấy ở Việt Nam, 98% giới trẻ không đọc sách trong một tuần qua, 80% không đọc sách suốt năm qua; chỉ 12% trong độ tuổi 20 - 30 đọc sách ngoài sách chuyên môn.

Quang cảnh hội thảo.

Đó là đọc sách nói chung, còn sách văn học sẽ là con số nhỏ hơn nhiều. Các sự kiện ra mắt sách, các chương trình giao lưu với tác giả ít người đến hoặc đến nhưng không mua, chỉ chờ tặng, hoặc tặng nhưng không đọc, hoặc đọc nhưng chỉ lướt qua... Còn theo nhà thơ Mai Hữu Phước thì, trong thời đại số hóa, một cái nhấp chuột hay một cái quẹt tay là tác phẩm của mình đã có ngay dưới mắt của bạn đọc khắp nơi trên thế giới. Vấn đề chính còn lại là tác phẩm của mình viết ra có đủ sức hấp dẫn để giữ chân bạn đọc và để bạn đọc nhớ tên để tìm kiếm hay không? Nhà thơ Tần Hoài Dạ Vũ từ TP Hồ Chí Minh về cũng đã đóng góp một số ý kiến khá thú vị: Đó là, mỗi khi một nhà văn là hội viên Hội Nhà văn TP Đà Nẵng in và phát hành một tác phẩm mới, thì mỗi hội viên nhiệt tình mua sách ủng hộ, tối thiểu là một cuốn. Như vậy, ít nhất cũng có 100 cuốn sách, hoặc nhiều hơn được tiêu thụ. Và nếu Hội Nhà văn TP Đà Nẵng làm được điều này, là sẽ tạo được một tiếng vang lớn trong giới nhà văn của cả nước. Trong khi đó, bà Nguyễn Quỳnh Linh - Phó Giám đốc kiêm Tổng Biên tập NXB Đà Nẵng thì cho rằng: Tác phẩm được in ra không chỉ hoàn thiện về chất lượng nội dung mà còn về hình thức; phương thức, tốc độ chuyển đến bạn đọc phải nhanh chóng, kịp thời và thậm chí còn phải đúng thời điểm; công nghệ kỹ thuật hiện đại phục vụ đọc - nghe sách trên mọi nền tảng và ứng dụng; độc giả cũng trở nên "trình độ" hơn trong việc tiếp nhận tác phẩm; kinh tế, điều kiện vật chất phát triển đi lên; cơ chế, chính sách, chủ trương dành cho sách và văn hóa đọc phải đón bắt được xu thế và phải đột phá… Nhà văn trẻ Lệ Hằng- Ủy viên BCH, Trưởng ban Văn xuôi Hội Nhà văn TP Đà Nẵng chia sẻ: Tiếp cận các NXB và các nhà phát hành sách để bán bản quyền tác phẩm là một trong những cách thông thường nhất và đòi hỏi nhiều nhất bởi quá trình duyệt bản thảo thường kéo dài, công kỹ, bản thảo phải cạnh tranh với nhiều bản thảo khác, nhiều tác giả khác và phải có sức thuyết phục đối với nhà đầu tư. Khi bán bản quyền cho các đơn vị kinh doanh, tác giả sẽ được nhận nhuận bút cho tác phẩm của mình, đồng thời mọi công việc về biên tập, trình bày, in ấn, phát hành… đều có đội ngũ của NXB hoặc nhà phát hành thực hiện, tác giả chỉ tham gia một phần nhỏ trong quá trình hoàn thiện cuốn sách và như vậy đồng nghĩa với việc tác giả sẽ có nhiều thời gian hơn cho các ý tưởng mới và sáng tác mới, điều mà hầu hết người viết sẽ ưu tiên hơn…

Từ những trao đổi, thảo luận cởi mở về những vấn đề rất thực tế của đời sống văn học hiện nay, người viết càng trân quý hơn bao giờ hết sự trăn trở cùng quyết tâm của các tác giả, dịch giả, nhà phê bình văn học Đà Nẵng trong hành trình đưa tác phẩm đến gần hơn với bạn đọc trong thời gian tới.

Đinh Văn Dũng