Giả danh nhân viên ngân hàng lừa hơn 10 tỷ đồng

Thứ tư, 31/03/2021 09:05

Tự nhận là nhân viên ngân hàng, Bùi Hữu Thắng tung tin ngân hàng đang có chương trình huy động vốn với lãi suất cao, sau đó Thắng làm và sử dụng các tài liệu giả của cơ quan, tổ chức để tạo niềm tin. Bằng thủ đoạn này, Thắng đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản của 9 người với số tiền gần 11 tỷ đồng.

Bị cáo Bùi Hữu Thắng tại tòa.

Bùi Hữu Thắng (1986, trú phường Trung Đô, TP Vinh, Nghệ An) là cử nhân Đại học chuyên ngành Công nghệ thông tin. Tốt nghiệp đại học năm 2010, Thắng có ý định xin vào làm việc tại Ngân hàng nhưng không thành. Sau khi mất một khoản tiền lớn nhưng vẫn thất nghiệp, Thắng nảy sinh ý định lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người khác để bù đắp tổn thất của mình.

Từ tháng cuối năm 2011 đến năm 2018, vì muốn có tiền tiêu xài, Bùi Hữu Thắng nảy sinh ý định lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người khác. Thắng tự giới thiệu mình là nhân viên ngân hàng Vietcombank chi nhánh Nghệ An và đưa ra thông tin ngân hàng này đang có chương trình huy động vốn dành riêng cho nhân viên của ngân hàng gửi tiền tiết kiệm với lãi suất cao, tùy số tiền gửi nhiều hay ít, lãi suất có thể hơn 20%/năm. Để thực hiện kế hoạch này, Thắng đã tìm cách tiếp cận nhiều người, trong đó có cả người thân để tung thông tin này. Thậm chí, Thắng còn “nổ” rằng bản thân có thể xin được việc vào các cơ quan nhà nước.

Tin tưởng “nhân viên” dởm này nên nhiều ngưởi ở Nghệ An, Hà Tĩnh đã đưa tiền cho Thắng để gửi tiết kiệm hoặc xin việc làm. Để thực hiện hành vi chiếm đoạt, Thắng đã làm và sử dụng các tài liệu giả của cơ quan, tổ chức nhằm tạo niềm tin cho các bị hại. Bằng thủ đoạn này, Thắng đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản của 9 người với số tiền gần 11 tỷ đồng. Trong đó, người ít nhất 100 triệu đồng, người nhiều nhất là hơn 5 tỷ đồng.

Trong các bị hại, bà Nguyễn Thị L. (trú TP Vinh) bị Thắng lừa đảo số tiền nhiều nhất. Từ năm 2011 – 2017, bà L. đã giao cho Thắng tổng cộng 3,8 tỷ đồng với mục đích gửi ngân hàng lấy lãi suất cao. Để không bị nghi ngờ, Thắng sử dụng 6 tài liệu giả của ngân hàng đưa cho bà L. xem, gồm: Biên bản huy động vốn; thông báo về việc kéo dài hạn định cho hợp đồng; giấy hẹn tất toán… Khi bà L. yêu cầu rút toàn bộ số tiền trên thì Thắng yêu cầu phải đóng phí rút tiền. Do đó, bà L. đã nhiều lần đưa cho Thắng gần 1,4 tỷ đồng tiền phí. Tuy nhiên, tất cả số tiền 5,2 tỷ đồng của bà L. đã bị Thắng chiếm đoạt.

Tương tự, từ tháng 12-2011 đến tháng 6-2017, vợ chồng bà Nguyễn Thị H. (trú tại TP Vinh) vì tin tưởng Thắng nên đã 8 lần giao tiền cho “nhân viên dởm” này với tổng số tiền hơn 1 tỷ đồng. Khi yêu cầu Thắng rút 200 triệu đồng thì Thắng đưa ra nhiều lý do và yêu cầu bà H. phải đóng “phí rút tiền”. Tuy nhiên, khi đưa tiền phí xong thì bà H. đã nhiều lần đòi rút toàn bộ số tiền nhưng Thắng không trả. Thắng đã sử dụng tài liệu giả của ngân hàng đưa cho vợ chồng bà H. như “Thông báo về việc kéo dài hạn định cho hợp đồng, Giấy hẹn về việc nhận tiền góp vốn...”. Biết mình bị lừa, bà H. đã làm đơn tố cáo cơ quan CA.

Mới đây, TAND tỉnh Nghệ An mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử bị cáo Bùi Hữu Thắng về 2 tội danh: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Làm giả tài liệu của cơ quan tổ chức; tội sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”.

Tại phiên tòa, bị cáo thừa nhận hành vi phạm tội như cáo trạng truy tố. Tuy nhiên, Thắng khai toàn bộ số tiền huy động từ các nạn nhân đã được chuyển cho một người đàn ông tên Nguyễn Khắc Tùng mà Thắng quen trong quá trình đi xin việc. Tuy nhiên đến nay bị cáo cũng không biết người này ở đâu và Tùng cũng đã không xin được việc cho Thắng. “Bị cáo muốn xin việc vào làm tại Ngân hàng nên đã đưa cho người đàn ông tên Tùng 300 triệu đồng. Người này tự giới thiệu là nhân viên tại hội sở của ngân hàng ở Hà Nội, trên thẻ nhân viên tôi cũng thấy tên là Nguyễn Khắc Tùng. Toàn bộ thông tin về chương trình huy động vốn đều do Tùng hướng dẫn bị cáo thực hiện”, Thắng khai nhận.

Số tiền huy động được từ các khách hàng được Thắng nộp trực tiếp cho Tùng nên không có hóa đơn, chứng từ. Khi các nạn nhân yêu cầu trả lại tiền, Thắng có tìm Tùng để yêu cầu giải quyết cho khách hàng thì bị đưa ra lý do chưa đến kỳ hạn nên không thể rút. Đến khi người đàn ông tên Tùng biến mất, liên lạc không được, đến hội sở tìm không thấy, Thắng mới biết mình bị lừa.

Trong quá trình điều tra, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Nghệ An đã xác minh về người đàn ông tên Nguyễn Khắc Tùng. Kết quả xác minh từ ngân hàng cho thấy, từ trước tới nay đơn vị này không có nhân viên nào tên Nguyễn Khắc Tùng. Phía ngân hàng cũng không có chương trình huy động tiền tiết kiệm như thông tin Bùi Hữu Thắng nói với các bị hại.

Xét toàn diện vụ án, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, HĐXX tuyên phạt Bùi Hữu Thắng tù chung thân về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", 4 năm tù về tội "Làm giả tài liệu của cơ quan tổ chức; sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức". Tổng hợp hình phạt, Bùi Hữu Thắng phải chịu mức án tù chung thân. Tòa buộc bị cáo Thắng phải hoàn trả toàn bộ số tiền đã chiếm đoạt của các bị hại.

DƯƠNG HÓA