Già làng chung sức giữ bình yên nơi biên giới
Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện tại trên địa bàn huyện Tây Giang có 70 già làng tiêu biểu và người có uy tín. Có thể kể tên rất nhiều già làng tiêu biểu, như: già làng Pơloong Giơớch xãTrHy, già làng Pơloong Jím ở A Xan, A Lăng Nhít ở Ga Ry… Nhiều năm qua, các già làng luôn đi đầu trong các hoạt động của 62 tổ tự quản đường biên cột mốc, các tổ tự quản về ANTT ở địa bàn 8 xã biên giới Tây Giang. Đặc biệt, các già làng đã cung cấp cho lực lượng Công an, Biên phòng gần 200 nguồn tin có giá trị về ANTT, xâm phạm chủ quyền biên giới quốc gia… Qua đó, cơ quan chức năng kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý 25 vụ việc, với 31 đối tượng vi phạm quy chế biên giới, trộm cắp tài sản, gây rối trật tự, vi phạm các quy định về phòng, chống dịch bệnh COVID- 19… Trong số 70 già làng tiêu biểu phải kể đến già làng Cơ Lâu Nhấp, thôn Pơrning, xã Lăng. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, chàng thanh niên Cơ Lâu Nhấp tham gia dân công hỏa tuyến, vận chuyển hàng trăm tấn lương thực, vũ khí phục vụ chiến trường rồi trở thành anh Bộ đội Cụ Hồ với nhiều chiến công hiển hách. Ngày hòa bình lập lại, rời quân ngũ anh bộ đội Cơ Lâu Nhấp trở về tham gia công tác tại địa phương. Kinh qua nhiều chức vụ, như: Trưởng Công an xã, Chủ tịch UBND xã, Bí thư Đảng ủy xã đến lúc nghỉ hưu… Với kinh nghiệm nhiều năm trong quân ngũ và công tác, già làng Cơ Lâu Nhấp đã trở thành chỗ dựa tin cậy của bà con trong thôn, làng. Già làng chỉ dạy tận tình cho người dân từ việc khai hoang trồng lúa nước, trồng sâm ba kích, đến việc cưới xin, ma chay… Già luôn vận động và trở thành tấm gương sáng cho người dân trong việc phát triển kinh tế, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu và xây dựng nếp sống văn hóa. Già làng còn gương mẫu đi đầu, nhắc nhở bà con chấp hành tốt các quy định phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Một tấm gương khác phải kể đến là già làng Ríah Đơơr, thôn Chalăng, xã Ch'oom. Khi nhận thấy cây đẳng sâm bản địa mọc tự nhiên trong rừng dọc biên giới Việt Lào có giá trị kinh tế cao. Già làng Ríah Đơơr đã mạnh dạn "di dời" cây mọc hoang trên núi về trồng trên nương rẫy của mình. Khi sản phẩm cho thu hoạch, đạt giá trị kinh tế cao, già làng đã hướng dẫn bà con trong thôn, xã phát triển nhân rộng lên hàng trăm hécta đẳng sâm. Hiện tại, các xã Ch'oom, Ga ry cây đẳng sâm trở thành cây chủ lực, mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhiều hộ gia đình thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Thượng tá Mai Thanh Tâm- Trưởng CAH Tây Giang trao đổi: phát huy truyền thống quê hương cách mạng, dù tuổi đã cao nhưng các già làng, trưởng bản ở H. Tây Giang vẫn luôn đi đầu gương mẫu, chung tay cùng chính quyền, các ban ngành, đoàn thể xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, chung sức cùng các thế hệ đi sau xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, yên bình trên vùng biên cương còn nhiều gian khó. Đặc biệt, trên lĩnh vực an ninh- quốc phòng các già làng, trưởng bản và người có uy tín trong đồng bào các dân tộc thiểu số ở Quảng Nam bằng những việc làm thiết thực đã trở thành hạt nhân gương mẫu, đi đầu trong công tác đảm bảo ANTT, bảo vệ ANTQ để vùng biên giới ngày càng giàu đẹp, yên bình.
M.T