Gia Lai: 7 năm sau khi rừng nghèo ngã xuống
(Cadn.com.vn) - Dự án chuyển đổi 50.000ha đất rừng nghèo sang trồng cao su từ khi được triển khai, hàng chục nghìn héc-ta rừng ở nhiều địa phương của tỉnh Gia Lai đã ngã xuống để chuyển đổi trồng cây cao su - loài cây được xem là "vàng trắng" đem lại nguồn lợi lớn. Thế nhưng, 7 năm sau rừng đã được chuyển đổi nhưng người dân sống trong vùng dự án vẫn còn lắm bấp bênh.
Khi nhà nhà trồng cao su
Theo quy hoạch phát triển cao su trên địa bàn tỉnh Gia Lai đến năm 2015, định hướng đến năm 2020 theo Quyết định số 871 của UBND tỉnh Gia Lai, trên địa bàn 13 huyện, thị, thành phố từ đất lâm nghiệp, đất rừng nghèo được quy hoạch chuyển sang trồng cao su với diện tích gần 66.500ha, trong đó có hơn 51.500ha đất rừng tự nghiên nghèo. Đồng thời, UBND tỉnh Gia Lai cho phép 44 dự án trồng cao su trên đất có rừng tự nhiên nghèo, 17 DN thuê đất trồng cao su trên địa bàn 5 huyện: Chư Pưh, Chư Prông, Đức Cơ, Ia Pa và Ia Grai với diện tích hơn 32.500ha. Từ khi triển khai dự án năm 2008 đến nay, việc chuyển đổi 50.000ha rừng nghèo đã hoàn tất, thế nhưng diện tích đã trồng cao su mới hơn 25.500ha, chỉ đạt 51,1% kế hoạch. Tổng kinh phí đầu tư cho dự án chuyển đổi 50.000ha này là hơn 4.600 tỷ đồng.
Một diện tích rừng nghèo chuyển đổi sang trồng cao su |
Thời điểm đó, các chủ đầu tư, doanh nghiệp ồ ạt ngã rừng nghèo, khai hoang đất để triển khai trồng hàng chục nghìn héc-ta cây cao su và biến thành đại nông trường với diện tích cây cao su ngày càng trải rộng. Hàng loạt Cty có thương hiệu ở Gia Lai được cấp hàng nghìn héc-ta ở nhiều huyện biên giới, kể cả những Cty ở tận Sài Gòn cũng về đây xin triển khai dự án với hàng trăm héc-ta cây cao su. Thế nên, ở một số địa phương việc giao đất đã trở thành vấn đề nóng khi xảy ra tranh chấp với chính người dân sinh sống, canh tác trong vùng đó. Mỗi ngày, cảnh những chiếc xe tải ùn ùn chở gỗ củi tận thu từ rừng nghèo ra làm hư hệ thống đường giao thông nông thôn cũng được nhắc đến ở nhiều cuộc họp của tỉnh này.
Thế mà, giờ này, cảnh nhà nhà, người người trồng cao su đã không còn hồ hởi như trước, ngoài giá cao su xuống thấp đến mức kỷ lục thì nhiều dự án trồng cao su trong đó có dự án chuyển đổi 50.000ha rừng nghèo đang chơi vơi vì cây không cho mủ, cây chết. Chỉ mới qua số liệu thống kê của các chủ đầu tư, đánh giá của từng doanh nghiệp, chưa được các cơ quan có chức năng kiểm tra thẩm định thì đã có gần 2.600ha cây cao su (chiếm 10,2% diện tích cây cao su đã trồng) chết hoặc phát triển kém. Có vườn cây cao su trồng được 7 năm nhưng cây cao trung bình khoảng 4m, đường kính 10cm nên năng suất, chất lượng mủ thấp hơn mức bình thường hoặc có diện tích chủ dự án trồng lại nhiều lần nhưng cây cao su không phát triển. Thế nên, nhiều chủ dự án đã tự ý sử dụng đất rừng nghèo được giao để trồng cao su sang trồng các loại cây khác khiến địa phương lúng túng chưa giải quyết triệt để.
Hàng chục héc-ta rừng nghèo đã được đốn hạ để trồng cao su nhưng lợi ích đem lại cho người dân vẫn còn bỏ ngỏ. |
Ai được hưởng lợi?
Việc triển khai kế hoạch chuyển đổi 50.000ha rừng nghèo sang trồng cao su nhằm mục đích sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên đất đai tại Tây Nguyên, tạo công ăn việc làm, nâng cao đời sống cho người dân đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Thế nhưng chủ trương, mục đích này đã đi đúng hướng? Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ tại Công văn số 2834/TB-TTCP thì việc UBND tỉnh Gia Lai triển khai kế hoạch trồng cao su không căn cứ vào quy hoạch, giao đất ngoài quy hoạch gần 5.000ha cho 29/52 DN thuê đất để trồng cao su trong năm 2010-2011. Bên cạnh đó, việc buông lỏng quản lý đất đai, để Cty TNHH cao su Chư Sê thỏa thuận đền bù đất sản xuất của người dân lấy đất trồng cao su (hơn 233ha đất nông nghiệp của các hộ đồng bào DTTS) gây nguy cơ tiềm ẩn khiếu nại, tố cáo, gây mất ổn định. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng tỉnh này đã buông lỏng quản lý rừng, lâm sản tận thu khi chuyển rừng nghèo sang trồng cao su.
Điều thực tế đầu tiên là hàng chục nghìn héc-ta rừng nghèo đã ngã xuống, thế nhưng những vùng triển khai dự án vẫn chưa mấy khởi sắc, người dân vẫn chưa được hưởng lợi gì nhiều như cam kết ban đầu của chủ đầu tư. Mới đây, theo kết quả giám sát của HĐND tỉnh Gia Lai thì đến hết năm 2014, các DN đã đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng (CSHT) hơn 244 tỷ đồng (đạt gần 130% theo dự án được phê duyệt), hỗ trợ địa phương trong công tác an sinh, xã hội là 47,5 tỷ đồng (đạt 79,4%). Thế nhưng, oái oăm CSHT trên là đầu tư cho DN (nhà ở, nhà nghỉ trưa, khu làm việc... của DN) chứ không phải đầu tư cho địa phương. Không chỉ thế, khoản tiền bán gỗ, củi trên diện tích rừng nghèo khai hoang, có một số DN còn nợ ngân sách tỉnh hơn 8 tỷ đồng.
Đó chỉ là con số báo cáo chung, còn thực tế nhiều DN khác vẫn chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình dù đã nhận hàng trăm, nghìn héc-ta đất trồng cao su. Theo dự án được UBND tỉnh Gia Lai phê duyệt, với hơn 32.500ha được giao thì sẽ giải quyết việc làm cho gần 9.400 lao động dài hạn. Thế nhưng, đến nay chỉ có mới hơn 2.200 lao động dài hạn được tuyển dụng và trong số này chỉ vẻn vẹn có 777 lao động là người DTTS tại chỗ. Số lao động người DTTS này chủ yếu tập trung tuyển dụng ở các DN của Tập đoàn cao su Việt Nam và Binh đoàn 15. Đó là chưa kể việc triển khai các dự án còn xảy ra mâu thuẫn, va chạm giữa DN với người dân địa phương khi quỹ đất sản xuất của họ bị ảnh hưởng.
Đất đã giao, rừng nghèo đã ngã xuống, DN đã triển khai trồng cao su và cũng đã đến thời kỳ thu hoạch, thế nhưng mục tiêu của dự án là nguồn lợi, là việc làm, là nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho đồng bào DTTS vùng dự án có lẽ vẫn còn xa vời.
Minh Tân