"Giả mạo" điều kiện cư trú sẽ bị xử phạt

Thứ năm, 07/08/2014 08:56

(Cadn.com.vn) - Vừa qua, nhiều ý kiến của bạn đọc gửi đến Báo Công an TP Đà Nẵng hỏi về quyền tự do cư trú và những vấn đề liên quan đến Nghị định 31/2014 của Chính phủ. Phần lớn những ý kiến quan tâm hỏi về: Những quy định về đăng ký thường trú (ĐKTT), điều kiện nào thì được ĐKTT vào thành phố trực thuộc Trung ương. Một số ý kiến quan tâm đến việc thủ tục đăng ký thường trú, sổ tạm trú, thời gian ĐKTT và thời gian gia hạn sổ tạm trú khi thay đổi chỗ ở... Báo Công an TP Đà Nẵng xin thông tin một số vấn đề bạn đọc đang  quan tâm...

Luật Cư trú (LCT) có hiệu lực từ ngày 1-7-2007, trong đó quyền tự do cư trú được cụ thể hóa trong LCT. Tuy nhiên, qua thời gian triển khai ngoài những kết quả đạt được, LCT đã bộc lộ một số khó khăn, bất cập cần sửa đổi, bổ sung. Ngày 18-4-2014, Chính phủ đã ban hành Nghị định (NĐ) số 31/2014/NĐ-CP quy định một số điều và biện pháp thi hành LCT.

CAQ Hải Châu (Đà Nẵng) làm thủ tục đăng ký hộ khẩu cho người dân.

Giải quyết cho cư trú đối với người không sinh sống tại nơi đăng ký sẽ bị xử phạt

Trước đây, LCT chưa quy định cấm trường hợp người đã đăng ký thường trú (ĐKTT) cho người khác đăng ký hợp pháp vào chỗ ở của mình để trục lợi, và có hành vi giả mạo để được ĐKTT nên khi phát hiện cơ quan chức năng không có biện pháp, chế tài xử lý. Đã xảy ra nhiều trường hợp các chủ hộ lợi dụng các quy định thông thoáng về ĐKTT vào thành phố trực thuộc Trung ương để cho người ở nơi khác nhập hộ khẩu vào hộ khẩu của mình, mặc dù họ không cư trú tại đó. Ngoài ra trước đây LCT không quy định thời hạn của sổ tạm trú nên nhiều trường hợp đã chuyển đi nơi khác, có sổ tạm trú mới nhưng chưa xóa tên trong sổ tạm trú cũ dẫn đến việc một người có nhiều sổ tạm trú, gây lãng phí, khó khăn cho cơ quan chức năng trong công tác quản lý...

NĐ số 31/2014/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15-6-2014, theo đó công dân đang tạm trú có đủ 3 điều kiện sau thì được ĐKTT tại thành phố trực thuộc Trung ương đó là: Có chỗ ở hợp pháp tại thành phố trực thuộc Trung ương.  Có đủ điều kiện về diện tích ở, có quyền sở hữu hợp pháp theo quy định của pháp luật.. Tạm trú liên tục từ 1 năm trở lên với trường hợp ĐKTT vào huyện, thị xã thuộc thành phố trực thuộc Trung ương. Tạm trú từ 2 năm trở lên với trường hợp ĐKTT vào quận thuộc thành phố trực thuộc Trung ương. Nếu tạm trú ở nhiều nơi khác nhau thì thời gian tạm trú liên tục được tính bằng tổng thời gian tạm trú tại các nơi đó. Nơi đề nghị ĐKTT phải là nơi đang tạm trú.

Lâu nay, nhiều chủ hộ cho người khác đăng ký vào hộ nhà mình nhưng không biết là đã vi phạm LCT mới có hiệu lực từ đầu năm 2014. Tình trạng vi phạm LCT phổ biến là phụ huynh muốn con học ở các trường điểm nên đã "chạy" hộ khẩu vào một số địa chỉ phù hợp thuộc các trường điểm. Đây là hành vi "giả mạo" điều kiện cư trú bị nghiêm cấm đã được bổ sung vào LCT. Theo đó, người vi phạm là người đăng ký cư trú nhưng không sinh sống tại nơi đăng ký, người cho "mượn" hộ khẩu để đăng ký vào hộ của mình. Đối với người có thẩm quyền giải quyết cho đăng ký nơi cư trú không đủ điều kiện nêu trên cũng là vi phạm LCT.

