Gia Lai lại rúng động vì vỡ nợ nông sản
(Cadn.com.vn) - Thêm một vụ vỡ nợ gây rúng động tại Gia Lai vừa xảy ra tại địa bàn H. Đắc Đoa (Gia Lai), lần này là đại lý thu mua nông sản Nguyệt Tỉnh (tại thôn Hà Lòng 2, xã Kdang, H. Đắc Đoa) do bà Nguyễn Thị Nguyệt làm chủ. Như vậy trong vòng chưa đầy 1 tháng, trên địa bàn tỉnh Gia Lai liên tiếp xảy ra 2 vụ vỡ nợ nông sản với tổng số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng.
Trao đổi với phóng viên, Trưởng CAX Kdang Vũ Văn Tiến, cho biết: Ngày 2-6, vợ chồng bà Nguyệt đã đến UBND xã trình báo về việc vỡ nợ vì làm ăn thua lỗ, nhờ chính quyền địa phương can thiệp, bảo vệ tính mạng và tài sản trong nhà. Theo trình báo ban đầu bà Nguyệt, hiện bà đang nợ của người dân hơn 36 tỷ đồng và không còn khả năng chi trả. Ngay sau đó, CAX đã cử lực lượng phối hợp với Xã đội túc trực tại nhà bà Nguyệt để hướng dẫn, tuyên truyền cho người dân không manh động cũng như tránh trường hợp tẩu tán tài sản. Ước tính, bà Nguyệt nợ khoảng 40 tỷ đồng chứ không phải 36 tỷ như khai báo ban đầu, vì còn chủ nợ ở các huyện khác chưa trình báo với chính quyền địa phương.
Ngay sau khi thông tin đại lý Nguyệt Tỉnh tuyên bố vỡ nợ, hàng chục hộ dân địa phương có nông sản ký gửi cho đại lý này đã kéo đến nhà bà Nguyệt trông ngóng trong nỗi bất an tột cùng. Anh Bùi Văn Mộc (trú làng Grat, xã Đăk Drjăng, H. Mang Yang, Gia Lai) mấy ngày nay cũng chẳng thiết ăn uống, thất thần ngồi ở trước nhà bà Nguyệt khi nghe hung tin bà Nguyệt vỡ nợ.
Cơ sở thu mua nông sản của bà Nguyệt đóng cửa im ỉm nhiều ngày qua. Ảnh: P.V |
“Vụ thu hoạch cà-phê và hồ tiêu năm nay coi như toàn bộ gia sản của gia đình với 2,3 tấn cà-phê và 1 tấn tiêu, tổng trị giá khoảng 250 triệu đồng tôi mang đến ký gửi vào cơ sở của bà Nguyệt. Trong lúc đang chờ giá tiêu lên để bán lấy tiền trả nợ ngân hàng, sửa sang lại chút nhà cửa thì đùng cái bà Nguyệt tuyên bố vỡ nợ. Tìm gặp bà Nguyệt để đòi nợ thì bà bảo: Không có tiền! Giờ cũng chẳng biết phải làm sao đây nữa!”, anh Mộc nói.
Tương tự, vợ chồng bà Trương Thị Kim Nga (trú thôn Hà Lòng 2, xã Kdang) chừ cũng chỉ biết ngồi nhìn nhau mếu máo. Theo bà Nga, năm 2014, bà bán cho bà Nguyệt hơn 5 tấn cà-phê nhân với số tiền 200 triệu đồng và hứa sẽ trả trong thời gian sớm, tuy nhiên nhiều lần đòi nợ thì bà Nguyệt cứ xin khất thêm thời gian. Nghe tin bà Nguyệt tuyên bố vỡ nợ, gia đình bà Nga đến đòi nhưng không được. “Tôi cứ nghĩ bà Nguyệt đồng hương nên mới cho mượn. Ai ngờ bây giờ một đồng bà cũng không trả, chúng tôi lấy tiền đâu mà nuôi thân”, bà Nga khóc nghẹn.
Nhiều người dân cho rằng, bà Nguyệt tuyên bố vỡ nợ có dấu hiệu bất minh vì trước thời điểm tuyên bố vỡ nợ khoảng 10 ngày, người dân thấy bà Nguyệt chở rất nhiều nông sản đi bán. Chị Mai Thị Ẩn (trú thôn H’rát, xã Đăk Djrăng, H. Mang Yang, Gia Lai) bức xúc: “Khi chúng tôi tìm gặp bà Nguyệt đòi nợ thì bà còn ngang ngược bảo: - Tôi giờ trắng tay rồi không còn ngàn nào, lấy tiền đâu mà trả. Trong khi cách đây không lâu, bà Nguyệt còn nhận ký gửi của rất nhiều người dân, đùng cái tuyên bố vỡ nợ”.
Trước đó, ngày 11-5, ông Tưởng Công Kỳ (1964, trú thôn 4, xã Ia Krái, H. Ia Grai, Gia Lai) đã cùng vợ là bà Đoàn Thị Niềm đến CAX Ia Krái nộp đơn trình báo vỡ nợ do thua lỗ sau khi mua bán nông sản. Bước đầu, theo trình báo của người dân cũng như của gia đình bà Niềm, hiện bà Niềm còn nợ của 47 hộ dân hơn 200 tấn cà-phê nhân cùng tiền mặt với trị giá 7,5 tỷ đồng nhưng không có khả năng chi trả. P.V |
Ông Lê Viết Phẩm, Chủ tịch UBND H. Đắc Đoa, cho biết: Lãnh đạo địa phương đã nắm được thông tin việc đại lý thu mua nông sản do bà Nguyễn Thị Nguyệt làm chủ tuyên bố vỡ nợ. Hiện UBND H. Đắc Đoa đã giao cho CAH Đắc Đoa xác minh, làm rõ vụ việc. Cũng theo ông Phẩm, tài sản hiện có của vợ chồng bà Nguyệt mà ngành chức năng thống kê được gồm có 2 căn nhà và 4ha cà-phê.
Theo tìm hiểu của phóng viên, trong số những người ký gửi nông sản tại đại lý Nguyệt Tỉnh, người ít cũng vài chục triệu đồng, người nhiều đến hàng tỷ đồng, như: hộ chị Đỗ Thị Út (thôn Tân Phú, xã ĐắcD’Jrăng) 53 tấn cà-phê, Quỳnh Hoa (xã Đắc Djrăng) 40 tấn, ông Năm Phúc (xã Hải Yang, H. Đắc Đoa) 49 tấn cà-phê... Trong số đó, có người cho bà Nguyệt vay mượn tiền mặt để buôn bán, có người bán cà-phê, hồ tiêu nhưng chưa được bà Nguyệt trả tiền và đa phần là những người ký gửi cà-phê, hồ tiêu tại cơ sở nhưng chưa bán được thì xảy ra vụ việc. Theo các hộ dân, đại lý thu mua nông sản Nguyệt Tỉnh hoạt động 7 năm qua, nhiều người vì nghĩ bà này đồng hương và thấy đại lý thu mua nông sản của bà này làm ăn có uy tín nên ký gửi hoặc bán nợ nông sản cho bà.
Đại úy Bùi Đức Ngụ, Đội phó Đội điều tra tổng hợp, CAH Đăk Đoa, cho biết: Đến thời điểm hiện tại, CAH đã tiếp nhận 13 đơn của người dân gửi tố cáo bà Nguyệt không trả nợ với 2,4 tỷ đồng, 50 tấn cà-phê và gần 1 tấn hồ tiêu... Hiện vụ việc vẫn đang được CAH Đăk Đoa xác minh, làm rõ.
M.T