Ia Krái rúng động vì chủ đại lý ký gửi cà-phê tuyên bố vỡ nợ

Thứ bảy, 14/05/2016 11:26

* Người ký gửi nhiều nhất là 48 tấn cà-phê

(Cadn.com.vn) - Từ sáng sớm 12-5, hàng trăm người dân ùn ùn kéo đến nhà bà Đoàn Thị Niềm (1964, trú xóm 7, thôn 4, xã Ia Krái, H. Ia Grai, Gia Lai) khi hay tin bà Niềm tuyên bố vỡ nợ. Hàng trăm tấn cà-phê với trị giá hàng tỷ đồng được bà Niềm “mượn” hoặc người dân ký gửi ở đây đã không còn trong kho một hạt nào.

Người dân phản ánh sự việc với phóng viên.

Lại khóc ròng vì vỡ nợ kiểu ký gửi cà-phê

Giữa trưa đứng bóng vẫn còn hàng chục người đứng, ngồi trước cửa nhà Đoàn Thị Niềm. Khuôn mặt ai cũng buồn không chỉ vì cái nắng ở xã vùng biên của H. Ia Grai này mà toàn bộ tài sản tích cóp cả năm là những tấn cà-phê được ký gửi ở đây chờ giá bán đã không còn một hột nào khi gia đình bà Niềm tuyên bố vỡ nợ. Ông Phạm Văn Khiêm (trú xã Ia Krái) bần thần kể: “Cách đây 6 tháng, sau khi thu hoạch, gia đình tôi ký gửi cho bà Niềm 9,7 tấn cà-phê nhân nhưng chỉ mới cắt giá bán 0,7 tấn, 9 tấn còn lại vẫn để ở đây chờ được giá sẽ cắt bán. Mấy hôm nay thấy giá cà-phê tăng trở lại, đang có ý định xuống cắt giá bán để trả nợ, đầu tư tiếp vụ tới thì đùng cái sáng nay nghe bà Niềm tuyên bố vỡ nợ. Nếu tính giá hiện tại thì 9 tấn cà-phê của mình khoảng hơn 320 triệu đồng bà Niềm làm giấy xin trả nợ dần nhưng đến khi nào trả thì bà cũng không nói được”.

Hàng chục người dân bao vây chất vấn số tiền nợ đối với bà Đoàn Thị Niềm (dấu X).

Ngồi bên hiên nhà của bà Niềm, vợ chồng bà Võ Thị Phượng (trú xã Ia Krái) vẫn chưa tin bà Niềm tuyên bố vỡ nợ là sự thật. Khi toàn bộ gia sản tích cóp cả chục năm nay cùng tài sản của những anh em, bà con được bà vay mượn mua gần 25 tấn cà-phê trị giá hơn 1 tỷ đồng rồi đầu cơ ký gửi vào đây giờ chưa biết khi nào được bà Niềm trả lại. “Giờ bà Niềm tuyên bố vỡ nợ do làm ăn thua lỗ, biết nói gì với anh em, bà con, biết lấy gì để nuôi 6 đứa con ăn học đây!” - bà Phượng nói.

Không chỉ 2 hộ dân trên, còn hàng chục hộ dân nông dân khác cũng ký gửi hoặc cho bà Niềm vay mượn cà-phê như ngồi trên đống lửa khi bà Niềm tuyên bố vỡ nợ. Theo người dân xã Ia Krái, bà Niềm mở đại lý thu mua nông sản, trong đó có cà-phê hơn 6 năm nay và khá uy tín trong việc chi trả tiền cà-phê ký gửi. Thế nhưng, đùng một cái tuyên bố vỡ nợ khiến hàng chục dân điêu đứng, bởi trong số hàng trăm tấn cà-phê người dân ký gửi vào cơ sở bà Niềm thì người nhiều nhất 48 tấn, người ít nhất vài tấn, vài tạ. Những người dân bị bà Niềm nợ đều trú xã Ia Krái.

Ông Nguyễn Văn Thiên (trú xóm 4, thôn 4, xã Ia Krái) chua xót: “Mình đã cảnh giác mấy kiểu ký gửi cà-phê này rồi, vì mình từng đi ký gửi rồi người ta tuyên bố vỡ nợ, đến nay cả hơn 5 năm chưa đòi lại được một đồng. Ai ngờ giờ lại dính vô bà Niềm… Sau khi thu hoạch, mình cất cà-phê ở kho, chờ được giá sẽ bán. Cách đây 1 tháng, bà Niềm lên hỏi mượn 7,6 tấn cà-phê nhân của mình về để trộn với cà-phê xấu của bà. May là gia đình có xuống bán 2 tấn, còn 5,6 tấn chưa kịp bán thì bà tuyên bố vỡ nợ. Vốn liếng, công sức cả năm giờ biết khi nào mới đòi được”.

Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Ngọc Đoài, Phó trưởng CAX Ia Krái cho biết: 16 giờ ngày 11-5, ông Tưởng Công Kỳ (1964, trú xóm 7, thôn 4, xã Ia Krái) cùng vợ là bà Đoàn Thị Niềm đến trụ sở nộp đơn trình báo vỡ nợ do thua lỗ sau khi mua bán nông sản. Bước đầu, theo trình báo của người dân cũng như của gia đình bà Niềm, hiện bà Niềm còn nợ của 47 hộ dân là hơn 200 tấn cà-phê nhân cùng tiền mặt với trị giá 7,5 tỷ đồng nhưng không có khả năng chi trả. Cũng theo đại diện CAX Ia Krái, gia đình bà Niềm vẫn ở lại địa phương và đang tìm cách chi trả số tiền nợ, tuy nhiên vẫn không nêu rõ được thời gian trả.

Bà Võ Thị Phượng lau nước mắt khi số tiền hơn 1 tỷ đồng
chưa biết đến bao giờ đòi được.

Bài học ký gửi nông sản vẫn chưa chấm dứt?

Sau khi vụ việc xảy ra, lực lượng CAH Ia Grai đã phối hợp với CAX Ia Krái và chính quyền địa phương để đảm bảo tình hình ANTT trên địa bàn cũng như tránh các trường hợp đáng tiếc xảy ra. Thiếu tá Phạm Chính Nghĩa - Đội trưởng Đội HS-KT-MT CAH Ia Grai cho biết: Qua nắm vụ việc ban đầu, vụ việc chưa có dấu hiệu hình sự nên đơn vị đã giải thích cho bà con hiểu rõ các vấn đề pháp luật liên quan cũng như hướng dẫn người dân gửi đơn đến cơ quan Tòa án để giải quyết theo quy định của pháp luật.

Các đại lý thu mua nông sản tuyên bố vỡ nợ sau khi nhận cà-phê ký gửi của người dân không phải chuyện hiếm ở Gia Lai cũng như ở Tây Nguyên. Năm nào người nông dân cũng ngậm đắng nuốt cay khi toàn bộ số cà-phê ký gửi của mình vào đại lý, chưa kịp đợi giá cao để bán thì đại lý tuyên bố vỡ nợ. Lý giải về hình thức ký gửi đầy rủi ro này, ông Nguyễn Minh Đường - Giám đốc Cty TNHH xuất khẩu nông sản Tây Nguyên cho biết: Đối với những đại lý thu mua nông sản thì việc nhận ký gửi cà-phê của người dân thực chất chỉ là “dùng mỡ nó rán nó” vì đa phần những đại lý này vốn ít, thậm chí không có… Sau khi thu hoạch cà-phê, thông thường giá cà-phê xuống thấp nên người dân ký gửi tại các đại lý chờ giá cao để bán. Hoặc để có tiền phục vụ sản xuất, tiêu dùng, người dân đến đại lý thu mua cà-phê ký gửi cà-phê để ứng tiền trước và chịu lãi suất mà đại lý đưa ra. Thế nhưng, khi ký gửi kiểu đó là người nông dân đã chấp nhận việc đại lý sử dụng cà-phê của mình vào việc gì tùy đại lý, chỉ cần ký giấy xác nhận là ngày nào, tháng nào đã nhận bao nhiêu cà-phê. Sau khi nhận số cà-phê ký gửi, đại lý thu mua có thể đem số cà-phê đó đi mua bán trên thị trường hoặc dùng vào mục đích riêng rồi thua lỗ, thậm chí bán lấy tiền tiêu xài cá nhân. Khi người nông dân đến lấy tiền thì không có mà đòi lại số cà-phê của mình thì trong kho không còn hạt nào. Từ đó kéo theo nhiều hệ lụy xã hội.

Bài học về câu chuyện ký gửi cà-phê có lẽ vẫn chưa có hồi kết ở vùng Tây Nguyên này khi người nông dân vẫn chưa nhận thức rõ hết vấn đề cũng như dự báo sẽ còn nhiều bất trắc đối với người nông dân khi giá cà-phê “nhảy múa” từ niên vụ 2014-2015 đến nay. “Để tránh tình trạng chiếm dụng vốn, thậm chí lừa đảo qua hình thức nhận ký gửi cà-phê này, cơ quan chức năng cũng như chính quyền các địa phương cần có những khuyến cáo, hướng dẫn người nông dân có hàng nông sản đến những cơ sở có uy tín được các cơ quan chức năng thẩm định để giao dịch, tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra” - ông Đường khuyến cáo.

Minh Tân