Gia Lai: "Đại phẫu" các ban quản lý rừng
Thời gian qua, tỉnh Gia Lai đã liên tiếp công bố nhiều sai phạm của các Ban quản lý rừng, từ công tác quản lý, bảo vệ rừng đến việc sử dụng nguồn ngân sách cũng đầy bất ổn. Thậm chí, còn có tình trạng cán bộ, nhân viên ban quản lý (BQL) ngang nhiên xâm chiếm đất rừng và lập chứng từ khống để chiếm đoạt ngân sách. Theo thống kê, hiện toàn tỉnh Gia Lai có 22 BQL rừng được giao quản lý, bảo vệ gần 330.000ha rừng và đất lâm nghiệp. Dù không còn đông đảo như trước nhưng lực lượng cán bộ, nhân viên quản lý, bảo vệ rừng tại các BQL vẫn được duy trì. Bên cạnh đó, các nguồn ngân sách, tiền dịch vụ môi trường rừng đã góp phần cải thiện những khó khăn tại các BQL. Thế nhưng, qua công tác thanh tra, kiểm tra của các cơ quan chức năng tỉnh Gia Lai đã phát hiện nhiều diện tích lớn rừng bị mất, đất lâm nghiệp bị lấn chiếm trong thời gian dài nhưng không báo cáo, không xử lý.
Phần đất lâm nghiệp của BQL RPH Bắc Biển Hồ bị chính ông Nguyễn Đức (nguyên Trưởng BQL) lấn chiếm xây nhà, làm trang trại. |
Tình trạng trớ trêu nhất là tại BQL RPH Bắc An Khê khi diện tích đất lâm nghiệp bị lấn chiếm hơn 1.260ha trong 1.466ha được giao quản lý (chiếm 86,3%). Hiện đơn vị chỉ còn quản lý hơn xấp xỉ 200ha nhưng vẫn chưa có dấu hiệu người dân ngừng lấn chiếm. Trong số đó, rừng tự nhiên bị lấn chiếm hơn 211ha, đất rừng trồng 219ha... Tương tự, đất lâm nghiệp được BQL RPH Ya Hội được giao quản lý, bảo vệ tại TX An Khê gần 1.290ha. Thế nhưng, sau 5 năm, gần 883ha đất lâm nghiệp (chiếm gần 70%) bị lấn chiếm... Riêng tại BQL RPH Bắc Biển Hồ được giao quản lý, bảo vệ, sử dụng hơn 8.100ha đất lâm nghiệp, thế nhưng chỉ 6 năm sau bị "mất" gần 3.000ha do người dân lấn chiếm và kể cả có sự lấn chiếm, biến đất công thành đất của các lãnh đạo, nhân viên BQL. Thanh tra tỉnh Gia Lai đã phát hiện 15 cá nhân, trong đó từ lãnh đạo đến nhân viên của BQL Bắc Biển Hồ lấn chiếm để sử dụng hơn 84.000 m2 đất lâm nghiệp. Trong đó, có nhiều diện tích đã được UBND TP Pleiku cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN QSDĐ) và nhiều cá nhân đã chuyển nhượng, mua bán diện tích đất này. Đồng thời, qua thanh tra cũng phát hiện 1,2 tỷ đồng tại BQL không phản ánh vào sổ sách kế toán, BQL cũng xác nhận không còn tồn trong quỹ và cũng không biết, không chứng minh được việc sử dụng vào mục đích gì và có dấu hiệu cá nhân đã chiếm đoạt. Liên quan đến vụ việc trên, CQCSĐT CA tỉnh Gia Lai đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Nguyễn Đức và Tưởng Tín, nguyên Trưởng BQL cùng hàng loạt cán bộ khác liên quan.
Cùng với 3 BQL RPH trên, qua công tác thanh tra, Thanh tra tỉnh Gia Lai cũng đã phát hiện các sai phạm khác tại BQL RPH Ayun Pa, BQL RPH Ia Grai và BQL RPH Đăk Đoa. Trong đó, tổng diện tích mất đất rừng và rừng là hơn 5.100ha. Đáng lo ngại hơn, hàng chục tỷ đồng tiền ngân sách chi cho công tác quản lý, bảo vệ rừng cũng đã bị các BQL làm chứng từ khống, có dấu hiệu tham nhũng, trục lợi cá nhân. Mới đây nhất là trường hợp sai phạm của BQL RPH Đăk Đoa với số tiền có dấu hiệu tham nhũng lên đến gần 5,4 tỷ đồng. Hay tại Ban quản lý rừng phòng hộ Ia Grai cũng có dấu hiệu tham nhũng số tiền khoảng 16,5 tỷ đồng từ trồng rừng và giao khoán quản lý, bảo vệ rừng.
Một diện tích lớn đất lâm nghiệp tại BQL RPH Ya Hội được giao quản lý, bảo vệ tại TX An Khê bị người dân lấn chiếm trồng cây công nghiệp. |
Ông Trương Phước Anh, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Gia Lai thừa nhận, những bất ổn, yếu kém trong việc kiểm soát các BQL rừng đã diễn ra quá lâu, dẫn đến hễ thanh tra là ra sai phạm. Ông Trương Phước Anh cho biết: "Sở thấy rằng tình hình quản lý, bảo vệ rừng có vấn đề bất ổn. Sai phạm của các ban kéo dài từ nhiều năm trước. Thứ hai, trong đó có phần tự kiểm soát, tự thanh tra của ngành nông nghiệp cũng có những hạn chế nhất định, không sâu sát vào lĩnh vực quản lý, bảo vệ, phát triển rừng. Dẫn đến quá trình kiểm soát của ngành đối với các ban này có những hạn chế nhất định". Trước tình trạng tiền ngân sách vẫn "rót" về cho công tác quản lý, bảo vệ rừng nhưng rừng vẫn cứ mất, thậm chí ngân sách còn bị "xà xẻo", UBND tỉnh Gia Lai vừa ban hành Quyết định số 1150 nhằm thanh tra toàn diện việc quản lý, sử dụng các nguồn kinh phí, công tác quản lý, bảo vệ rừng và sử dụng đất lâm nghiệp tại 10 đơn vị. Trong đó, có 7 BQL RPH hộ, gồm: Bắc Ia Grai, Ia Ly, Đông Bắc Chư Păh, Chư Mố, Chư A Thai, Đức Cơ, Ia Rsai và 3 Cty TNHH MTV Lâm nghiệp là: Lơ Ku, Ka Nak và Kông H'de. Tất cả các đơn vị này sẽ được thanh tra trong quý 4 năm 2019, thời kỳ thanh tra là giai đoạn 2013-2018. Việc thanh tra thể hiện quyết tâm của tỉnh Gia Lai trong việc chấn chỉnh hoạt động tại các BQL rừng, Cty lâm nghiệp. Hi vọng với cuộc "đại phẫu" này, việc hoạt động của các BQL rừng cũng như các Cty lâm nghiệp sẽ thay đổi tốt hơn. Đặc biệt, là công tác quản lý, bảo vệ những cánh rừng còn lại sẽ mang lại hiệu quả đúng như mong đợi.
MINH TÂN