Gia Lai: Sâu keo mùa thu tàn phá hơn 5.500ha ngô

Thứ bảy, 06/07/2019 14:44

Dù mang cái tên khá mỹ miều nhưng trong vòng 1 tháng qua loài sâu keo mùa thu đã tàn phá nghiêm trọng trên những cánh đồng ngô của người nông dân trên nhiều địa bàn của tỉnh Gia Lai. Không chỉ sinh trưởng nhanh, loài sâu này còn khó tiêu diệt, sức tàn phá lớn, có nguy cơ lây lan rộng và khó kiểm soát.

Ông Nguyễn Biên Thùy (thôn 1, xã Chơ Long, H. Kông Chro, Gia Lai) rầu rĩ bên ruộng ngô bị sâu keo mùa thu tàn phá.

Cày bỏ cây trồng vì sâu tàn phá

Khác với màu xanh phủ bạt ngàn như những năm trước, giờ này những cánh đồng ngô của các xã ở huyện Kông Chro (Gia Lai) xơ xác, thậm chí không thể phát triển. Những cây ngô bị loài sâu keo mùa thu ăn nát cả đọt non, thậm chí lá ngô dày cũng bị chúng "xơi tái". Lớp phân của loài sâu này đầy như mùn gỗ nằm rải từ ngọn xuống tận gốc. Bên ruộng ngô khoảng 1,2ha, gia đình chị Nguyễn Thị Loan (40 tuổi, trú tại thôn 8, xã Chơ Long, H. Kông Chro) đang vạch lá từng cây ngô để bắt sâu keo. Không ngơi tay bắt những con sâu cuốn tròn trong đọt ngô, chị Loan nói: lúc mới trồng ruộng ngô lên xanh mơn mởn kỳ vọng cho một vụ bội thu. Khi cây ngô phát triển chưa đầy 1m thì bất ngờ đàn sâu keo xuất hiện. Từ vài cây bị, thì chỉ loáng cả ruộng ngô bị loài sâu keo tàn phá. "Gia đình tôi đã mua 1 triệu đồng tiền thuốc trừ sâu để phun, thế nhưng đàn sâu không những không chết mà còn lây lan ngày càng dày đặc hơn. Ruộng ngô này gia đình đầu tư 15 triệu đồng, chưa kể công cán năm này coi như mất trắng rồi. Giờ chỉ còn cách bắt thủ công này coi như vớt vát được chút nào hay chút đó thôi. Chứ bao nhiêu công sức, tiền của bỏ ra đây mà bị sâu ăn cụt phần ngọn, cờ không ra thì ngô không thể đậu trái được", chị Loan rầu rĩ.

Gần ruộng ngô của gia đình chị Loan, ông Nguyễn Biên Thùy (trú tại thôn 1, xã Chơ Long) cũng đau xót trước cảnh đàn sâu keo đang tàn phá trên ruộng ngô của gia đình. Ngồi bó gối bên bờ, ông Thùy cho hay: 15 năm kinh nghiệm trồng ngô thì đây là lần đầu tiên ông gặp phải "đại dịch" sâu keo này. Chúng cực kỳ khó diệt và lây lan nhanh chóng cùng với sức tàn phá khủng khiếp. 6ha ngô được ông trồng thì đã có 1,3ha đã phải cày bỏ phần để tránh lây lan phần vì đàn sâu đã ăn gần như sạch sẽ chỉ còn trơ gốc. Ông Thùy lo lắng: "Giờ còn hơn 4ha cũng bắt đầu bị đàn sâu keo ăn qua, tôi chạy khắp nơi để tìm thuốc đặc trị loại sâu này nhưng không ăn thua với chúng. Tính sơ bộ thì năm nay thu nhập giảm một nửa so với năm ngoái là chắc rồi".

