Gia đình cuối cùng ở Huế nặn tượng ông Táo

Thứ bảy, 14/01/2017 10:07

(Cadn.com.vn) - Để có những bức tượng ông Công, ông Táo đẹp đặt ở mỗi gian bếp, từ những ngày đầu tháng 12 âm lịch, những người thợ nặn tượng tại làng Địa Linh ở X. Hương Vinh (TX.Hương Trà, TT-Huế) lại tất bật, dồn toàn bộ tâm huyết, công sức để kịp phục vụ cho thị trường. 

Những ngày cuối năm, về làng Địa Linh, lò gốm của 3 anh em ruột Võ Văn Đức, Võ Văn Nam và Võ Văn Hay lại chộn rộn với nghề làm "ông Táo đất" truyền thống. Đây cũng là làng duy nhất ở TT-Huế có nghề nặn tượng ông Táo. Theo những người lớn tuổi ở làng Địa Linh, trước đây, hầu như trong làng, nhà nào cũng làm ông Táo nhưng so với công việc nhọc nhằn mà hiệu quả kinh tế mang lại quá thấp nên nhiều người đã giải nghệ. Hiện, ở thôn Địa Linh chỉ còn gia đình 3 anh em nói trên bám trụ theo nghề. Hàng năm, gia đình này cung cấp hàng chục ngàn tượng cho các tỉnh: Huế, Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh... Theo những người thợ ở đây, công việc đúc tượng rất tỉ mỉ, thực hiện rất nhiều công đoạn. Thông thường, để làm một tượng hoàn chỉnh, ngoài công đoạn nhồi đất sét cho mịn, người thợ cần phải thuần thục các động tác như gạt tay khéo léo phần đất thừa sao cho các tượng được ngang bằng một kích cỡ.

Chiếc khuôn để nặn tượng ông Táo đất.

Các bức tượng ông Táo sau khi đúc xong sẽ được phơi nắng.

Tính đến nay, ông Võ Văn Nam cũng đã ngót nghét 30 năm theo nghề nặn tượng ông Táo. "Nghề này do trước đây ba tui truyền lại. Khi ba qua đời, ông có tâm nguyện rằng, dù nghề vất vả, kiếm tiền ít nhưng mấy con nên kế tục nghề này. Nghe lời ông dặn, ba anh em tui quyết giữ lại nghề truyền thống của cha ông cũng như nghề của địa phương"- ông Nam chia sẻ.

Theo ông Nam, công đoạn khó và vất vả nhất của quá trình nặn tượng ông Táo là làm đất. Đất mua về phải được nhồi thật nhuyễn, lọc sạch sạn thật tỉ mỉ trước khi lên khuôn. Khuôn để tạo hình tượng ông Công, ông Táo được làm bằng gỗ. Để quá trình tạo hình tượng không hư hỏng, mang tính thẩm mỹ, người đúc cần phải thường xuyên làm sạch các hoa văn họa tiết được khắc bên trong khuôn đúc... Khi mới đúc tượng, đất thường rất dẻo và chưa cố định về hình dạng. Lúc này, người thợ phải cẩn thận gia công lại bằng tay, đặt nhẹ xuống đất hoặc thanh gỗ để tạo bề mặt phẳng giúp tượng đứng thẳng. Sau đó tượng được phơi nắng đến lúc ráo mới cho vào lò nung với nhiệt độ cao, rồi làm nguội trong 2 ngày. Khi ra thành phẩm thì quét sơn, vẽ màu lên tượng để tăng tính thẩm mỹ. Cũng theo lời ông Nam, nghề nặn tượng "ông Táo" là của cha ông truyền lại nên cố gắng làm để giữ cái nét văn hóa truyền thống, nhưng cũng không chắc con cháu sau này có giữ được nghề hay không. Bởi, người thợ không thể làm "ông Táo" cả năm được nên buộc phải làm thêm nhiều việc khác để mưu sinh. Chị Võ Thị Hòa- vợ anh Võ Văn Đức, người em kế của ông Nam cho biết, cứ vào đầu tháng 12, gia đình chị làm khoảng 500 - 600 ông Táo/ngày. Mỗi tượng ông Táo bán với giá 2.500 đồng thì lãi gần 1.000 đồng. Tuy công việc không nặng nhọc lắm nhưng cũng rất công phu và mất nhiều thời gian. "Mình còn theo nghề nặn tượng ông Táo,  biết làm ít tiền nhưng không làm cũng buồn. Mình sợ sau này con cái lớn lên không bám trụ nổi với nghề bởi thu nhập không đều và 1 năm chỉ làm được hai mươi ngày"- chị Hòa lo lắng.

Những bức tượng ông Táo đã hoàn chỉnh và chờ đưa đi tiêu thụ.

Theo tín ngưỡng của người Việt, một trong những ngày tết quan trọng nhất trong năm của người Việt là tết ông Công, ông Táo vào ngày 23 tháng Chạp. Lễ cúng ông Táo mang tính chất chuyển giao năm cũ với năm mới. Kể từ ngày cúng ông Táo, bộ ba tượng ông Táo mới được thay lên bếp cho những bức tượng cũ và đây cũng là thời khắc, người dân bắt tay chuẩn bị kỹ lưỡng cho một năm mới đang đến.

H.Lan-N.Thùy