Ví dụ: chị M. thường trú tại P. Hòa Minh (Q. Liên Chiểu) nhờ ông B. ở P. Hải Châu 1 (Q. Hải Châu) cho con chị nhập hộ khẩu vào nhà ông để cháu được học tại trường THCS Trưng Vương. Trên thực tế con chị M. đang  sống cùng gia đình tại P. Hòa Minh, Liên Chiểu.  Như vậy, căn cứ Điều 8, LCT  chị M. vi phạm Khoản 8 về giả mạo điều kiện cư trú. Còn ông B. vi phạm Khoản 11 vì đã có hành vi đồng ý cho người khác đăng ký cư trú vào chỗ ở của mình. Riêng cơ quan CA thì vi phạm Khoản 10 vì đã giải quyết cho cư trú đối với người không sinh sống tại nơi đăng ký. Mức phạt được áp dụng đối với các trường hợp này từ 2 đến 4 triệu đồng, và cơ quan chức năng sẽ hủy bỏ kết quả đăng ký cư trú.

Không để xảy ra tình trạng một người có nhiều sổ tạm trú

Trước đây, do không quy định thời hạn của sổ tạm trú nên đã xảy ra nhiều trường hợp người đăng ký tuy đã chuyển đến chỗ ở mới nhưng vẫn không bị xóa tên trong sổ tạm trú trong khi ở địa chỉ mới lại được cấp sổ tạm trú khác. LCT mới quy định cụ thể thời hạn của sổ tạm trú. Sổ tạm trú cấp cho hộ gia đình hoặc cá nhân đã đăng ký tạm trú có thời hạn tối đa là 24 tháng. Thời hạn 30 ngày khi hết hạn tạm trú, công dân phải đến cơ quan công an để làm thủ tục gia hạn.

Trong thời hạn 12 tháng, kể từ khi chuyển đến chỗ ở hợp pháp mới, người thay đổi chỗ ở có trách nhiệm làm thủ tục ĐKTT tại chỗ ở mới. Trong thời hạn 60 ngày, người được người có sổ hộ khẩu đồng ý cho nhập vào sổ của mình hoặc đại diện hộ gia đình phải có trách nhiệm làm thủ tục ĐKTT. Trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày trẻ em được đăng ký khai sinh, cha, mẹ, đại diện hộ gia đình, người giám hộ... chăm sóc trẻ em có trách nhiệm làm thủ tục ĐKTT cho trẻ em đó.

Nhiều năm qua, các cơ quan có thẩm quyền đau đầu vì tình trạng "chạy khẩu" để con cái được vào học tại các trường điểm. "Hệ lụy" này khiến cho các trường điểm trên địa bàn Q. Hải Châu, TPĐN luôn quá tải. Riêng năm học 2014-2015, có hơn 100 học sinh có hộ khẩu thường trú, nhưng qua khảo sát thực tế không sinh sống tại nơi đăng ký thường trú đã gây không ít khó khăn cho ngành Giáo dục Đà Nẵng. Hy vọng quy định tại NĐ 31/CP về việc nghiêm cấm các hành vi "giả mạo" điều kiện cư trú, cho "mượn" sổ hộ khẩu, hoặc giải quyết cho cư trú đối với trường hợp không sinh sống tại nơi đăng ký sẽ góp phần hạn chế tình trạng "chạy hộ khẩu", "chạy trường".   

 Có thể thấy rằng, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của LCT nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý, bảo đảm các điều kiện thuận lợi cho công dân trong cư trú, đồng thời tăng cường công tác quản lý Nhà nước (QLNN), góp phần giữ vững ANQG, bảo đảm TTATXH trong tình hình mới. Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của LCT là hết sức cần thiết, nhằm khắc phục những vướng mắc, bất cập nảy sinh nêu trên.

Bài, ảnh: Hiền Minh