Trao đổi với PV, ông Võ Văn Hưng, Trưởng phòng NN&PTNT H. Kông Chro cho biết: cuối tháng 5-2019, trong khi điều tra dự báo tình hình sâu bệnh hại trên cây trồng thì địa phương phát hiện sâu keo mùa thu xuất hiện và gây hại cây ngô trên địa bàn huyện. Không chỉ gây hại trên cây ngô mà loài sâu keo mùa thu cũng bắt đầu "tấn công" trên các loại cây trồng khác như: bí, đậu, ớt…của người dân. Tính đến ngày 1-7, loài sâu keo mùa thu đã gây hại với tổng diện tích 1.644ha cây trồng, trong đó 10,8ha người dân buộc phải cày bỏ vì bị sâu tàn phá mạnh.

Chưa có thuốc đặc trị, người dân đành dùng biện pháp thủ công để bắt và tiêu diệt loại sâu keo mùa thu này.

"Đại dịch" sâu keo vẫn tiếp diễn

Tính đến thời điểm này, theo thống kê của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Gia Lai thì loài sâu keo mùa thu đã xuất hiện tại 11/17 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh. Trong đó, thiệt hại nặng nhất là các huyện Kông Chro, Chư Prông và Chư Pưh. Đã có hơn 5.500ha cây ngô bị loài sâu này gây hại và đang có xu hướng tăng. Theo ông Hà Ngọc Uyển, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Gia Lai thì sâu keo mùa thu là loài có nguồn gốc từ vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới châu Mỹ, có thể gây hại trên 300 loài thực vật (nhất là ngô), sâu keo mùa thu có thể di trú xa hàng trăm km nhờ gió, quá trình vận chuyển hạt giống, cây giống. Đây là loài sâu đa thực, phàm ăn nhưng đặc biệt chúng vẫn thích các loại cây họ hòa thảo, trong đó có ngô, lúa, mía. Hiện loài sâu này  đã xuất hiện hơn 10 tỉnh trên cả nước.

Tại địa bàn Gia Lai, sâu keo mùa thu xuất hiện từ tháng 4-2019 và lây lan rộng với tốc độ rất nhanh vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Việc phòng trừ loài sâu này gặp nhiều khó khăn vì vòng sinh trưởng chỉ trong khoảng 30 ngày và chia làm 6 giai đoạn tuổi. "Thế nên, trên cùng một thửa ruộng nhưng tồn tại ổ dịch sâu keo mùa thu ở nhiều giai đoạn tuổi khác nhau. Thế nên, việc phun một lần thuốc thường không diệt trừ triệt để loài sâu này mà phải phun kép từ 2-3 lần, mỗi lần cách nhau 7 ngày. Việc phun thuốc chỉ hiệu quả cao khi sâu còn nhỏ, qua giai đoạn này chúng đã khỏe và sẽ đục vào trong thân cây, khi đó việc phun thuốc bên ngoài không hiệu quả", ông Uyển cho biết thêm.

Tuy nhiên, tại thời điểm này vẫn chưa có loài thuốc đặc trị loài sâu keo mùa thu trên. Bên cạnh đó, nhiều người dân vẫn chưa thường xuyên thăm đồng nên không phát hiện kịp thời, khi thấy cây trồng bị hại thì đàn sâu tuổi đã lớn khiến việc phòng trừ gặp khó khăn. Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã khuyến cáo người dân cần thực hiện các biện pháp tổng hợp. Đặc biệt, khi làm đất, vệ sinh đồng ruộng người dân cần phơi đất để tiêu diệt các ổ trứng của loài sâu này. Khi sâu mới xuất hiện, người dân phải diệt trừ ngay bằng biện pháp thủ công như bắt bằng tay, làm bẫy bắt sâu…v.v. "Trong trường hợp can thiệp bằng thuốc bảo vệ thực vật, bà con lưu ý phải áp dụng biện pháp 4 đúng. Đó là: đúng thuốc, đúng nồng độ, liều lượng, đúng lúc và đúng phương pháp. Hiện đơn vị đang tham mưu lãnh đạo để tăng cường công tác chỉ đạo tiêu diệt loại sâu keo mùa thu này tốt hơn. Đồng thời, chúng tôi cũng đẩy mạnh công tác tập huấn, tuyên truyền phương pháp phòng trừ cũng như cách tiêu diệt loài sâu này hiệu quả nhất", ông Uyển khuyến cáo thêm.

MINH TÂN